Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại

(Dân trí) - Ngày 8 - 9/12/2017, tại Bái Đính, Ninh Bình, Viện Trần Nhân Tông thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại”.

Đây là một trong các hoạt động khoa học có tính chuyên sâu đánh dấu một năm chính thức đi vào hoạt động của Viện Trần Nhân Tông.

Hội thảo Khoa học Quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại” tổ chức nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học để thảo luận, làm rõ trên các phương diện lý luận, nhận thức và hành động những nội dung của Phật giáo nhập thế cũng như việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội và con người đương đại.

Đồng thời, phát huy các giá trị tinh hoa, tốt đẹp của Phật giáo cho đời sống hòa bình, ổn định, phát triển của con người và xã hội, đồng thời, tạo cơ hội thúc đẩy sự đối thoại, quan hệ hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước về Phật học.

Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại - 1

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐHQGHN kiêm Viện Trưởng Viện Trần Nhân Tông cho biết: "Trong lịch sử, tư tưởng từ bi và cứu độ, tinh thần nhập thế của Phật giáo đã sớm thể hiện ở việc Phật giáo quan tâm và tham gia giải quyết các vấn đề của cuộc đời.

Bước vào thời hiện đại, Phật giáo nhập thế đã thực sự trở thành một khuynh hướng và ngày càng mang tính phổ quát. Thực tế cho thấy, nhân loại đang trải qua thời kỳ của cách mạng khoa học công nghệ 4.0, với đặc điểm là sự kết nối giữa thế giới thực và thế giới ảo.

Đây là thời kỳ kinh tế số hóa với trí tuệ nhân tạo được sử dụng ngày càng nhiều, là xã hội quản lý trên cơ sở dữ liệu số toàn thể, công cụ truyền thông hiện đại tức thì và rộng khắp, mạng xã hội rộng lớn hầu như không thể kiểm soát.

Là thời kỳ mà giữa con người và con người không còn bị ngăn cách trong không gian địa lý, nhưng con người lại có phần xa nhau hơn về khoảng cách tình cảm. Trong cách nhìn của Phật giáo, đời sống là cõi trần ai, thì thời nay ta cần gọi nó là cõi trần ai số hóa, và chân lý về sự khổ (khổ đế), cần được mô tả theo một cách thức mới.

PGS.TS Sơn cho rằng, ngày nay, chúng ta đang sống trong thế giới ảo, lại tạo ra một thế giới ảo cho mình. Thế giới ảo ngày nay, như hình ảnh trong ti vi, thế giới ảo trong mạng internet, mạng xã hội, là thế giới trong face book, thế giới đó ảo nhưng nó lại có tác động thực. Tiền cũng ảo, chuyển qua internet, kiếm tiền qua internet, người ta có thể chuyển các dạng vật chất số hóa qua mạng.

Thế giới ảo nhưng tạo ra những tác động xã hội to lớn, nó đem lại vô lượng những lợi ích cho cuộc sống, nhưng cũng gây ra những ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội và tinh thần con người. Thế giới ảo của ảo, hai tầng của ảo làm cho ảo nhiều tầng thứ hơn, thăm thẳm hơn.

Điều đó cũng có nghĩa là tầng u minh của con người có thể sâu hơn, nhiều tầng che lấp hơn, nỗi thống khổ nhiều sâu hơn và đa dạng hơn. Khổ của con người mênh mang rộng lớn hơn, nhiều tầng thứ hơn. Con người cần ý thức được đầy đủ những vấn đề này mà mình đang đối mặt.

Theo PGS.TS Sơn, tiếp cận nghiên cứu vấn đề Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại từ góc độ khoa học, không chỉ để nhận thức sâu sắc và toàn diện hơn về Phật giáo, nhất là Phật giáo đương đại, mà còn để cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ việc hoạch định chính sách và điều chỉnh hành vi, cả về nhận thức và thực tiễn, cả với Phật giáo cũng như với xã hội, trước khuynh hướng nhập thế của Phật giáo và việc Phật giáo tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đương đại. Qua đó phát huy những giá trị tư tưởng - văn hóa Phật giáo chính tông, làm cho Phật giáo và xã hội cùng phát triển tốt đẹp.


PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội

PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội

Hòa thượng, TS. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN nhấn mạnh: Hội thảo khoa học Quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại” do Viện Trần Nhân Tông phối hợp cùng GHPGVN tổ chức không chỉ quan tâm sâu sắc đến vai trò của Phật giáo trên bước đường đồng hành cùng dân tộc, mà còn tập trung vào các nội dung nhập thế của Phật giáo trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự quan tâm này đã khiến chúng tôi ý thức sâu sắc trách nhiệm “hộ quốc an dân” cũng như sứ mạng “hoằng pháp lợi sanh” của Phật giáo nước nhà.


Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế “Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại” đã nhận được gần 100 bài viết của các học giả trong và ngoài nước. Hội đồng thẩm định đã chọn 90 báo cáo đưa vào tài liệu của Hội thảo, trong đó có 10 bài viết của các học giả đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc Đại lục, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc); 9 bài viết của các học giả đến từ GHPGVN; 71 bài viết của các học giả đến từ các cơ sở nghiên cứu và đào tạo trên toàn quốc.

Các bài viết tập trung vào 3 nội dung chính, Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại - những vấn đề tư tưởng và nhận thức; Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại trong khu vực và trên thế giới; Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại ở Việt Nam.

Nhật Hồng