Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh:

“Phải quyết liệt giảm thiểu tình trạng HS học trái tuyến”

(Dân trí) - “Một trường tiểu học có hơn 1.200 học sinh mà có tới gần 1.000 học sinh học trái tuyến, gấp ba lần học sinh nội tuyến là không chấp nhận được. Phải quyết liệt giảm thiểu tình trạng học sinh học trái tuyến”.

Ông Nguyễn Xuân Anh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm học 2012 - 2013 vừa qua và triển khai công tác năm học mới sắp tới tại Đà Nẵng. Hội nghị vừa diễn ra sáng nay 6/8.

“Phải quyết liệt giảm thiểu tình trạng HS học trái tuyến”
Ông Nguyễn Xuân Anh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng việc một trường tiểu học mà có số học sinh học trái tuyến gấp 3 lần HS nội tuyến là không chấp nhận được.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, qua khảo sát học sinh (HS) một số trường tiểu học thường quá tải HS ở trung tâm thành phố, thì số HS học trái tuyến quá nhiều so với HS nội tuyến, trong khi đúng theo quy định thì HS bậc tiểu học ở địa bàn tuyển sinh của trường nào thì học đúng tuyến tuyển sinh trường đó.

Ông Anh đưa ra dẫn chứng cụ thể từ việc khảo sát HS ở các trường Tiểu học (TH) Phù Đổng, TH Phan Thanh và TH Hoàng Văn Thụ. Năm học 2012 - 2013, trường TH Phù Đổng có gần 3.000 HS, nhưng chỉ có 1.400 HS nội tuyến (ở tại địa bàn tuyển sinh của trường), còn lại khoảng 1.600 HS học trái tuyến; sang năm học tới, điều tra phổ cập có 382 HS có hộ khẩu tại địa bàn tuyển sinh trong độ tuổi vào lớp 1, nhưng hiện có đến 481 hồ sơ đăng ký nhập học.

Trường TH Phan Thanh năm ngoái có tổng cộng hơn hơn 1.200 HS, thì đến hơn 700 HS học trái tuyến. Trường TH Hoàng Văn Thụ có hơn 1.200 HS, thì có 943 HS học trái tuyến.

“Phải quyết liệt giảm thiểu tình trạng HS học trái tuyến”
Việc tỷ lệ HS học trái tuyến quá cao, khiến các trường trong trung tâm thành phố như TH Phù Đổng, TH Phan Thanh, TH Hoàng Văn Thụ luôn quá tải. (Ảnh chụp tại trường TH Phù Đổng)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng: “Một trường tiểu học có hơn 1.200 HS mà có tới gần 1.000 HS học trái tuyến, gấp ba lần HS nội tuyến là không chấp nhận được. Phải quyết liệt giảm thiểu tình trạng HS học trái tuyến. Nếu các trường chỉ nhận HS nội tuyến, làm sao quá tải HS? Trong khi, nếu không vì quá tải, HS nội tuyến có đủ phòng học ở trường để có thể học 2 buổi/ngày. Phụ huynh không phải một buổi đưa con tới trường, một buổi gửi con ở các trung tâm, rất tốn kém.

Quyết tâm giảm thiểu tình trạng này, UBND TP Đà Nẵng đã có chỉ đạo tất cả các trường hợp HS ở khác tuyến nộp đơn vào các trường thường quá tải HS như TH Phù Đổng, TH Phan Thanh, TH Hoàng Văn Thụ, THCS Trưng Vương… phải được lập danh sách trình UBND thành phố xem xét. Nếu UBND TP không quản lý, giao hết công tác tuyển sinh cho Hiệu trưởng các trường thì khi phát hiện trường hợp HS học trái tuyến trái quy định thì Hiệu trưởng có dám chịu trách nhiệm không?”.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng thừa nhận tình trạng phụ huynh chạy nhập hộ khẩu đúng tuyến cho con em vào các trường tiểu học  nêu trên như báo chí đã phản ánh là có cơ sở, có thật (báo Dân trí đã có bài đăng phản ánh hiện trạng này hôm 5/8 vừa qua - PV). Theo đó, yêu cầu UBND Q. Hải Châu phải sớm có văn bản giải trình vụ việc đến UBND TP.

Đại diện lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo ngành Giáo dục TP trong năm học 2013 - 2014 tới, thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường Tiểu học trên địa bàn. Chẳn hạn như luân chuyển các giáo viên giỏi về các trường chưa thu hút HS do phụ huynh còn nghi ngại chất lượng đào tạo của trường để cân bằng chất lượng giáo dục giữa các trường trên địa bàn.

Về việc có đề xuất nên cho phép tổ chức dạy thêm các môn học văn hóa cho HS tiểu học, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Anh nêu quan điểm: Đối với HS Tiểu học, không nên dồn ép các em học nhiều, nên ngoài giờ học ở trường, đừng bắt các em đi học thêm nữa. Các em cần có một chương trình học các bộ môn văn hóa nhẹ nhàng hơn, thay vào đó là tăng cường giáo dục thể chất, kỹ năng…

Về dạy thêm, học thêm các bậc khác thì đây là một nhu cầu thực sự nên không thể cấm cản. Tuy nhiên, cần phải giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Theo phương hướng triển khai công tác năm học mới, ngành GD TP Đà Nẵng đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, đổi với phương pháp giảng dạy, lấy HS làm trung tâm; đồngthời, tăng cường giáo dục thể chất cho HS. UBNDTP. cũng chỉ đạo ngành có nhiều chính sách thu hút nguồn giáo viên ngoại ngữ giỏi, vì hiện số giáo viên ngoại ngữ có trình độ đạt chuẩn còn hạn chế; sớm có Đề án Xã hội hóa Giáo dục trình UBND thành phố…
 

Duyệt chi 46 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa nhà vệ sinh trong trường học

 

UBND TP Đà Nẵng đã duyệt chi 46 tỷ đồng theo đề xuất của ngành Giáo dục TP để đầu tư sửa chữa, nâng cấp toàn bộ nhà vệ sinh cho học sinh ở các trường học trên địa bàn thành phố. Theo ghi nhận thực tế, hiện hầu hết nhà vệ sinh cho học sinh ở các trường học rất không đảm bảo, nên nhất thiết phải đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đảm bảo chất lượng vệ sinh trong môi trường học đường.

 

Năm học mới, Đà Nẵng không tăng học phí, vẫn giữ nguyên mức thu như năm học 2012 - 2013 đối với học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn TP. Tuy nhiên, UBND TP đồng ý việc các trường đề xuất thu thêm 50.000 đồng/học sinh/năm để chi trả cho nhân công vệ sinh trường học, và các khoản chi để đảm bảo vệ sinh trường học.

Khánh Hiền