Cuộc “cách mạng sách giáo khoa”:

Phải mạnh dạn cắt bỏ những phần phản khoa học

“Tôi không hiểu nổi chương trình biên soạn như thế nào mà cháu tôi mới học lớp 3 đã gọi điện thoại hỏi tôi tình dục là gì. Trước đó cháu đã hỏi bố mẹ, bố mẹ cháu cũng ú ớ”, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên chuyên viên chỉ đạo môn văn, Sở GD-ĐT TPHCM băn khoăn.

Từ nhiều năm nay, chương trình - sách giáo khoa gần như năm nào cũng chỉnh sửa nhưng vẫn bị kêu quá tải, hàn lâm, tùy tiện... Cuộc “cách mạng sách giáo khoa” do Bộ GD-ĐT khởi xướng lần này liệu sẽ mang lại những cải cách thật sự?

Theo một số chuyên gia giáo dục, viết lại sách giáo khoa phải mạnh dạn bỏ những phần không sử dụng được nữa, đưa vào những kiến thức sát với thực tế hơn.

Lớp 5 đã được học về tinh trùng, thụ thai...

Bà Tôn Tuyết Dung, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (TPHCM), cho rằng chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) có một số môn, một số bài không sát với đối tượng học, nếu không muốn nói là phản khoa học. Ví dụ, sách Khoa học lớp 5 có bài 2, 3 (trang 7): “Nam, nữ khác nhau về mặt sinh học là: nam thì có râu, cơ quan sinh dục nam tạo ra tinh trùng, nữ thì có kinh nguyệt, cơ quan sinh dục nữ tạo ra trứng”.

Một bài khác đề cập: “Cơ thể chúng ta được hình thành từ sự kết hợp giữa trứng của mẹ và tinh trùng của bố. Sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng gọi là thụ tinh”. Tiếp theo là câu hỏi: “Các hình dưới đây, theo bạn hình nào cho biết thai được 5 tuần, 8 tuần, 3 tháng, 9 tháng?”...

Bà Dung đặt vấn đề: “Thử hỏi các khái niệm trừu tượng về cơ quan sinh dục, về tinh trùng, về quá trình thụ tinh có thật cần thiết cho học sinh lớp 5 không? Xin để cho các nhà giáo dục, phụ huynh lên tiếng”.

Cũng sách Khoa học lớp 5, bà Dung dẫn chứng một bài khác có tên Cần làm gì để mẹ và bé đều khỏe. Ngay tên bài đã cho thấy sách soạn... nhầm đối tượng. Nội dung đề cập “6 điều cần cho phụ nữ có thai như: chế độ ăn uống, vệ sinh thân thể, khám thai định kỳ...”. “Việc của các bà mẹ mang thai, cớ sao lại đem dạy cho các cháu?” - bà Dung lắc đầu.

Tạo ra bà nội trợ giỏi từ lớp 6

Cũng theo bà Dung, sách Công nghệ và kinh tế gia đình lớp 6 gồm bốn chương. Có thể nói khó mà ứng dụng được chương nào cho các em nhỏ. Hầu hết nội dung là cho người lớn thực hiện, soạn thật kỹ các chi tiết như để đào tạo những bà nội trợ giỏi vậy! Điều đáng buồn cười là sách có các bài hướng dẫn may vá, thêu thùa... và cả nam sinh cũng phải học như nữ sinh!

Một “khuyết tật” khác của CT-SGK là còn quá cao siêu, đầy ắp lý thuyết với những khái niệm trừu tượng, khó hiểu. Đơn cử: học sinh lớp 10, 11, 12 phải học duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, triết học, kinh tế chính trị của bậc đại học. Môn sinh, môn hóa lớp 11, 12, mỗi bài được dẫn giải đến bốn, năm trang. Bản thân học sinh không nắm được đã đành, đến giáo viên cũng phải chịu. Một giáo viên môn sinh lớp 11 gọi điện thoại hỏi lãnh đạo cơ quan chức năng thì được giải đáp: “Không sao đâu cô, chúng nó tự học tự hiểu mà”(?).

Nên để giáo viên tham gia viết sách giáo khoa

Theo bà Tôn Tuyết Dung: Một là SGK phải định hướng, đề ra mục tiêu đào tạo con người ở các bậc học cho sát đối tượng, đáp ứng được yêu cầu xã hội, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mà vẫn giữ được bản sắc, cốt cách người Việt Nam. Hai là xây dựng lại chương trình, viết lại SGK phải mạnh dạn bỏ những phần không sử dụng được nữa, đưa vào những kiến thức sát với thực tế hơn. Ba là người xây dựng chương trình viết SGK không chỉ là những nhà khoa học, những người có học vị cao mà phải có những thầy giáo đã từng giảng dạy nhiều năm ở bậc phổ thông.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh: Một thực tế là chúng ta chưa có hội đồng biên soạn SGK xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 nên chưa có cái nhìn toàn diện, khoa học, chương trình mới chưa ổn định. Tôi không hiểu nổi chương trình biên soạn như thế nào mà cháu tôi mới học lớp 3 đã gọi điện thoại hỏi tôi tình dục là gì. Trước đó cháu đã hỏi bố mẹ, bố mẹ cháu cũng ú ớ.

Bà Dung còn dẫn ra một số môn mà theo bà là nhầm lẫn chức năng của bộ môn này với bộ môn khác. Ví dụ: Môn giáo dục công dân lẫn lộn với khoa học. Đơn cử: Giáo dục công dân lớp 6 có bài Tự chăm sóc và rèn luyện thân thể, bài này đưa vào sách Khoa học lớp 6 phù hợp hơn.

Ngoài ra, năm nào CT-SGK cũng có xáo trộn một cách tùy tiện. Ví dụ: Toán đạo hàm của lớp 12 đem xuống lớp 11.

Nhồi nhét môn văn

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên chuyên viên chỉ đạo môn văn, Sở GD-ĐT TPHCM, cho rằng CT-SGK môn văn hiện nay không ổn định. Năm nào cũng có xáo trộn một cách vô lý, năm nào cũng làm “mới” SGK bằng cách đưa một số bài học từ lớp 6 “nhảy” lên lớp 9, lớp 10.

Ví dụ bài Mây và sóng - văn học nước ngoài, bài này phù hợp với tính trẻ con lớp 6 (12 tuổi), không dưng đưa lên lớp 9 (15 tuổi). Giáo viên giảng bài thấy phi thực tế, thử hỏi hình ảnh “người con quấn quýt lấy mẹ” ở độ tuổi này có không?

Hay như bài Thương vợ của Tú Xương dạy ở lớp 8, làm sao học sinh độ tuổi này hiểu “thương vợ” là gì! Những bài văn học cổ Hịch tướng sĩ, Chiếu dời đô dạy học sinh lớp 8 thì làm sao học sinh có thể “thẩm thấu” được! Bà Thanh đề nghị phải đưa lên lớp 10, lúc đó suy nghĩ của học sinh “đủ lớn” để lĩnh hội bài học tốt hơn.

Có những tác phẩm chưa hay, chưa sát với trình độ của học sinh hiện nay. Đơn cử bậc THPT, mảng văn học dân gian ở lớp 10 thường chọn những bài than thân trách phận, sự khổ đau của phụ nữ. Bà Thanh cho rằng để mảng văn học này dạy ở lớp 12 thì phù hợp lứa tuổi hơn. Bà Thanh cũng thắc mắc tại sao những tác phẩm hay trước đây bây giờ bị bỏ đi. Hai bài thơ hay của Tố Hữu là Từ ấy, Bầm ơi không còn trong chương trình nữa(?!).
 
Theo Quốc Việt
Pháp luật TPHCM
Dòng sự kiện: Đánh giá lại SGK