Phân ban: Hiệu trưởng không được ép học sinh

(Dân trí) - Đối với học sinh học phân ban, hiệu trưởng phải tôn trọng quyền lựa chọn của học sinh, không được ép học sinh vào học ban nào. Đó là khẳng định của ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ THPT Bộ GD-ĐT.

Hiện nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các tỉnh, thành phố cần bố trí đủ các ban KHTN, ban KHXH-NV và ban Cơ bản với các hình thức phân hóa theo khối thi tuyển sinh ĐH A,B,C,D. Tuy nhiên, hiện nay học sinh lại đổ xô vào học ban Cơ bản và ban Tự nhiên, rất ít em đăng ký vào ban KHXH-NV.

 

Như vậy, học sinh đã có sự lựa chọn và cân nhắc. Ban Nhân văn có thể giảm so với các ban khác nhưng sẽ không có triệt tiêu như mọi người vẫn nói mà do số lượng học sinh thi vào đại học khối C có ít đi. Năm ngoái, Ban KHXH và NV học sinh đăng ký vào là 6-7%.

 

Do đó, các trường cần giải thích và để các em phải tự đăng ký lại, nếu các em không đăng ký thì thôi. Người làm quản lý không run sợ gì về vấn đề ấy. Nói như Bộ trưởng là người quản lý cứ bày đủ các phương án ra đấy còn lựa chọn là quyền của phụ huynh học sinh.

 

Liệu có xảy ra tình trạng Hiệu trưởng có ép học sinh vào những ban mà các em không thích?

 

Nếu Hiệu trưởng ép là sai. Hiệu trưởng chỉ được phép giải thích chứ không được ép. Nếu ban nào rất ít học sinh đăng ký, không đủ 1 lớp học thì nên chuyển cho các em sang ban khác học.

 

Có nhiều em học sinh khi học ban Tự nhiên 1 năm thấy không theo kịp muốn chuyển sang ban khác có được không, thưa ông?

 

Bộ đã quy định rõ, học sinh chỉ được chuyển ban 1 lần sau khi học xong lớp 10. Vì trong phân ban có hình thức học tập phân hóa của 3 ban nên không thể nay học chỗ này, mai học chỗ khác được như thế thì gọi gì là phân ban.

 

Hiện nay, nhiều giáo viên kêu rằng, chương trình sách giáo khoa phân ban quá nặng,  ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển chương trình giáo dục có nghiên cứu ở hơn 10 tỉnh học có nêu 4 môn học sinh học tập khó khăn là Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ. Nguyên nhân chủ yếu chưa được xác định rõ có thể xuất phát từ SGK, chương trình, đội ngũ thầy giáo hay Cơ sở vật chất. Phải có nghiên cứu đầy đủ, khách quan để biết đâu là nguyên nhân chính. Nguyên nhân có thể là 1 trong 4 hoặc cả 4 nguyên nhân nhưng nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là đội ngũ giáo viên.

 

Đây là năm đầu dạy phân ban như mới tập bơi còn khua khoắng lung tung chưa có kỹ năng, vài năm tới giáo viên mới hình thành được kinh nghiệm. Do vậy, năm nay chúng tôi có đổi mới về phân phối chương trình để các trường được tự chủ. Với những nơi khó khăn sẽ sử dụng những tiết tự chọn theo chủ đề bám sát để củng cố kiến thức cho các em. Bám sát là ôn tập, hệ thống hoá kiến thức kỹ năng củng cố kiến thức chứ không phải là nâng cao, bổ sung kiến thức mới.

 

Cùng với chương trình quá nặng thì nhiều giáo viên đã phát hiện trong sách giáo khoa phân ban mới còn nhiều chỗ sai và có kiến nghị lên Bộ?

 

Cuối năm qua, Bộ GD-ĐT đã có công văn yêu cầu từng tổ chuyên môn, từng trường có sơ kết 1 năm phân ban và Sở GD-ĐT tổng kết chuyển cho Bộ. Như vậy tất cả ý kiến về SGK và chương trình đều được tập hợp nhưng chủ yếu ý kiến về cách trình bày còn không có mấy ý kiến nói là SGK sai chỗ này, chỗ kia. Chúng tôi sẽ tập hợp các ý kiến và sẽ trả lời tác giả khi có kết luận tập thể vì SGK chứ không phải tài liệu chuyên môn thuần tuý.

 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã nói, SKG không phải là nhất thành bất biến, sau quá trình sử dụng có thể điều chỉnh tất nhiên là những chỉnh sửa đó không lớn.

 

Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Hồng Hạnh

(Thực hiện)