Ông Lê Vinh Danh giải trình, đề xuất khắc phục nhiều vấn đề trong 60 ngày
(Dân trí) - Trong bản kiểm điểm – giải trình, ông Lê Vinh Danh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận khuyết điểm, thiếu sót, đề xuất khắc phục nhiều nội dung trong vòng 60 ngày.
Ông Lê Vinh Danh, nguyên Bí thư đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng đang trong thời gian đình chỉ công tác 90 ngày để chờ xem xét, kỷ luật từ Tổng Liên Đoàn LĐVN.
Trong bản kiểm điểm – giải trình, ông Lê Vinh Danh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận khuyết điểm, thiếu sót, đề xuất khắc phục nhiều nội dung trong vòng 60 ngày và đề nghị xem xét kỹ nội dung giải trình do Nhà trường đang hoạt động thí điểm tự chủ trong bối cảnh chưa có tiền lệ trước khi kết luận hình thức xử lý.
Đề xuất khắc phục sửa chữa và nhận trách nhiệm
Trong bản kiểm điểm – giải trình dài 21 trang của mình, về kiểm điểm trách nhiệm Hiệu trưởng và Trưởng ban quản lý dự án theo Thông báo kết luận 788-TB/UBKT.TU có nhiều nội dung ông Danh đề xuất được khắc phục trong 60 ngày.
Những nội dung giải trình mà ông Lê Vinh Danh đề xuất xem xét là về công tác quản lý tài chính, tài sản, đấu thầu, duyệt chi…
Về việc chưa quyết toán các công trình đã xây dựng xong tại Cơ sở Tân Phong, ông Danh giải trình: “Việc quyết toán từng công trình rất khó vì các ngôi nhà đều gắn kết sử dụng với nhau. Cho nên chúng tôi có nhận thức là phải chờ xong toàn bộ dự án rồi sẽ quyết toán cho đúng. Mà toàn dự án thì đến nay chưa hoàn tất. Do nhận thức như vậy, nên chưa quyết toán từng ngôi nhà. Tôi nhận lỗi về việc này và sẽ cho khắc phục ngay”.
Về trách nhiệm Hiệu trưởng, Trưởng ban quản lý dự án, như đấu thầu, quy hoạch... ông Danh cam đoan rằng Nhà trường không làm sai quy hoạch, không làm sai Luật xây dựng. Tất cả dự án của trường khi khởi công, thi công, cho đến khi nghiệm thu đều được cấp có thẩm quyền phê duyệt, giám sát và nghiệm thu.
Về nội dung: “Không thảo luận, bàn bạc, trao đổi, thống nhất trong Đảng ủy, Hội đồng trường khi dự kiến đầu tư 2 dự án tại Thôn Phước Trung, Xã Phước Đồng, Thành phố Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa và Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; tự quyết định, phê duyệt chi số tiền 1.679.506.000; cho 2 dự án trên mà không thông qua Hội đồng trường là vượt thẩm quyền”, ông Danh cho biết, là cả 2 dự án đều được Hội đồng trường thông qua chủ trương. Hiệu trưởng chỉ ký các hợp đồng chọn thầu thực hiện từng phần dự án.
Đến nay, Nhà trường đã được phê duyệt Qui hoạch 1/500. Vì việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nên Nhà trường chưa triển khai được các bước tiếp theo. Với Dự án Trung tâm đào tạo thực hành nhà hàng, khách sạn và du lịch tại Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trương đầu tư do Hội đồng trường ban hành. Hiện nay dự án này chưa xong vì cũng vướng việc giao đất.
Trong giải trình, ông Lê Vinh Danh cũng đã nhận trách nhiệm có thiếu sót, khuyết điểm về nhiều mặt trong công tác đảng và xin khắc phục.
Tuy nhiên, ông Danh cho rằng, đến thời điểm này chưa có cơ quan có thẩm quyền kết luận về việc đã quyết định sai trong “công tác cán bộ, quản lý tài chính, tài sản, quyết định dự án”.
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm không qua quy hoạch là một hoạt động thí điểm tuyển dụng, sử dụng nhân sự đột phá và trong thực tế đã phát huy hiệu quả rất đặc biệt đối với sự phát triển của Trường thời gian qua.
Nhà trường sở dĩ phát triển nhanh, chất lượng, bài bản vì trả lương theo năng suất lao động. Trường có nhiều chuyên gia nước ngoài lương cao và nhân sự trong nước nếu làm năng suất tương đương cũng được trả lương như vậy, ví dụ cô Seija, Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam-Phần Lan hiện nay có tổng thu nhập 452 triệu/tháng (bốn trăm năm mươi hai triệu một tháng).
Về học phí của sinh viên, ông Danh giải trình, việc tồn đọng công nợ học phí sinh viên là do nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, không thể đóng học phí đúng hạn, Nhà trường phải gia hạn nhiều lần để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên được học tập. Nhất là trong hoàn cảnh Covid như hiện nay. Phần công nợ của năm học 2019-2020 là hơn 30,506 tỉ đồng, nhà trường đã tiến hành thu hết vào ngày 10/7/2020.
Sẽ không dùng chức danh giáo sư nếu thu hồi quyết định bổ nhiệm giảng viên cao cấp
Vấn đề về chức danh giáo sư, ông Lê Vinh Danh giải trình: “Chức danh giáo sư của tôi sử dụng là đủ điều kiện và đã thực hiện thủ tục bổ nhiệm đúng Quy định số 20/QĐ-TTg năm 2012 và Thông tư 30/TT-BGDĐT năm 2012. Trong hai văn bản này đều không có quy định trường công nhận đủ điều kiện của nước ngoài phải là trường được kiểm định chất lượng giáo dục. Trong văn bản trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không nói Trường công nhận Tôi là đủ hay không đủ điều kiện.
Từ sự công nhận của trường nước ngoài, và sự hướng dẫn của Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GDĐT, sự bổ nhiệm của Trường, Ban tổ chức Trung ương Đảng (theo đề nghị của Tổng Liên đoàn) đã có Quyết định 3117-QĐ/BTCTW, ngày 24/1/2013 bổ nhiệm tôi vào ngạch giảng viên cao cấp.
“Chức danh giáo sư và việc bổ nhiệm tôi từ dưới lên như thế là đúng qui định, bởi không thể Ban tổ chức Trung ương không kiểm tra qui định trước khi bổ nhiệm?. Nếu Ban tổ chức TƯ thu hồi quyết định bổ nhiệm giảng viên cao cấp, tôi sẽ chấp hành và không dùng chức danh giáo sư nữa” – ông Danh khẳng định.
“Tôi không tư lợi riêng, không tham ô, không tham nhũng”
Trong bản kiểm điểm – giải trình, ông Danh khẳng định: “Luôn thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước trong vai trò Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng, nhất là đã thực hiện thành công mô hình tự chủ đại học, xây dựng Trường trở thành đại học xuất sắc trong Top 800 đại học xuất sắc nhất thế giới. Tôi tuyệt đối không tư lợi riêng, không tham ô, không tham nhũng”.
Ông Danh bày tỏ nguyện vọng, quá trình trường ĐH Tôn Đức Thắng tổ chức thực hiện thí điểm nên rất cần sự đánh giá tổng kết để chỉ đạo trường phát huy những gì thành công, những gì đã làm được. Đồng thời, chỉ ra những sai sót để trường sửa sai và ban hành những chính sách mới, phù hợp thúc đẩy tự chủ đại học.
Cũng trong bản kiểm điểm - giải trình của mình về những sai sót, khuyết điểm, hạn chế về phương pháp làm việc trong hoạt động điều hành nhà trường, ông Danh cam kết khắc phục ngay trong thời hạn không quá 60 ngày.