Quản lý học sinh bán trú ở miền núi:
Nửa đêm tung chăn “giải cứu” học trò
(Dân trí) - Học sinh bán trú, học tập, sinh hoạt tại trường, bởi vậy, giáo viên phải làm thêm nhiệm vụ của người cha, người mẹ. Để quản lý các em, cách tốt nhất là siết chặt “quân luật”. Thậm chí, có những đêm, nghe tiếng gõ cửa, thầy giáo phải tung chăn chạy ra “giải cứu” học trò khỏi đám thanh niên bản say rượu, quậy phá.
Tại các huyện miền núi Nghệ An, chính sách bán trú đã tiếp sức cho đại bộ phận học sinh người dân tộc thiểu số có thể tiếp tục đến trường. Trước đây, tại nhiều địa phương, để có thể theo học, các em học sinh phải sống trong những căn lán tạm bợ dựng lên quanh trường. Xa nhà, xa gia đình, các em phải tự lo cho mình từ bữa cơm, giấc ngủ đến mọi sinh hoạt cá nhân. Việc ở tập trung trong các lán tạm cũng đặt các em vào tình thế nguy hiểm khi phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ bên ngoài.
Năm 2015, một vụ hiếp dâm tập thể chấn động dư luận bởi nạn nhân là một nữ sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Khi đang ở trong lán của mình, em Vừ Y L. (13 tuổi) bị 5 thanh niên kéo ra ngoài bãi đất trống và thực hiện hành vi đồi bại.
Sự việc gây chấn động dư luận. Không để tình trạng trên tái diễn, bên cạnh việc nhà trường và địa phương tăng cường công tác quản lý an ninh trật tự trên địa bàn, một tổ chức tình nguyện đã kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, xây dựng dãy nhà bán trú để chuyển các em vào đây ở.
Khi dãy nhà bán trú chưa kịp đưa vào hoạt động thì cũng tại ngôi trường này, vào trung tuần tháng 8/2016, một vụ ẩu đả giữa hai nhóm nam sinh đã xảy ra. Hậu quả, 3 học sinh trúng dao, bị thương nặng phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. Liên quan đến vụ việc này, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã quyết định đuổi học 1 năm với một học sinh, cảnh cáo trước trường 2 học sinh khác.
“Quản lý, đảm bảo an toàn cho các học sinh thuộc diện bán trú không hề đơn giản. Trên lớp, mình là thầy giáo. Ngoài giờ lên lớp, mình là cha, là mẹ của các em. Ngoài trách nhiệm của người thầy, người cán bộ quản lý, chúng tôi quản lý các em bằng cái tâm của người làm cha, làm mẹ”, thầy giáo Võ Đình Hào – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Nậm Típ (Kỳ Sơn) tâm sự.
Năm 2013, Trường Nậm Típ được chuyển đổi thành trường dân tộc bán trú. Một dãy nhà ký túc kiên cố được xây dựng, gần 300 học sinh dân tộc thiểu số ở hai xã vùng biên Mường Ải, Mường Típ này không còn cảnh phải dựng lều nuôi chữ như trước đây nữa. Thế nhưng, quản lý gần 300 học sinh đang tuổi ăn, tuổi lớn, có nhiều biến động về tâm lý không hề đơn giản đối với các thầy cô giáo nơi đây.
“Các em sống xa bố mẹ từ nhỏ, từ việc ăn ở, giữ vệ sinh, đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, các thầy cô giáo cũng phải bày từng li từng tí. Các em cơ bản là ngoan, biết nghe lời. Cái khó nhất là phòng ngừa và ngăn chặn các mối nguy hiểm từ bên ngoài trường.
Dù đã được xây dựng kiên cố, hàng rào bao quanh nhưng có thời điểm cả chục thanh niên bản say rượu, trèo tường vào quậy phá hay trêu ghẹo các em học sinh nữ. Có những đêm 12 giờ khuya, nghe tiếng học sinh đập cửa, thầy cô giáo lại tung chăn chạy ra “giải cứu” học trò. Với các thanh niên say rượu vào quậy phá, mình cũng phải xử lý khôn khéo chứ nếu gay gắt quá cũng hỏng việc”, thầy Hào tâm sự thêm.
Dù không được hưởng chính sách như trường bán trú nhưng các học sinh Trường THCS Yên Tĩnh (Tương Dương, Nghệ An) cũng được trang bị các dãy nhà ký túc. Thời gian các em ở trường nhiều hơn thời gian ở với gia đình, bởi vậy thầy cô cũng chính là bố mẹ, rèn cho các em từ việc nhỏ đến việc lớn. Ngay từ lúc vào lớp 6, mọi sinh hoạt của các em tại trường đều được thực hiện như trong môi trường quân ngũ dưới sự giám sát chặt chẽ của ban quản sinh nhà trường.
“Học sinh đông, mỗi em một tính, mỗi dân tộc lại có một cách sống, tập quán sinh hoạt riêng hơn. Để thuận tiện cho việc quản lý, nhất là bảo vệ các em, ngay từ khi mới vào trường, điều đầu tiên các em được học là làm quen với từng tiếng trống hiệu của trường như trống báo thức, trống tập thể dục buổi sáng, trống đến giờ ăn, giờ học bài, trống báo hiệu các mối nguy hiểm. Đợt lũ quét hồi trung tuần tháng 9, nếu không có tiếng trống hiệu thì nhà trường cũng gay go trong việc sơ tán các em”, thầy Nguyễn Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Yên Tĩnh cho hay.
Các thầy cô Trường THCS Yên Tĩnh vẫn nhắc lại vụ sơ tán 104 học sinh nội trú tránh cơn lũ khủng khiếp tháng 9/2016 như một giai thoại “ly kỳ”.
Tối 14/9/2016, trời mưa to liên tục. Gần nửa đêm, nước từ thượng nguồn đột ngột đổ về, tràn vào sân. Thời điểm này 104 học sinh khu ký túc xá đang say ngủ. Tiếng trống báo động vang lên đồn dập. Đã quen với trống hiệu, các em học sinh quáng quàng thức giấc, có mặt tại điểm tập kết, nghe các thầy cô giáo phổ biến tình hình và kế hoạch sơ tán trước khi lũ tràn vào trường.
“Trời tối, mưa to như trút, điện mất, học sinh nhốn nháo, các thầy đếm đi đếm lại thấy thiếu 2 em! Chúng tôi một mặt sơ tán các em đến vị trí an toàn, một mặt cử 2 giáo viên nam đến từng phòng kiểm tra. Gọi từng phòng không có người thưa, hai thầy giáo phải vào từng giường, lật từng chiếc chăn và phát hiện hai cậu học trò lớp 6 đang cuộn chăn ngủ ngon lành”, thầy Hùng nhớ lại.
Khi hai cậu học trò này được đưa đến vị trí tập kết cũng là lúc nước lũ cuồn cuộn tràn vào trường, chỉ một lát sau, toàn bộ ngôi trường ngập trong dòng nước lũ đục ngầu cùng với rác rưởi, cây cối. Trời sáng, thấy những bức tường ngập sâu đến 3m, thầy cô giáo không khỏi rùng mình, bởi chậm một tích tắc thôi, có thể hai học sinh này không thể đến điểm tập kết an toàn.
Hoàng Lam