Câu chuyện giáo dục:
Cử nhân khóc nghẹn: "Nhớ lấy, thất nghiệp, lương thấp đừng về với bố mẹ"
(Dân trí) - Bạn bè cũ, người trong xóm, hay bất cứ ai đều trở thành "vật đối chiếu" để bố mẹ Loan đưa ra so sánh và chì chiết cô con gái trước thất nghiệp sau đi làm lương vài triệu đồng.
Trần Thanh Loan, 27 tuổi, quê ở một tỉnh miền Trung nói về tình cảnh của mình khi kể lại cuộc trò chuyện giữa người bạn học cũ và mẹ của cô.
Khi người bạn học cấp 3 cùng Loan từ TPHCM về quê, ghé nhà thăm cô, cuộc ghé thăm trở thành dịp để mẹ Loan than thở về đứa con gái mà trong mắt bà "vô dụng".
Biết bạn của con đã mua nhà trả góp ở Sài Gòn, mẹ của Loan nói với vẻ cay đắng: "Cùng học hành mà đứa thì nhà thành phố, đứa... về ăn bám bố mẹ".
Cô bạn của Loan tỏ vẻ khó chịu, đáp: "Mỗi người một kiểu bác ơi, Loan có cái giỏi của Loan". Mẹ Loan cười: "Giỏi không bằng phần mười đứa học hết lớp 12 ở nhà bán nội thất".
Mẹ Loan lại nhắc đến anh Huân bán nội thất cạnh nhà, một trong rất nhiều thanh niên trong xóm được bà suốt ngày ca tụng "bọn ấy kiếm tiền giỏi".
Loan tốt nghiệp một trường đại học ở TPHCM, ra trường đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 nên gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm.
Hai năm ra trường vật lộn tìm việc ở thành phố, Loan còn gặp tai nạn phải nằm điều trị gần hai tháng trời, cô thất nghiệp kéo dài vào cuối năm 2022.
Không có việc làm, lại thêm nhiều khoản phát sinh, Loan rơi vào tình cảnh hết sức khó khăn, thậm chí phải nợ nần sống qua ngày. Đã có thời điểm cô thất vọng với bản thân đến mức bế tắc, nghĩ quẩn...
Nghe nhiều người động viên, khó khăn quá thì hãy trở về với gia đình, về với bố mẹ nhưng Loan đã gạt đi. Đối mặt với bố mẹ là áp lực lớn nhất của cô khi thất nghiệp, không có công việc ổn định.
Đến giữa năm 2023, Loan "mủi lòng" khi nghe một người chị giảng giải về ý nghĩa của gia đình, nhất là khi con người gặp trắc trở, khó khăn. Loan nhớ lại, trước đây bố mẹ cũng đã từng nói "khó khăn cứ về với bố mẹ".
Loan lấy hết dũng khí trở về quê, nói hết hoàn cảnh khốn khó của mình khi bám trụ ở thành phố. Thế nhưng, cô gái cho hay đó là điều làm cô hối hận nhất cho đến nay.
Khi con gái trở về, mẹ cô lấy điều đó làm xấu hổ, nhục nhã: "Ở trong đó có thể nào chẳng ai hay ai biết, về đây việc không, tiền không đẹp mặt ra chưa".
Bà không chửi bới nhưng khen ngợi người này đến người khác kiếm tiền giỏi, rồi than thở về con. Con cái nhà hàng xóm sắm chiếc tivi, đổi cái xe y như rằng bà sẽ chì chiết Loan: "Nhìn người ta đi".
Còn bố cô chửi trực diện, suốt ngày chửi con bất tài, vô dụng, nuôi chỉ tốn tiền ăn học.
Chỉ cần có một chút rượu, ông có thể lôi chuyện nuôi con tốn kém, giờ con không lo được cho bố mẹ, gia đình lôi ra nói từ chiều đến đêm.
Về nhà một thời gian, Loan đi làm tại một khu công nghiệp cách nhà hơn 15 cây số với mức lương chưa đến 6 triệu đồng.
Tiếp đó là những ngày tháng bố mẹ tiếp tục chê bai mức lương của cô. Ông bà nhắc suốt việc người này người khác đi làm lương toàn hàng chục triệu đồng.
Ở chung với bố mẹ, đi làm lương thấp, không có tiền, Loan cay đắng cho biết đó là trải nghiệm của một đứa con không có tiếng nói. Cô nói gì cũng bị bắt bẻ, phán xét, mọi chuyện đều bị bố mẹ can thiệp thô bạo.
Cô gái trẻ cho hay, cô hiểu phần nào cho tâm lý của bố mẹ khi đặt kỳ vọng ở con cái, nhất là khi con học đại học. Họ mang niềm tin con ra trường sẽ có việc làm ổn định, thu nhập cao có đời sống sung túc, để có thể mát mày mát mặt với mọi người.
Chưa kể, Loan biết bố mẹ cũng bị áp lực bên ngoài khi nhìn "con nhà người" thành công, kiếm tiền giỏi. Nhưng những tổn thương trong Loan cũng là thật. Nhiều đêm, cô ra giữa cầu treo gần nhà, chỉ muốn ngồi vậy mãi. Cô con gái thèm một lời động viên, một cái ôm từ bố mẹ.
Loan òa khóc nói từ trải nghiệm của bản thân: "Nhớ lấy, thất nghiệp, lương thấp đừng về với bố mẹ. Không phải gia đình nào cũng là nơi trở về bình an của mỗi người khi trắc trở, nghịch cảnh đâu".
Loan hối hận vì trở về, hối hận vì đã cho bố mẹ biết về tình cảnh của mình... Cô dự tính, ra Tết sẽ quay lại TPHCM tìm việc. Lúc này, cô thấy việc mình cần làm nhất là... rời xa gia đình.
Theo báo cáo gần đây nhất của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), quý cuối năm 2023, trong hơn 32.300 người đang tìm việc, lao động có trình độ từ đại học trở lên chiếm gần 77%.
Tác động từ kinh tế khó khăn, thêm tình trạng cử nhân ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, thực tế nhiều bạn trẻ phải đối diện với tình trạng thất nghiệp, không có việc làm.
Trên các diễn đàn việc làm, khi nói về tình cảnh thất nghiệp, nhiều sinh viên mới ra trường cho biết, một trong những áp lực lớn nhất họ phải đối diện khi thất nghiệp đến từ gia đình.
Việc phải đối diện với sự thất vọng của bố mẹ làm nhiều đứa con rơi vào khủng hoảng tâm lý song hành với khủng hoảng thất nghiệp.