Phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” trong quản lý giáo dục đại học
(Dân trí) - Đó là 1 trong 4 nội dung mà Hiệp hội vì Giáo dục cho mọi người kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học gửi tới Ủy ban Văn hóa,Giáo dục, Thanh,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội.
Trong tháng 10 năm 2018 Quốc Hội sẽ thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học, chính vì vậy, Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người, trên cơ sở tập hợp ý kiến rộng rãi của các thành viên đã gửi tới Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh,Thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội một văn bản kiến nghị.
Theo Hiệp hội, Luật Giáo dục Đại học sắp tới tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng sau:
Một là, phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) phân tầng, thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm hội nhập quốc tế. Trong các luật về giáo dục và trong các văn bản hiện hành, hệ thống này còn mờ về triết lý, manh mún, thiếu gắn kết, chắp vá về cơ cấu, hạn chế về năng lực hội nhập và kém hiệu quả.
Hai là, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý (trên tất cả các phương diện) và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GDĐH.
Ba là, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.
Bốn là, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” đang phổ biến hiện nay trong cơ chế quản lý GDĐH.
Đáng tiếc là cả 4 yêu cầu đó đều không được thể hiện hoặc nếu có thể hiện thì vẫn rất mờ nhạt ở Luật GDĐH hiện hành.
Hiệp hội cho rằng, chỉ khi Luật Giáo dục Đại học đáp ứng được cả 4 yêu cầu trên thì giáo dục đại học Việt Nam mới hy vọng trong tương lai không xa đạt được các tiêu chí cần có của một nền giáo dục đại học tiên tiến là: công bằng, chất lượng, hiệu quả, nhất quán và quốc tế hóa.
Theo Hiệp hội, xét chung về kết cấu và nội dung Luật Giáo dục Đại học hiện hành vẫn nghiêng theo hướng của một luật về các cơ sở giáo dục đại học - một văn bản thường chỉ được trình bày dưới dạng “dưới luật”, tức Điều lệ trường đại học.
Điều này có thể thấy rõ ngay tại các Điều 1 và 2 của Luật quy định về phạm vi điều chỉnh và về đối tượng áp dụng. Trong Luật, những nội dung rất quan trọng của một Luật Giáo dục Đại học hiện đại như Hệ thống giáo dục đại học, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học hầu như không được thể hiện rõ. Mặt khác nhiều nội dung đưa vào lại quá chi li, không xứng tầm của một luật về Giáo dục đại học.
Hiệp hội đã đề nghị sửa đổi cụ thể tại Dự thảo Luật Giáo dục đại học với nhiều nội dung, trong đó với kết cấu Luật. Cụ thể: đề nghị bổ sung và bố cục lại một số nội dung để kết cấu thành hai chương mới trong Luật: một chương về Hệ thống giáo dục đại học (chương 2) và một chương về Quan hệ Xã hội (chương gần cuối).
Chương đầu cần chứa đựng các nội dung như: cơ cấu hệ thống GDĐH, các chuẩn mực GDĐH quốc gia, các loại hình đào tạo, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở GDĐH, mạng lưới các hội và hiệp hội về GDĐH... (tương tự như Luật Giáo dục Đại học của Liên Bang Nga, Luật GDĐH Indonesia,...).
Hệ thống giáo dục đại học ở đây cần phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân do Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người kiến nghị lên các cấp lãnh đạo Nhà nước từ năm 2015.
Chương sau cần đưa vào các nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với GDĐH của mọi công dân có nguyện vọng và nhu cầu được học đại học, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, trong đó có giới tuyển dụng đối với GDĐH, về vai trò của các hội và hiệp hội nghề nghiệp trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học... Đây là hai chương rất cơ bản không thể thiếu vắng trong mọi Luật Giáo dục Đại học.
Hiệp hội cho rằng, trường hợp chưa thể thay đổi ngay kết cấu của Luật GDĐH mà trước mắt chỉ tập trung bổ sung, sửa đổi nội dung của một số điều của Luật, Hiệp hội xin có một số ý kiến cụ thể như sau:
Bổ sung vào Chương 1 điều về Triết lý giáo dục đại học. Cần thể hiện những quan điểm chính thức của Đảng và Nhà nước về GDĐH để thống nhất định hướng cho phát triển GDĐH Việt Nam, khắc phục dư luận cho rằng GDĐH Việt Nam chưa có triết lý. Cần khẳng định GDĐH Việt Nam đi theo hướng đại chúng. Không nên né tránh điều này trong Luật Giáo dục Đại học. Triết lý này có thể được viết như sau:
Triết lý của giáo dục đại học Việt Nam được thiết lập dựa trên các nguyên tắc: "Dân tộc, sáng tạo và đại chúng".
Làm rõ khái niệm về giáo dục đại học
Trong bản kiến nghị, Hiệp Hội đề xuất, chỉ nên tập trung vào một số khái niệm lớn của riêng giáo dục đại học như: giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, trình độ GDĐH, các Chuẩn quốc gia về GDĐH... Các khái niệm khác nên đưa vào phụ lục từ điển thuật ngữ... Riêng khái niệm Giáo dục đại học nên được định nghĩa theo nghĩa rộng, hàm chứa cả giáo dục nghề nghiệp sau trung học, từ trình độ cao đẳng trở lên, trong đó có đào tạo nghề, như xu hướng thế giới hiện nay, để bảo đảm tính thống nhất của một hệ thống GDĐH phân tầng, phân luồng.
Không nên gộp các khái niệm trường đại học và học viện với nhau; do đó nên bổ sung thêm từ ngữ học viện. Không nên tách rời các khái niệm: đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, đơn vị thuộc. Cũng tương tự như vậy đối với các khái niệm trường thành viên và trường. Tất cả các từ ngữ trên, thực chất đều chỉ đơn vị trực thuộc trực tiếp của một cơ sở giáo dục đại học độc lập.
Loại hình “đại học”, theo thông lệ quốc tế , là để chỉ những cơ sở GDĐH đa lĩnh vực, đẳng cấp (cả về đào tạo lẫn nghiên cứu), cho phép giải quyết các thách thức chiến lược tầm cỡ của đất nước nếu biết phát huy được “sức mạnh tổng hợp”nhờ khả năng “đánh hợp đồng binh chủng” của mình.
Theo Hiệp hội, 5 đại học của ta, tuy được thành lập từ đầu những năm 90, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên đã không trở thành những đại học đa lĩnh vực “đích thực” mà lại phát triển thành các “liên hiệp lỏng lẻo của các trường đại học chuyên ngành”. Do đó vấn đề hiện nay là ở chỗ phải tổ chức lại các “liên hiệp” đó chứ không phải đi giải tán chúng.
Hồng Hạnh