NXB Giáo dục giải thích “sạn” trong SGK Tiếng Việt lớp 1

(Dân trí) - Sau khi nhận được phản ánh của báo chí về việc SGK Tiếng Việt lớp 1 có nhiều “sạn” thể hiện ở việc viết chữ hoa, chữ thường không đúng quy định, trích dẫn không nguyên bản…, NXB Giáo dục Việt Nam đã chính thức lên tiếng giải thích chi tiết.

Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cho hay, câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân, chữ “Tuổi thơ” trong nguyên tác được sửa thành chữ “Chiều chiều” như văn bản in trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1, là do câu thơ đã được “biên tập” lại cho phù hợp với nội dung bài học. Trang cuối sách người biên soạn có ghi chú điều ấy với tính chất xin phép các nhà văn, nhà thơ như sau: “Sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tập một đã trích nguyên văn hoặc có biên tập cho phù hợp với yêu cầu từng loại bài học - tác phẩm của các tác giả sau đây: Võ Thanh An, Hoàng Minh Châu, Định Hải, Xuân Hoài, Phạm Hổ, Ngô Văn Phú, Đỗ Trung Quân, Bế Kiến Quốc, Nguyễn Hoàng Sơn, Trần Hồng Thắng, Lê Xuân Thọ, Tạ Hữu Yên. Trân trọng cảm ơn các tác giả”.

Từ bài 1 đến bài 27 không viết hoa đầu câu và tên người, lí do: lúc này học sinh chưa được học chữ Hoa. Các em chưa có khái niệm về chữ Hoa thì không nên viết hoa, bởi nếu viết hoa, các em chưa biết mẫu chữ sẽ không đọc được.

Liên quan đến việc từ bài 28 trở đi, việc viết hoa không nhất quán trong SGK Tiếng Việt lớp 1, chẳng hạn như trang 87: “Buổi trưa, Cừu chạy theo mẹ ra bờ suối. Nó thấy bầy hươu nai đã ở đấy rồi.”. Ban biên tập trả lời sách viết như vậy là hợp lí. Lí do: Cừu là số ít, được hiểu là tên một nhân vật. Hươu nai là số nhiều “bầy hươu nai”, với nghĩa chỉ giống loài, nên không viết hoa.

Với thông tin cho rằng các em học sinh chưa có nhiều khái niệm về cuộc sống xung quanh nhưng nội dung lại được đánh đố bằng những câu chữ như “Nhà Dế Mèn ở gần bãi cỏ non, còn nhà Sên thì ở ngay trên tàu lá chuối”. Viết như thế rất dễ khiến học sinh nhầm “Sên” là tên người, nếu như không nhìn bức tranh minh hoạ ở trên. Ban biên tập có ý kiến trả lời: giai đoạn này học sinh chưa được học vần “ôc” nên chưa thể đưa chữ ốc. Thêm nữa, để hiểu nội dung câu văn này, học sinh đã có tranh minh hoạ màu, rất rõ nét ngay ở bên trên câu văn

Về cụm từ “y tế xã” là chưa đủ thành phần cần phải viết đủ là “trạm y tế xã”, Ban biên tập đã kiểm tra và thấy rằng: Dù cụm từ có bị lược bỏ thành phần, nhưng theo cách nói thông dụng, học sinh vẫn có thể hiểu được. Nếu thêm từ cho đủ thành phần cụm từ, học sinh lại không đọc được, vì giai đoạn này, các em chưa được học vần am (trạm). Cụm từ này cũng có tranh minh hoạ rất rõ nét…

Trao đổi thêm với Dân trí, lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cho biết: Trước đây cũng đã có những thắc mắc xung quanh về vấn đề nêu trên. Vào thời điểm đó NXB cũng đã có những trả lời khá chi tiết.

Theo đó, SGK Tiếng Việt 1 sử dụng một khối lượng ngữ liệu lớn để phục vụ việc luyện đọc, luyện viết cho HS. Ngữ liệu được sử dụng trong SGK bao gồm các từ ngữ, các đoạn văn đoạn thơ, bài văn, bài thơ… phù hợp với HS lớp 1. Một trong những vấn đề mà các tác giả SGK phải xử lí trong quá trình biên soạn là vấn đề viết hoa trong các ngữ liệu này. Cách xử lí không thể ngẫu nhiên, tùy tiện mà phải dựa trên những căn cứ, những cơ sở nhất định.

Cụ thể, trong các bài "Chữ cái và âm": phần này dạy cho HS các âm (nguyên âm, phụ âm) và các chữ cái ghi âm trong tiếng Việt, gồm 27 bài (từ bài 1 đến bài 27). Do HS chưa được học về chữ hoa (chữ viết hoa, chữ in hoa) cho nên các ngữ liệu trong các bài học ở phần này chưa viết hoa. Cụ thể, các chữ đứng đầu câu, các tên riêng chưa được viết hoa. Từ bài 28 (kết thúc phần dạy "Chữ cái và âm"), SGK Tiếng Việt 1 bắt đầu dạy chữ hoa cho HS và từ đây, các chữ đầu câu, các tên riêng đều được viết hoa. Đó là một sự bố trí hợp lí. Bởi vì chữ hoa được coi là khó viết đối với HS, do đó không thể bố trí dạy sớm hơn.

Về chủ trương ở 27 bài đầu chưa viết hoa các ngữ liệu - cũng cần được làm rõ hơn, để tránh những thắc mắc có thể có ở người đọc. Cụ thể, theo chúng tôi, mục tiêu của phần này là giúp HS nhận biết, nhận dạng được các chữ cái ghi âm (nguyên âm, phụ âm) trong tiếng Việt. Nói cách khác, ở phần này, học sinh chỉ nhận biết được dạng chữ thường (chữ in thường và chữ viết thường) của các chữ cái, để từ đó đánh vần được đọc được các tiếng khóa, từ khóa, từ câu ứng dụng. Mục tiêu này phù hợp với giai đoạn đầu học chữ của trẻ, phù hợp với những đặc điểm về tư duy, nhận thức của trẻ và tránh được tình trạng quá tải trong dạy - học. Vì vậy, ở giai đoạn này, theo chúng tôi, chủ trương chưa dạy chữ hoa (chữ cái ở dạng viết hoa), theo đó là chưa viết hoa các ngữ liệu được sử dụng ở 27 bài đầu là một chủ trương đúng đắn…
 
S.H