Phát hiện “học giả bằng thật” không khó!

(Dân trí) - Câu nói thẳng của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận “Chỉ có bằng giả mới vào được cơ quan nhà nước” đã được nhiều ý kiến tán đồng và lo lắng vì tình trạng này đang ngày càng nhiều ở các cơ quan nhà nước. Giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

Tại phiên họp mới đây của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã nói: “Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài”. Cũng vì lẽ đó mà Bộ trưởng Luận đã “tha thiết đề nghị” Bộ Nội vụ nhanh chóng hoàn thiện đề án về tuyển dụng công chức như một cách để đổi mới giáo dục.

Ngay lập tức thông tin này được báo giới phát đi, nhiều ý kiến rất tán đồng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại rằng nguyên nhân là do giáo dục đào tạo hiện nay và việc sính bằng cấp của Việt Nam tạo ra.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Bằng giả hiện nay chỉ “chui” được vào các cơ quan nhà nước vì hối lộ

Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Việc bằng giả hiện nay chỉ “chui” được vào các cơ quan nhà nước là vì hối lộ. Không “chui” vào được các cơ quan tư nhân vì họ sử dụng đối tượng giả này sẽ hại cả cơ quan của họ nên không ai nhận.

Nói về lý ý kiến của Bộ trưởng Luận hoàn toàn đúng nhưng tôi nghĩ nếu đặt lại câu hỏi, ai tạo ra bằng giả này. Các cơ quan tư nhân không tạo ra bằng giả được cho nên chính các ông nhà nước tạo ra bằng giả.

Tôi thấy, hiện nay, bằng thật học giả chui vào ngành Giáo dục nhiều nhất. Ngành Giáo dục hiện nay đang quy định nhiều về tiến sĩ, thạc sĩ nên làm giả rất nhiều như vụ việc tuyển sinh thạc sĩ ở Thanh Hóa vừa qua. Hiện nay đào tạo của ta chưa đi vào thực chất. Chính sách tuyển dụng cũng chưa thực chất, còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc sính bằng cấp mới tạo ra việc học giả, bằng thật. Do vậy, tôi nghĩ, trước hết, ngành giáo dục cần thay đổi về cách đánh giá như thế nào cho xác thực, đi vào đào tạo chất lượng, chứ không phải làm ào ào như lâu nay. Vấn đề này, tôi thấy Bộ GD-ĐT cũng đang làm. Đặc biệt, việc tuyển dụng nên dựa trên chất lượng đào tạo, nếu có nghi ngờ thì kiểm tra.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, Hội khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam: Nguy hiểm tình trạng học giả bằng thật

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói đúng. Ở thực tế còn nhiều thứ nữa mà chúng ta không ngờ tới. Vấn đề là bằng nào cũng thế thôi. Bằng giả thì phát hiện ra ngay nhưng bằng thật học giả thì mới nguy hiểm, cần phát hiện. Con người trong đó chạy chọt để có bằng vào các cơ quan nhà nước.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bằng giả, bằng thật học giả hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng do mình quá coi trọng bằng cấp. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng không nên phê phán việc này, chúng ta phải coi trọng bằng cấp chứ không coi trọng bằng cấp thì đánh đổ đồng mọi người như nhau à. Một mặt coi trọng bằng cấp nhưng một mặt chú ý tới chất lượng đào tạo và phải có giám sát. Các đồng nghiệp trong cơ quan giám sát việc này dễ nhất và cần phải phơi bày ra. Ví dụ, người bằng cấp cao thế này nhưng thực chất việc làm của anh ta không hiệu quả, không có năng lực thì cần phải lên án. Tập thể, đơn vị có con người như vậy thì phải đấu tranh, không sợ trù úm và phải có minh chứng và đấu tranh. Đây là vì lợi ích quốc gia vì lợi ích dân tộc nên phải có trách nhiệm.Việc này không chỉ ngành giáo dục làm mà phải cả xã hội tham gia và có ý kiến.

Giải pháp để khắc phục tình trạng bằng giả, bằng thật học giả này theo tôi cần phải có tổ chức kiểm tra đánh giá. Tổ chức kiểm tra này là một tổ chức được quyền cấp bằng và làm việc hết sức nghiêm túc.

GS. TSKH Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực
GS. TSKH Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực.

GS. TSKH Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực: Cần phải đổi mới cách đánh giá chất lượng!

Câu nói của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ rõ thực trạng chỉ cơ quan Nhà nước mới tuyển dụng không theo năng lực mà theo bằng cấp. Tuy nhiên, bằng giả thì dễ phát hiện nhưng bằng thật học giả mới khó.

Nguyên nhân học giả bằng thật đương nhiên là do giáo dục. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do tuyển dụng và sử dụng lao động. Nếu tuyển dụng và sử dụng lao động đúng năng lực thì người học phải học khác và thi kiểu khác. Tuyển dụng và sử dụng như thế nào người học sẽ học và người dạy sẽ dạy như thế.

Tôi nghĩ, một trong những đổi mới ngành Giáo dục cần làm ngay là đổi mới đánh giá, đặc biệt là đánh giá chất lượng đầu ra để đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan và cho ra trường những người lao động có chất lượng. Ngành Giáo dục cần xây dựng lại quy chế cũng như vận dụng các phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá hiện đại để đảm bảo chất lượng đầu ra cho nhà nước và cho xã hội.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cần xây dựng chuẩn năng lực từng chức danh lao động, xây dựng lại quy chế tuyển dụng, sử dụng nhân lực theo năng lực là chủ yếu, bằng cấp chỉ là điều kiện cần. Hệ thống Giáo dục đào tạo và hệ thống sử dụng nhân lực, nhà trường và doanh nghiệp phải gắn bó với nhau hơn.

Tuy nhiên, để thay đổi được vấn đề này trong thời gian tới rất khó, khó vì phải thay đổi cả tư duy lẫn hành động vốn đã ăn sâu nhiều năm trong mỗi chúng ta. Tuy nhiên, sớm muộn gì cũng sẽ phải thay đổi, nhưng điều này phụ thuộc vào sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo.

Hồng Hạnh (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm