“Nuốt trái đắng” với học sinh cá biệt
Đang viết tên bài giảng lên bảng, thầy Huy (quận 5, TPHCM)giật mình vì bị một hạt me ném “cộp” vào đầu, rồi những tiếng cười rúc rích loáng thoáng trong lớp... Thủ phạm của hành vi vô lễ này là Toàn, một học sinh có tiếng nghịch ngợm.
Chuyện trên xảy ra tại một trường THPT ở quận 5, TPHCM. Toàn đã không ít lần bị giám thị phạt vì tham gia những trò nghịch ngợm tai quái. Giờ dạy phải tạm dừng, cậu trò này không giải thích được hành động của mình và cũng cương quyết không... xin lỗi. Cuối cùng, thầy Huy buộc phải mời phụ huynh đến trường để nhắc nhở.
Theo thầy Huy, đây không phải là lần đầu tiên thầy và một số giáo viên trong trường bị học sinh cá biệt quậy phá như vậy. "Vì cố nén giận để giữ thể diện cho mình và học sinh nên nhiều khi phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Chúng tôi đã nhắc nhở, mời cả gia đình lên nhưng những em này vẫn chứng nào tật ấy", thầy Huy nói.
Hiện tượng học sinh "khó dạy" như Toàn không hiếm. Tại các trường phổ thông, giáo viên trẻ và cán bộ quản sinh là hai đối tượng thường bị học sinh "cá biệt" chọc phá, thậm chí dùng lời nhục mạ.
Theo một giám thị đã hơn 30 năm gắn bó với một THPT tại quận 4, khi mắc lỗi và bị nhắc nhở, học sinh thường cãi giám thị bằng những câu nói kiểu như: "Ông không phải là giáo viên", "Ông chỉ là quản sinh, không được quyền ra lệnh tụi tôi".
Còn chị Uyên, giáo viên mới về trường trên đã nhiều lần khóc sưng mắt vì một nhóm nam sinh cố tình làm việc riêng, đập thước kẻ, huýt sáo... ảnh hưởng tới giờ học của cả lớp, không để ý những lời cảnh cáo của cô.
Trước thái độ và hành vi vô lễ của học sinh, một số giáo viên mất tự chủ, bột phát dùng bạo lực. Điển hình như trường hợp thầy Vũ, quản sinh THCS ở quận 8. Trong một buổi chào cờ đầu tuần trên sân trường, khi thầy nhắc nhở những học sinh đang gây mất trật tự thì một nam sinh nói to: "Chó đang sủa kìa", thầy quay sang đấm em này và bị nhà trường kỷ luật.
"Tôi biết mình có lỗi, nhưng do bất ngờ và quá giận trước câu nói vô lễ nên không tự chủ được hành động", thầy Vũ nói.
Ngoài hành vi vô lễ “tay đôi” với thầy cô như trên, nhiều học sinh còn tìm cách để “lách luật”. Tại một THCS ở quận 6, giáo viên nghỉ đột xuất, cả lớp được yêu cầu xuống sân trường sinh hoạt để giữ trật tự cho các lớp bên cạnh nhưng có 4 nữ sinh vẫn ngang nhiên ngồi lại nói chuyện, cười đùa ầm ĩ. Hiệu trưởng phải đích thân nhắc nhở song khi cô giáo đang nói, một em tỏ thái độ bực dọc, đứng bật dậy nhặt mẩu giấy dưới nền nhà vất vào sọt rác rồi đi ra ngoài. Cô gọi lại song em này vẫn phớt lờ, đi thẳng.
"Những hành động không thể gọi tên nhưng thể hiện rõ thái độ chống đối mất lễ phép của các em khiến chúng tôi cảm thấy bất lực", vị hiệu trưởng này tâm sự.
Theo lời của Minh, một học sinh THCS tại quận 7, TPHCM, nhiều giáo viên trong trường em bị "học sinh quậy" gọi bằng những biệt danh như "cá bảy màu","chú lùn", "cây sậy", "hạt mít"..., tùy vào hình dáng hoặc tính cách của thầy, cô. Những cái tên này nhanh chóng lan ra toàn trường và không ít học sinh khác cũng gọi tên thầy, cô của mình như vậy.
Nhiều môn học, mỗi tuần giáo viên lên lớp một tiết, chỉ có thể nhắc nhở học sinh tại chỗ hoặc nhờ giáo viên chủ nhiệm xử lý. Tuy nhiên giáo viên chủ nhiệm thường kiêm công tác chuyên môn và chỉ có 1 tiết sinh hoạt lớp nên khó có điều kiện giải quyết triệt để.
Trao đổi với phóng viên, nhiều giáo viên chủ nhiệm cho biết, đối với những học sinh "khó dạy", 45 phút của giờ sinh hoạt lớp không đủ để uốn nắn các em, cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía phụ huynh.
Cô Chi, từng làm công tác chủ nhiệm lớp hơn 10 năm tại một THCS ở quận 8 cho biết, với những trường hợp cá biệt, cô luôn tìm hiểu hoàn cảnh, tâm trạng các em và tìm cách khuyên răn, khi không có kết quả mới báo cho gia đình. Nhưng không ít gia đình không có thiện chí phối hợp với nhà trường, hoặc chỉ đến gặp giáo viên một cách chống chế. "Có trường hợp còn bao che cho con em, cho rằng giáo viên ghét bỏ các em, khiến chúng tôi rất khó xử", cô Chi giãi bày.
Ông Nguyễn Quang Bắc, cán bộ Phòng giáo dục quận 10 cho rằng, nhà trường chỉ quản lý và giáo dục học sinh trong giờ học, trong khuôn viên trường. Về phía gia đình, cần quan tâm sâu sát đến con em, chú ý uốn nắn thái độ, hành vi của các em, mới mong có một công dân tốt cho xã hội.
Theo Phương Nghi
Vnexpress