Tiếng nói của học sinh TPHCM:
Phải học thêm vì trên lớp... không hiểu
(Dân trí) - "Vấn nạn" học thêm, dạy thêm được các em học sinh TPHCM “mổ xẻ” về nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong chương trình đối thoại giữa học sinh THPT với lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM diễn ra hôm 22/3.
Buổi đối thoại có 150 học sinh (HS) đại diện cho các em HS bậc THPT trên địa bàn TPHCM tham dự. Các HS này đã cùng nói lên những chính kiến về việc học, chương trình học nặng lý thuyết ít thực hành, định hướng nghề nghiệp, vấn đề học thêm và cả những vấn đề thời sự về biển đảo.
Đa phần các bạn học sinh đều tự nhận học thêm vài môn là chuyện thường trong HS. Em Nguyễn Lê Tố Uyên - HS Trường THPT Bùi Thị Xuân lý giải rằng “không phải HS nào cũng muốn đi học thêm và có điều kiện đi học thêm nhưng thực sự trong lớp giáo viên giảng chúng em không hiểu. Các em đã cố gắng chú tâm học nhưng vẫn không hiểu nên buộc lòng phải đi học thêm”.
Em Võ Thanh Ngọc - HS Trường THPT Thủ Đức cũng cho rằng vấn đề học thêm là vì các em học không đúng khối mình muốn thi ĐH. Việc học sai khối so với khối thi ĐH nên phải đi học thêm, thời gian học chia ra không đều nên ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh. Em Nguyễn Thái Mạnh Tường - học Trường THPT Nguyễn An Ninh cũng cho biết hiện tại phải đi học thêm môn toán, lý, hoá vì sắp tới phải thi khối A. HS thi khối nào thì sẽ đi học thêm chủ yếu môn đó.
Sau khi đặt ra nguyên nhân chuyện học thêm tràn lan, em Võ Ngọc Thanh kiến nghị rằng HS lớp 9 phải được định hướng ngành nghề. Từ đó, tránh việc chọn sai khối và dễ dàng chọn khối học phù hợp cho việc thi đại học sau này.
Trong khi đó, em Đỗ Chí Dũng - HS Trường THPT Mari Curie thì đặt vấn đề tình trạng giáo viên dạy thêm cũng nên nhìn lại ở chỗ thu nhập của giáo viên còn hơi thấp. “Một người thầy của em dạy chỉ được trả 40.000đ/tiết trong khi một giáo viên nước ngoài thì được trả cao hơn tới 160.000đ. Em đóng học phí 600.000đ/tháng và thêm 200.000đ do học với giáo viên nước ngoài lớp tăng cường tiếng anh. Bất hợp lý là 600.000đ kia chia cho giáo viên của 13 môn, còn 200.000đ chỉ cho môt thầy dạy tiếng Anh.
Bên cạnh những ý kiến về học thêm, các em HS còn kiến nghị thêm nhiều vấn đề về chương trình học. Học sinh Nguyễn Thái Mạnh Tường - HS Trường Nguyễn An Ninh thì bức xúc rằng HS chúng em sợ kiến thức. “Kiến thức học hiện nay có là nền hay chỉ thoáng qua, học cho qua những kỳ thi. Tường đặt câu hỏi rằng liệu có ngưng được tình trạng này không. Việc học đã bịt kín giờ giấc rồi thì thời gian đâu để suy nghĩ”. Chung quan điểm, em Lê Bội Sang - HS Trường THPT Nguyễn Hiền cũng cho rằng có quá nhiều môn học. Phải học trung bình 12-13 môn nhưng nhiều môn học không biết ứng dụng để làm gì. Chẳng hạn như môn lắp ráp xe máy thì con gái học để làm gì. Em nghĩ rằng thay vào đó thêm những môn về kỹ năng sống.
Ngoài những vấn đề trên, nhiều kiến nghị của HS TPHCM về tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh, cần hướng nghiệp sớm và chi tiết từng ngành nghề cho HS.
Kết thúc buổi đối thoại, ông Nguyễn Hoài Chương phấn khởi cho biết được tiếp xúc và nghe các em trao đổi nguyện vọng , tâm tư là điều cần thiết. Nhìn chung các ý kiến của các em rất hay, không chỉ liên quan đến việc học hành, điểm số mà các em quan tâm đến cộng đồng, xã hội. Nhiều em có ý kiến về ước mơ, điều đó rất hay vì thệ hệ trẻ hiện nay các em có nhiều điều kiện hơn. Đáng mừng là nhờ có nhiều ý kiến trao mà đổi một số vấn đề được giải quyết.
Lê Phương