Nữ sinh 9X viết sách thực tập
(Dân trí) - Từng giành giải thưởng Nhà lãnh đạo môi trường trẻ tuổi toàn cầu, mới đây Đặng Huỳnh Mai Anh (sinh viên năm 3 ĐH Ngoại thương TPHCM) ra mắt cuốn sách “Chuyện thực tập” được viết khi đang là sinh viên năm hai.
Chia sẻ việc thực tập qua... sách
Phần lớn sinh viên bắt đầu làm quen với việc thực tập từ năm 3, năm 4. Nhưng Mai Anh đã có những “tích lũy” đáng kể quá trình thực tập của một sinh viên từ khi cô đang học năm 2 sau… một tháng tự mình đi xin thực tập.
Mới đầu đơn giản chỉ là những câu chuyện, tình huống ấn tượng Mai Anh kể lại những trải nghiệm của mình nhằm chia sẻ với bạn bè. Khi bản thảo dày lên, một chị bạn gợi ý Mai Anh về việc cho ra mắt một cuốn sách.
Cùng với suy nghĩ các bạn sinh viên đều sẽ đi thực tập nhưng rất ít ai hướng dẫn họ quá trình chuyển tiếp từ giảng đường tới công ty sẽ như thế nào, các bạn sinh viên ít hình dung cụ thể được môi trường làm việc nên cô quyết định gửi bản thảo đến nhà sách thử “cơ may”. Không ngờ được nhà sách đồng ý in ngay tức thì.
Không “đao to búa lớn”, cô sinh viên viết những câu chuyện hữu ích gồm hàng trăm các vướng mắc, khó khăn và bản thân va vấp cũng như hướng giải quyết trong thời gian ngắn ngủi làm thực tập sinh. Những việc “tưởng nhỏ mà không nhỏ” như sử dụng máy in, máy photo đến những việc quan trọng như phân bổ công việc, cách bảo mật thông tin, đặc lịch làm việc cho lãnh đạo… được Mai Anh mô tả lại qua chính hình ảnh của mình.
“Mình mới chỉ có một tháng đi thực tập nên việc ra cuốn sách này cũng khá mạo hiểu. Tuy nhiên, đây không phải là một cuốn cẩm nang mà những tình huống có thật ít nhiều sẽ giúp các bạn sinh viên có thêm kinh nghiệm cũng như cái nhìn thực tế về việc đi thực tập tại một công ty. Ngoài ra, những anh chị đã trải qua giai đoạn thú vị này cũng có thể bắt gặp lại hình ảnh trước đây của mình”, Mai Anh chia sẻ.
Đặc biệt, toàn bộ tranh minh họa cho từng tình huống trong cuốn sách cũng do chính tác giả tự vẽ.
“Bon chen” để trải nghiệm
Thời gian viết “Chuyện thực tập", Đặng Huỳnh Mai Anh còn tham gia rất nhiều hoạt động bên cạnh việc học và đạt được nhiều kết quả.
Mai Anh là chủ nhiệm dự án “Cẩm nang xanh cho bà nội trợ” với ý tưởng bảo vệ môi trường hướng đến đối tượng là các bà nội trợ. Cuốn cẩm nang được thiết kế sinh động, hướng dẫn người nội trợ các biện pháp để tiết kiệm điện nước, phân loại rác, chế biến đồ ăn thừa hay các thao tác như hạn chế số lần bật gas, luộc sơ các món chín lâu trước khi nấu…
Cô gái ấp ủ: “Với cuốn cẩm nang đó, em hy vọng các bà nội trợ cũng háo hức với việc bảo vệ môi trường trong chính công việc của mình như hứng thú với sách về nấu các mon ngon”.
Với dự án này, Mai Anh trở thành Đại sứ Môi trường Bayer 2012, đại diện cho Việt Nam gia du khảo sinh thái tại Đức. Đồng thời, cô trở thành một trong ba bạn trẻ giành giải thưởng Nhà lãnh đạo môi trường trẻ tuổi Bayer toàn cầu.
Cuối năm 2012, Mai Anh là đại biểu duy nhất của Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh thanh niên thế giới do Hội đồng Anh tổ chức tại Anh.
Đặng Huỳnh Mai Anh: Tìm sự hữu ích trong những việc tưởng như vô ích Ý kiến sinh viên thực tập hiện nay không hỗ trợ nhiều cho chuyên môn mình thấy phần nào đúng. Nhiều bạn đi thực tập đơn thuần chỉ để “bê nước pha trà”. Nhưng mình nghĩ kể cả như vậy cũng không vô ích vì khi bê nước pha trà chúng ta sẽ có điều kiện để quan sát, học hỏi được rất nhiều thứ, là dịp để trải nghiệm môi trường văn phòng,công ty. Khi chúng ta chủ động học hỏi thì những việc tưởng như vô ích sẽ trở thành hữu ích. |
Hoài Nam