Nữ sinh Trung Quốc "bắn" tiếng Việt lưu loát giới thiệu món mỳ Quảng
(Dân trí) - Trong bài hùng biện về đặc sản mỳ Quảng, nữ sinh người Trung Quốc Đặng Diễm Kiều "bắn" tiếng Việt lưu loát, trôi chảy.
Vòng chung khảo cuộc thi Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam do Bộ GD&ĐT tổ chức diễn ra sáng 1/12 tại Đại học Quốc gia TPHCM gây bất ngờ ngay từ phần thi mở màn.
Phần thi mở màn, trong trang phục áo dài, nữ sinh người Trung Quốc Đặng Diễm Kiều "bắn" tiếng Việt lưu loát, trôi chảy giới thiệu trải nghiệm về món mỳ Quảng.
Trong bài hùng biện của mình, cô gái Đặng Diễm Kiều chia sẻ về nguyên liệu, cách thức chế biến, sự độc đáo trong từng hạt đậu phộng, giọt dầu, sợi mỳ, nước lèo, rau sống cho đến dấu ấn của món mỳ xứ Quảng - đặc sản miền Trung Việt Nam - trong đời sống.
Ngoài ra, Kiều cũng cho biết, cô đã nhiều lần giới thiệu món mỳ Quảng đến bạn bè người Trung Quốc và họ tỏ ra rất thích thú.
Đặng Diễm Kiều là một trong ba thí sinh nước ngoài đại diện cho Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tham dự cuộc thi hùng biện.
Với chủ đề "Việt Nam trong tôi", các đội thi khác là các lưu học sinh nước ngoài chia sẻ qua nhiều hình thức như thuyết trình, kể chuyện, diễn kịch, ngâm thơ, đọc cao dao, hát ví dặm... bằng tiếng Việt.
Thông qua đó, các đội thi thể hiện hiểu biết về đất nước, lịch sử, con người, văn hóa Việt Nam; những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam; về tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam với đất nước các lưu học sinh.
Ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - cho biết, cuộc thi Hùng biện tiếng Việt được phát động vào tháng 8 vừa qua, thu hút hơn 600 lưu học sinh đến từ 15 quốc gia đang học tập tại 63 cơ sở đào tạo của Việt Nam tham gia.
Vòng chung khảo toàn quốc có 12 đội tham gia thi đấu là lưu học sinh đến từ các nước như Australia, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Pháp... đến từ các trường đại học trong cả nước đã xuất sắc giành được thứ hạng cao ở vòng sơ khảo diễn ra vào tháng 11 vừa qua.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thông tin, hiện có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại 160 cơ sở đào tạo Việt Nam.
Chỉ trong 5 năm gần đây (2016-2022), Việt Nam tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình, hằng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Theo ông Phúc, cùng với xu hướng đào tạo của các nước trên thế giới lấy nền tảng ngôn ngữ là chìa khóa mở cánh cửa đầu tiên trong hành trình học tập, Bộ GD&ĐT xác định yếu tố then chốt quyết định chất lượng giảng dạy, học tập của lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam là trình độ tiếng Việt.
Chính vì vậy, việc nâng cao năng lực tiếng Việt luôn được xem là một nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong quá trình đào tạo tại tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.
"Việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là việc giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa cho lưu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam nói chung", Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ.