Cần Thơ:
Nữ tiến sĩ và hơn 60 sản phẩm công nghệ từ rau, củ, quả
(Dân trí) - Đam mê khoa học, cả đời cống hiến cho khoa học, đến nay sau hơn 30 năm công tác, nghiên cứu khoa học, PGS.TS. Nguyễn Minh Thủy vẫn luôn trăn trở làm sao nâng cao được giá trị các loại nông sản sau thu hoạch; làm sao để người dân được sử dụng các sản phẩm ngon, sạch, an toàn và tăng cường sức khỏe.
PGS-TS, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy là cựu Phó khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng trường Đại học Cần Thơ. Năm 2016 cô đến tuổi nghỉ hưu, thôi giữ chức vụ quản lý, tuy nhiên vẫn được tiếp tục giữ lại trường làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học (NCKH), cô hiện là giảng viên cao cấp của trường Đại học Cần Thơ.
PGS.TS. Nguyễn Minh Thủy sinh năm 1961, quê ở Chợ Mới, An Giang. Năm 1984 cô Thủy tốt nghiệp ngành Chế biến và Bảo quản nông sản trường Đại học Cần Thơ. Sau khi tốt nghiệp Đại học, cô được giữ lại làm giảng viên cho nhà trường. Năm 2007 cô Thủy nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm tại Vương quốc Bỉ. Với nhiều thành tích xuất sắc, năm 2010 cô được Nhà nước công nhận hàm Phó giáo sư; Năm 2014 cô được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Mong muốn nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân
Năm 1991, giảng viên Nguyễn Minh Thủy giành được học bổng đi học thạc sĩ tại Viện kỹ thuật Châu Á Thái Lan với chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch - một ngành học rất mới, rất rộng lớn. Sau đó, cô cho ra đời nhiều đề tài, công trình NCKH.
Cô Thủy cho biết: “ĐBSCL rất đa dạng về nông sản thực phẩm nhưng từ trước tới nay ít có nghiên cứu về nó, người ta chỉ bán tươi ở ngoài thị trường, bán rất nhiều ở ngoài hè phố, do đó tôi tìm hướng nghiên cứu làm sao bảo quản các sản phẩm nông sản, đặc biệt là rau quả đạt được chất lượng cao nhất để đem lại thu nhập cao cho người nông dân cao và người sử dụng có những sản phẩm đạt chất lượng tốt”.
Cũng theo cô Thủy, trong quá trình bảo quản, nguyên liệu ở giai đoạn đã chín buộc phải chế biến một cách có hiệu quả bằng cách đưa công nghệ cao vào trong nông nghiệp. Nếu không có công nghệ cao thì nông nghiệp vẫn là nông nghiệp, nông dân nghèo vẫn hoàn nghèo.
“Các sản phẩm nông nghiệp ở ĐBSCL rất nhiều nhưng cứ được mùa lại rớt giá, hết cứu hành tím sang cứu thanh long, cứu dưa hấu rồi bây giờ cứu bầy heo… từ thực tế trên, tôi rất trăn trở làm sao giải quyết có hiệu quả nguồn nguyên liệu này cho ĐBSCL sau đó tiến dần ra cả nước”, cô Thủy cho biết.
"Với mục tiêu tận dụng các nguyên liệu bảo quản sau thu hoạch mà tới thời điểm nguyên liệu chín rồi thì mình phải chế biến đa dạng, bởi lúc chín nguyên liệu đạt chất lượng rất cao nhưng chỉ qua một hai ngày thôi, từ rất cao đó nó sẽ hư hỏng hoàn toàn. Vấn đề đặt ra thường trực là phải tận dụng nguồn nguyên liệu ở giai đoạn chín của nó để chế biến các sản phẩm đa dạng kích thích người tiêu dùng để tăng thêm thu nhập cho người nông dân”, cô Thủy cho biết.
PGT.TS. Nhà giáo Nguyễn Minh Thủy nói về công việc nghiên cứu khoa học của mình
Năm 2007 cô Thủy học xong tiến sĩ về nước và bắt tay vào việc chế biến các sản phẩm nông sản đặc thù của từng tỉnh thành. Cô bắt đầu với cây mía ở Hậu Giang với công nghệ làm thế nào để mía có chữ đường (CCS) cao, thời gian lưu trữ như thế nào để mía không bị mất chất lượng, để người dân không bị thương lái ép giá. Sau hai năm nghiên cứu, năm 2010 công trình nghiên cứu của cô đã thành công, người dân vùng mía Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ tỉnh Hậu Giang vui mừng không ngớt vì tự biết nâng cao chất lượng cây mía, cách bảo quản nên không lo bị thương lái ép giá vì chữ đường cơ bản được biết trước.
Sau thành công đó, cô bắt đầu nghiên cứu với hàng loạt loại trái cây, rau củ của các tỉnh. Trước tình hình thị trường ngày càng có nhiều sản phẩm không sạch, ngậm hóa chất, cô bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm sạch. Như cách lấy nước thốt nốt chất lượng sạch nhất, rượu vang thốt nốt, rượu vang khóm, và trên 20 sản phẩm nước ép trái cây các loại: gấc, bí đỏ, đậu biếc, thanh long, sen, gạo, mướp đắng rừng, mãng cầu xiêm và ta, chùm ngây, thanh trà, thanh long, ổi ruột đỏ… Sản phẩm của cô tạo ra không chất bảo quản, chất tạo mùi, tạo vị, tất cả từ nguyên liệu thật, đảm bảo chất dinh dưỡng.
“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ
Bằng trí tuệ, đạo đức và tâm huyết, PGS.TS Nguyễn Minh Thủy âm thầm ngày đêm ươm mầm, “truyền lửa” cho các sinh viên trở thành những người có ích cho xã hội. 33 năm gắn bó với khoa học, công nghệ, với đội ngũ trí thức của nhà trường, NGƯT Nguyễn Minh Thủy đã chứng tỏ và khẳng định, niềm đam mê và đạo đức nghề nghiệp là những yếu tố không thể thiếu đối với một nhà khoa học chân chính.
Mặc dù đã đến tuổi được nghỉ hưu, nhưng cô Thủy vẫn khuyến khích, truyền cảm hứng NCKH cho thế hệ trẻ. PGS.TS. Nguyễn Minh Thủy chia sẻ: “Mình cố gắng truyền đạt lại những kỹ năng mình có cho thế hệ trẻ. Mình tin tưởng rằng, khi mình làm việc nghiêm túc thì học trò sẽ nhìn thấy tấm gương đó để học tập, nghiên cứu và làm việc nghiêm túc”.
Em Nguyễn Thị Trúc Ly, sinh viên giỏi vừa tốt nghiệp được giữ lại khoa và được cô trực tiếp hướng dẫn, cho biết: “Cô là người nhiệt tình, tâm huyết. Trong suốt quá trình học tập cũng giống như bây giờ, cô giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho em mà cao hơn nữa đó còn cả tình thương của một người mẹ”.
Trúc Ly cũng cho biết, hiện nay cô Thủy đang hướng dẫn em và một nhóm bốn sinh viên được giữ lại khoa để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp...
PGS.TS. Lê Văn Hòa - Trưởng khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, trường ĐH Cần Thơ cho biết, trong cuộc sống đời thường cô Thủy hòa đồng thân thiện, nhiệt tình với đồng nghiệp, kính thầy yêu trẻ. Còn về công tác chuyên môn, giai đoạn cô Thủy tốt nghiệp tiến sĩ ở Bỉ trở về có rất nhiều đóng góp cho khoa, cho nhà trường trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. “Cô Thủy là một trong những cán bộ của khoa có nhiều công trình nghiên cứu khoa học nên về mặt thành tích, khen thưởng ở khoa năm nào cô Thủy cũng được gọi tên”, TS. Hòa cho biết.
Những nỗ lực của PGS.TS. Nguyễn Minh Thủy đã cho những quả ngọt, đó là sự thành công của các thế hệ học trò mà cô hướng dẫn. Hầu như, năm nào cũng có sinh viên đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học. Đến nay cô đã hướng dẫn thành công 42 luận văn cao học, đang hướng dẫn 4 nghiên cứu sinh.
Đến thời điểm hiện tại cô Thủy đã nghiên cứu thành công trên 60 sản phẩm công nghệ các loại từ rau, củ quả, thủy sản và súc sản, đã chuyển giao cho doanh nghiệp 16 công nghệ chính thức ra thị trường. Trong đó có 5 công nghệ được chuyển giao cho doanh nghiệp được đăng ký thương hiệu chính thức. Hiện các sản phẩm được sản xuất với số lượng lớn và bán rộng rãi trên thị trường. Từ năm 2010 đến nay cô đã chủ trì và tham gia 5 đề tài NCKH cấp tỉnh (3 xuất sắc, 2 khá), đã công bố 87 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, xuất bản 6 sách và giáo trình.
Riêng trong năm 2016 cô Thủy chủ trì 2 đề tài NCKH cấp tỉnh, 1 đề tài NCKH cấp trường; 5 công nghệ đã chuyển giao cho các Công ty năm 2016, 2017; Công bố 13 bài báo khoa học trên các Tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Xuất bản sách chuyên khảo “Kỹ thuật sau thu hoạch (Bảo quản và Chế biến) một số loại nông sản ở đồng bằng sông Cửu Long”. Hướng dẫn 7 học viên Cao học; 1 nghiên cứu sinh; Tham gia 4 báo cáo ở Hội nghị quốc tế về thực phẩm.
Với những thành tích đóng góp cho tỉnh Hậu Giang, cô Thủy đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen vì đã có đóng góp tích cực cho sự phát triển tỉnh Hậu Giang; Được Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc được tôn vinh tại Chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam” năm 2017; 9 năm liên tục đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2013 và 2015 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ.
Phạm Tâm