Trà Vinh:
Nữ "thủ khoa kép" ứng dụng vật liệu Nano trong điều trị ung thư
(Dân trí) - Tô Hoàng Minh, nữ thủ khoa đầu vào ngành Hóa học ứng dụng năm 2015 Trường ĐH Trà Vinh. Kết thúc khóa học, Hoàng Minh hoàn thành luận văn xuất sắc trở thành nữ "thủ khoa kép" đầu tiên của trường.
Tô Hoàng Minh đến từ thành phố biển Vũng Tàu. Hoàng Minh chọn học ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học tại Trường ĐH Trà Vinh vì đam mê nghiên cứu và bản thân có thế mạnh ở các môn khoa học tự nhiên.
Khi định hướng theo chuyên ngành, Hoàng Minh đã chọn chuyên ngành vật liệu Nano, đây là lĩnh vực tiếp cận và tập trung nghiên cứu cho luận văn tốt nghiệp của mình.
Nội dung đề tài của Hoàng Minh nghiên cứu về biến tính bề mặt nano silica cấu trúc rỗng với polymer nhạy nhiệt PNIPAM-NHS, sau đó đánh giá hình thái cấu trúc vật liệu nhằm ứng dụng mang và phóng thích thuốc điều trị ung thư Doxorubicin - nghĩa là khi cơ thể được cấy một vật liệu với bề mặt nano silica trên, nó sẽ sinh ra chất để bó phần thuốc và phóng thích doxorubicin tới đúng đích các tế bào ung thư để tiêu diệt hiệu quả nhất các tế bào ung thư, mà không ảnh hưởng các tế bào lành nhất.
Đề tài này được các thầy cô trong hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp đánh giá cao và đạt điểm 9,3 khóa luận tốt nghiệp.
Theo đánh giá về giá trị thực trên đề tài của hội đồng: Đề tài Nghiên cứu biến tính bề mặt nano silica với PNIPAM ứng dụng mang và phóng thích thuốc điều trị ung thư Doxorubicin của Tô Hoàng Minh là cơ sở cho các nghiên cứu tiếp theo về hệ phân phối thuốc trên nền nano silica cấu trúc rỗng có khả năng mang tải thuốc tốt, giảm sự rò rỉ thuốc trong quá trình vận chuyển, góp phần xây dựng một phương pháp hiệu quả trong điều trị các loại bệnh ung thư.
Nhận định chung về đề tài của Hoàng Minh, Tiến sĩ Nguyễn Tấn Tài, Phó trưởng Bộ môn Khoa học vật liệu cho rằng, đề tài Nghiên cứu biến tính bề mặt nano silica với PNIPAM ứng dụng mang và phóng thích thuốc điều trị ung thư Doxorubicin là đề tài mang tính khoa học và ứng dụng thực tiễn cao.
Đề tài đã tổng hợp thành công hệ HMSN-PNIPAM có dạng hình cầu với kích thước trung bình 155nm. Khả năng mang thuốc của hệ cao hơn và thời gian giải phóng thuốc kéo dài hơn so với hệ HMSN chưa biến tính. Kết quả nghiên cứu có khả năng công bố trên tạp chí chuyên ngành quốc tế.
Hoàng Minh chia sẻ, trong quá trình học tập tại Trường, bản thân luôn đam mê học hỏi, nghiên cứu những điều mới mẻ, có thể ứng dụng vào thực tiễn. Kết quả nghiên cứu của đề tài, là bước đầu tiên trong ước mơ của mình.
Hoàng Minh là một trong những sinh viên đạt được học bổng Chính phủ Canada dành cho sinh viên ASEAN, đây là cơ hội cho Hoàng Minh trải nghiệm, học tập thêm tại môi trường giáo dục tiên tiến để phát triển nghề nghiệp bản thân sắp tới.