Câu chuyện giáo dục:
Nữ cử nhân rửa bát ở hàng cháo lòng, bố mẹ tưởng làm… trưởng phòng
(Dân trí) - Hương gửi cho mẹ bức ảnh mình với mấy người bạn sang chảnh ở quán cà phê, ảnh đi tập ở phòng gym… Trong gia đình không ai hay biết công việc và hình ảnh thật của nữ cử nhân.
"Có ai trong chúng ta không thể sống thật với chính bố mẹ?", 7/11 người tham dự giơ tay trước câu hỏi của vị diễn giả tại một vòng tròn về chủ đề chữa lành diễn ra vào một tối cuối tuần ở TPHCM.
Hương, cô gái trẻ tuổi tốt nghiệp một trường đại học, vừa đặt tay xuống thì òa khóc.
Hương kể, nhiều năm trước cô không dám đấu tranh cho ước mơ làm giáo viên mầm non của mình, lại thi vào ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học theo ý bố mẹ.
"Học ngành này kiếm được nhiều tiền", "Học ra làm giám đốc, trưởng phòng", quan niệm của bố mẹ trở thành gánh nặng vô hình đè lên vai Hương và… cô thất bại với ngành nghề mình học. Không yêu thích, không năng lực, ra trường đi làm một vài nơi, không nơi nào Hương trụ quá được nửa năm.
Ba năm trước, sau dịch bệnh Covid-19, trong tình cảnh tìm việc khó khăn, Hương quyết định sống thật với bản thân khi nhận giúp việc nhà, trông con nhỏ cho một gia đình ở quận Bình Thạnh với mức lương 7,5 triệu đồng.
Ở môi trường đó, công việc đó, cô gái được sống trong niềm yêu thích chăm trẻ nhỏ, chăm việc nhà…
Giữa năm ngoái, khi cháu bé đi học mầm non, chủ nhà không còn nhu cầu thuê người. Họ gợi ý cho Hương đến phụ việc ở quán cháo lòng Nam Định của em gái ở Thủ Đức. Gần một năm nay, nữ cử nhân làm từ quản lý sổ sách, phục vụ, rửa bát tại quán cháo lòng này với mức thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.
Hương thích công việc hiện tại của mình nhưng đó là bí mật mà bố mẹ cô không hay biết. Họ vẫn tưởng con tốt nghiệp đại học làm việc công sở, ngồi máy lạnh, làm trưởng phòng một công ty tài chính.
"Rất nhiều lần, bố mẹ kể đứa này đứa nọ trong xóm lên chức, làm giám đốc này giám đốc kia. Tôi từng buột miệng nói với bố mẹ mình vừa được cân nhắc lên làm trưởng phòng, chứ thật ra tôi rửa bát ở quán cháo lòng", Hương cho biết.
Cô gái chia sẻ, không phải bây giờ mà từ bé cô đã không dám sống thật với bố mẹ. Điểm thấp không dám nói; làm gì sai sẽ tìm mọi cách che dấu; đau khổ buồn bã, thất vọng nhưng sẽ gồng lên thể hiện "không sao".
Có thời gian dài Hương trách mình là kẻ nói dối nhưng gần đây, cô bắt đầu thông cảm cho bản thân hơn khi hiểu phần nào về cách cư xử của mình. Với Hương, bố mẹ là đại diện rõ nét cho những định kiến, phán xét, chê bai, thất vọng.
Không chỉ Hương, ngay trong vòng tròn nhỏ hôm ấy có đến 2/3 người đang sống bằng "khuôn mặt giả" với những người ruột thịt.
Một cô gái bị trầm cảm với những vết cắt chằng chịt trên thân thể lúc nào cũng cười thật tươi trước mắt gia đình; một thanh niên thất nghiệp kéo dài, chạy xe ôm kiếm sống vẫn gồng lên "con trong này tháng kiếm chục củ".
Một người đàn ông từng là sinh viên một trường đại học nổi tiếng bỏ học từ lâu, vẫn báo về "cuối năm nay học xong thạc sĩ"; một nam thanh niên khác thuộc cộng đồng LGBT, là đồng tính nam nhưng giấu bố mẹ, đang nghĩ đến việc nhắm mắt lấy vợ để họ vui lòng…
Đó là những lời nói dối - những lời nói dối giúp họ thấy được an toàn với chính gia đình.
"Hồi mới đi làm, tôi kể lương được 4 triệu đồng, mẹ khinh ra mặt nói tốn tiền ăn học, lương không bằng đứa đổ nước rác cho ông hàng xóm bán phở. Từ ngày tưởng con gái là trưởng phòng, mẹ thân thiện với tôi hơn. Tôi thấy rằng mình chỉ được bố mẹ yêu thương, được an toàn khi đạt điểm cao, khi có thành tích", Hương cho hay.
Theo vị diễn giả tại buổi chia sẻ hôm ấy, con người sẽ thể hiện "tôi chính là tôi khi tôi được an toàn".
Rất nhiều đứa trẻ lớn lên với những tổn thương vì không được là chính mình. Có thể từ bé, khi chúng kêu đi học thêm mệt, bố mẹ đã gạt đi "mệt gì mà mệt", than buồn thì bị phủ nhận "vậy mà cũng buồn, lo học đi"…
Khi con người chân thật không được đón nhận, chấp nhận họ sẽ che đậy, ẩn mình. Đứa trẻ ấy dần dần nghi ngờ chính mình, chính chúng cảm thấy không được buồn, không được mệt, không được như vậy. Có khi, chúng ta đánh mất con người thật của mình với chính mình.
Phía sau lời nói dối của những đứa con có thể phản ánh một thế giới tổn thương tích tụ bởi quá trình nuôi dạy, chăm sóc trước đó. Ẩn phía sau là những khát khao được sống thật, được là mình với chính người thân.