Bằng giả chỉ “lọt” được vào cơ quan nhà nước

(Dân trí) - “Việc học giả, bằng giả, học thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể “chui” vào hệ thống công chức nhà nước, không chui vào được tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không lọc được thì việc thực học, thực nghiệp vẫn sẽ còn là câu hỏi”.

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại phiên họp ngày 25/2 của Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015.
 
Bằng giả chỉ “lọt” được vào cơ quan nhà nước

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bức xúc nói: "Đội ngũ cán bộ tổ chức doanh nghiệp tư nhân không chuyên như chúng ta mà họ lại “lọc” được, còn chúng ta thì lại không. Vì vậy tôi thiết tha đề nghị Bộ Nội vụ cần rất nhanh chóng có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ viên chức, công chức của hệ thống công chức, viên chức”.

Về vấn đề tuyển dụng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu quan điểm: “Nếu cơ chế tuyển người và sử dụng người trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước mà đổi mới theo chất lượng thì chất lượng giáo dục sẽ tự nhiên kéo theo”.

Không bàn sâu về vấn đề tuyển dụng, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - thành viên Hội đồng Quốc gia nêu thực tiễn của việc đào tạo không gắn sử dụng, khi mỗi năm có hàng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm. Ngay cả các trường dạy nghề cũng vậy, trong lúc các doanh nghiệp cần công nhân lại không tuyển được. Rõ ràng, ta đang đào tạo một đằng, sử dụng một nẻo.

“Nhà nước - mà cụ thể cơ quan quản lý lao động - cần xây dựng được kế hoạch phát triển nhân lực trong vòng 5 năm. Nghĩa là trong 5 năm tới cần bao nhiêu kỹ sư cơ khí, bao nhiêu kỹ sư điện tử… Qua đó thì nhà trường mới tổ chức đào tạo gắn với sử dụng được. Nếu không, sự bất cập về đào tạo này sẽ còn gây lãng phí lớn cho Nhà nước và xã hội, lãng phí lớn cho thế hệ trẻ” - GS.TSKH Nguyễn Minh Đường đề xuất

Xác định lại vị trí việc làm để tránh chạy theo bằng cấp

Trao đổi tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh: “Việc gắn giữa đào tạo với sử dụng là hết sức quan trọng”. Ông Dĩnh chia sẻ, hiện nay quan niệm xã hội, gia đình và ngay cả học sinh bao giờ cũng muốn phấn đấu để đạt được một trình độ đại học, phải có bằng đại học. Trong khi đó, thực tế thì nhiều nước họ đào tạo theo tín chỉ với quan niệm “cần gì thì học nấy” chứ không nhất thiết phải có bằng đại học.

“Vấn đề gắn giữa đào tạo với sử dụng ngoài đào tạo nghề thì việc xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu công chức rất quan trọng. Trong một cơ quan không nhất thiết cứ phải có bằng đại học cả mà có thể có trung cấp, cao đẳng... Vấn đề là xác định cơ cấu công chức, cơ cấu các nghề trong các cơ quan, đơn vị sử dụng. Nếu không thì xu hướng phấn đấu học để có bằng đại học sẽ có có thể thay đổi được” - ông Dĩnh nói

Cũng theo ông Dĩnh, phải có sự xác định vị trí việc làm, cơ cấu công chức, xác định ngành nghề ứng với các bậc học ở trong các cơ quan để có thể sử dụng cho nó phù hợp. Có như vậy mới phát huy được đào tạo nghề , trung cấp, cao đẳng và ĐH.

“Hiện nay ngay ở các cơ quan nhà nước cũng thi đua phấn đầu học lên trên cả ĐH, điều này chưa hẳn đã tốt. Thiết nghĩ chỉ cần tập trung cử nhân nhưng có bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng thì phù hợp hơn. Trình độ trên ĐH thì tập trung cho cơ sở nghiên cứu, bậc ĐH thì phù hợp hơn” - ông Dĩnh nêu vấn đề.

Ông Dĩnh cũng cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay đó là xây dựng chế độ chính sách trong các bậc học cần phải được rõ ràng, cần có sự khuyến khích đối với học nghề, trung cấp, cao đẳng đối với các bậc khác cho nó phù hợp. Nếu điều này không làm được thì sẽ rất khó phân luồng bởi gia đình, học sinh nào cũng muốn phấn đấu có tấm bằng ĐH.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm