Nữ sinh Việt với ước mơ xây dựng du lịch bền vững cho quê hương
(Dân trí) - Là người chiến thắng cuộc thi My Future New Zealand với bài thuyết trình ấn tượng về ước mơ đóng góp cho sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam, nữ sinh Việt Phương Thanh đã có chuyến tham quan, học tập 7 ngày tại New Zealand – đất nước đứng đầu thế giới về du lịch bền vững.
Học về du lịch bền vững ở New Zealand
Sau chuyến du học ngắn hạn, Phương Thanh có nhiều trải nghiệm lý thú và tích lũy thêm hành trang quý giá để phục vụ ước mơ phát triển du lịch bền vững của mình.
Làm du lịch không chỉ đơn giản là hiểu biết về phong cảnh, lịch sử, văn hóa và con người của từng nơi để giới thiệu cho du khách và thu hút khách du lịch. Làm du lịch còn là giữ gìn, xây dựng và phát triển cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Ngành du lịch New Zealand mang lại cho đất nước này khoảng 23.5 tỉ đô la doanh thu mỗi năm và là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất xứ sở Kiwi. Vì vậy, chương trình học về ngành du lịch ở New Zealand rất phát triển.
Trong chuyến tham quan học tập ở New Zealand lần này, Phương Thanh đã có cơ hội trải nghiệm môi trường học tập ở Đại học Otago nhờ việc tham gia vào hai lớp học về du lịch Tour101 và quản trị học Man101.
Đại học Otago là nơi phụ trách những nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch cho New Zealand, đồng thời là một trong những trung tâm nghiên cứu du lịch chính của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Đây cũng là đối tác nghiên cứu duy nhất của World Leisure Organisation trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Thanh cho biết: “Môi trường học ở đây có thể gói trong 2 từ: thoải mái và cạnh tranh. Thoải mái vì tuy truyền tải lượng lớn kiến thức lớn chỉ trong 50 phút học, nhưng bài giảng luôn đi kèm ví dụ rất điển hình, sát thực tế và có tính cập nhật. Phong cách giảng bài của các giảng viên cũng rất năng động, nhiệt tình và thân thiện với sinh viên.
Còn cạnh tranh vì ở đây không hề thiếu các bài tập cá nhân hay bài tập nhóm đòi hỏi sự chủ động ở người học. Thực tế nếu không có sự tự chuẩn bị thì sinh viên khó lòng tiếp thu kiến thức trong các tiết học”.
Có thể nói, nền giáo dục New Zealand thúc đẩy người học tự tìm tòi để thực sự hiểu và vận dụng vào thực tế. Đặc biệt, tại lớp học, Phương Thanh còn có cơ hội chia sẻ cảm nhận của mình về sự phát triển của ngành du lịch ở Việt Nam qua bài thuyết trình ngắn trong giờ học và chủ đề này đã được giảng viên chọn Việt Nam làm ví dụ nghiên cứu cho tiết học sau.
Điều này cho thấy môi trường học ở đây thực sự cởi mở, sinh viên luôn được tạo điều kiện để có nhiều góc nhìn khác nhau về du lịch từ các nước khác.
Học từ chính các tour du lịch thực tế ở xứ sở Kiwi
Ngoài thời gian học trên lớp, Phương Thanh cũng tham gia một số tour du lịch thực tế ở Dunedin và Queenstown. Thanh cho biết, những tour du lịch ở đây được thiết kế rất tỉ mỉ, đảm bảo sự kết hợp giữa bảo tồn và khai thác du lịch.
“Em đã có cơ hội được tham gia vào 3 tour tham quan: Khám phá các loài chim biển ở vùng biển Otago, ngắm chim cánh cụt xanh và quan sát chim Kiwi. Cả ba đều có những quy định rất rõ ràng đối với du khách, ví dụ như không được nói to, bước mạnh hay bật đèn flash khi chim cánh cụt vào bờ.
Điều này giúp đảm bảo tính hoang dã của các loài động vật, để chúng dễ dàng thích nghi sau khi được trả về môi trường tự nhiên.
Hơn nữa, nhân viên đều được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất được thiết kế giống môi trường sống tự nhiên của các loài nhất có thể. Nhờ vậy mà du khách có thể ngắm nhìn các loài động vật mà không ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng về sau”, Thanh ấn tượng trước sự tỉ mỉ của các tour du lịch ở New Zealand.
Bên cạnh đó, Phương Thanh cũng có dịp ghé thăm i-SITE Dunedin, trực thuộc Tổng cục Du lịch New Zealand. Nhờ đó mà Thanh học hỏi được cách quản lý lượng khách du lịch vô cùng chuyên nghiệp của xứ Kiwi để có thể đáp ứng được nhu cầu cho hơn 10 nghìn khách du lịch trong một buổi sáng ở thành phố Dunedin.
Ước mơ về một nền du lịch bền vững cho Việt Nam
Chuyến đi đã phần nào giúp Phương Thanh thấy cách người New Zealand học tập và nghiên cứu về du lịch, cũng như cách New Zealand dùng du lịch để phát triển kinh tế một cách bền vững và hiệu quả cao.
Thanh cho rằng mô hình tương tự iSITE ở New Zealand cũng có thể tham khảo áp dụng ở Việt Nam, vì Việt Nam có rất nhiều địa điểm du lịch trải dài trên khắp đất nước và nhiều trong số đó mang tầm cỡ di sản quốc tế.
Vì vậy, một mô hình tương tự sẽ rất có ích trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ du khách và thu thập thông tin chung, đặc biệt có ích hơn trong bối cảnh ngành du lịch Việt đang ngày càng phát triển hơn bao giờ hết.
Thanh nói: “Thực sự phải tới đây mới thấy New Zealand đang làm rất tốt việc đầu tư, khai thác những tiềm năng du lịch để có lợi nhuận cao những vẫn bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên.
Vì vậy, New Zealand chắc chắn là một nơi học tập lí tưởng cho những bạn có sở thích giống như em muốn tìm hiểu về ngành du lịch”.
Lệ Thu