Nữ cử nhân lương 5 triệu đồng, bố mẹ chì chiết "Sao đứa khác toàn ngàn đô?"

Hoài Nam

(Dân trí) - Bố mẹ gọi điện, lần nào y như lần nào sẽ nói cần tiền trả nợ, đóng tiền học cho em kèm đủ lời chê bai, chì chiết… Sợ những cuộc gọi từ gia đình, Huyền trách bản thân kém cỏi, ích kỷ.

Con gái sợ hãi những cuộc gọi từ "Ba yêu, mẹ yêu"

Mẹ gọi điện, Ngọc Huyền, 24 tuổi ở TPHCM, vài lần tính đưa tay bấm nghe rồi lại thôi. Trong điện thoại của cô, đang hiển thị nhiều cuộc gọi nhỡ từ "Ba yêu", Mẹ yêu" như vậy. 

Gần đây, Huyền bị áp lực, căng thẳng khi bố mẹ gọi điện, những cuộc gọi toàn xoay quanh tiền lương, công việc, gia đình cần tiền…

Tốt nghiệp đại học ngành tài chính ngân hàng vào năm 2023, Huyền cho biết, cô trải qua thời gian chật vật tìm kiếm việc làm.

Nữ cử nhân lương 5 triệu đồng, bố mẹ chì chiết Sao đứa khác toàn ngàn đô? - 1

Trong điện thoại của Huyền gần đây thường xuyên có những cuộc gọi nhỡ từ bố mẹ (Ảnh: Ngọc Huyền).

"Khi tốt nghiệp với tấm bằng giỏi, tôi đặt tiêu chuẩn đi làm lương ít nhất 10 triệu đồng, thế rồi tôi thất nghiệp trong nhiều tháng trời. Khi hiểu thực tế không như mơ, để có việc, tôi chấp nhận lương thấp", Huyền kể.

Với đồng lương eo hẹp chỉ 5 triệu đồng, Huyền chật vật cho chi tiêu sinh hoạt ở thành phố với 1,5 triệu đồng tiền thuê phòng trọ; 500.000 đồng xăng xe, điện thoại, điện nước; rồi tiền ăn uống, sắm sửa quần áo công sở… gần như tháng nào cô cũng âm.

Huyền nói về thực tế của bản thân: "Tôi muốn đi bảo dưỡng xe máy cũng không dám vì sợ tốn tiền. Hôm rồi xe bị mất chìa khóa, gọi người đến cắt hết 100.000 đồng là đã âm ngay vào kế hoạch chi tiêu".

Không chỉ cuộc sống chật vật, túng thiếu vì lương thấp, Huyền trải lòng, áp lực lớn nhất từ lúc ra trường đi làm với cô đến từ gia đình. Bố mẹ thường xuyên gọi điện hỏi han nói con gửi tiền về nhà, khi thì cần tiền trả nợ, khi cần tiền mua phân bón, khi lại cần tiền đóng học cho hai đứa em...

Với mức lương của Huyền, chỉ cần gửi về cho gia đình 1-2 triệu đồng thôi là… vài ngày sau cô chết đói ngay. Vài lần Huyền gửi tiền về rồi xoay xở bằng thẻ tín dụng, các loại ví trả sau hoặc vay tạm đồng nghiệp. 

Huyền đau khổ, khó xử, thấy mình bất tài, vô dụng khi bố mẹ thường xuyên kể từ con nhà bà Phượng hàng xóm gửi về 15 triệu đồng làm sân, con nhà ông Tường gửi 20 triệu đồng cho bố mẹ sơn nhà, nhà kia con gửi tiền cho bố mẹ trả nợ, rồi gửi tiết kiệm lấy lãi…

Huyền nói rõ mình mới đi làm, lương chỉ 5 triệu đồng mong bố mẹ hiểu tình cảnh của con. Nhưng không, từ đó cô phải đối mặt thêm với nhiều lời chê bai, chì chiết, so sánh hơn.

Nữ cử nhân lương 5 triệu đồng, bố mẹ chì chiết Sao đứa khác toàn ngàn đô? - 2

Huyền sợ hãi những cuộc gọi từ bố mẹ (Ảnh: AI).

Bố than cho học hành tốn kém, chê bai con kém cỏi; mẹ luôn thắc mắc sao đứa kia ra trường đi làm "toàn lương nghìn đô". Từ đó, cô liên tục nghe bố mẹ hỏi han về việc đã tăng lương chưa, đã chuyển việc khác chưa…

"Giá như tôi đi kiếm được nhiều tiền hơn để gửi về cho bố mẹ, họ cũng sẽ không phải suốt ngày than phiền như vậy", Huyền tự trách mình và cho biết đầu óc cô quay cuồng với suy nghĩ làm sao để kiếm tiền nhanh hơn, nhiều hơn.

Lương thấp, gánh áp lực của... lương cao 

Sinh viên ra trường lương ngàn đô; người trẻ kiếm hàng trăm, hàng tỷ đồng; mới hai mấy tuổi xây nhà tiền tỷ tặng bố mẹ cho đến hình ảnh người trẻ sang chảnh là những thông tin được nghe nhiều gần đây.  

Điều này dẫn đến nhiều sinh viên mới ra trường sống trên ảo tưởng về mức lương; hoặc kéo theo nhiều đánh giá, kỳ vọng của người xung quanh đè lên họ như so sánh của bố mẹ Huyền "sao đứa khác toàn ngàn đô".

Tại tọa đàm về tuyển dụng tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, nói về thông tin sinh viên ra trường lương ngàn đô, giám đốc một chi nhánh ngân hàng khẳng định: "Sinh viên mới ra trường mà lương ngàn đô là điều không thể. Không doanh nghiệp nào trả lương ngàn USD cho công việc ngày 8 tiếng với sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thực tế". 

Nữ cử nhân lương 5 triệu đồng, bố mẹ chì chiết Sao đứa khác toàn ngàn đô? - 3

Nhiều sinh viên ra trường chật vật, áp lực với mức lương khởi điểm thấp (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Tuy nhiên, theo vị giám đốc, cần phân biệt lương và thu nhập. Tùy lĩnh vực, có những bạn có thể đạt được mức thu nhập này bằng sự nỗ lực, chăm chỉ, làm hơn những gì các bạn được học, làm hơn những gì các bạn làm trong 8 tiếng làm việc chính thức.

Người này cũng nói thêm, với sinh viên mới ra trường, nỗ lực có thể chưa nhận về thành quả ngay mà còn phải cả một quá trình dài để đạt mức thu nhập cao hơn. Bởi vậy, các bạn và người xung quanh đừng lấy tiêu chuẩn "lương ngàn đô" cá biệt để áp lên cho tất cả.

Theo khảo sát gần nhất của Đại học Quốc gia TPHCM với gần 1.800 doanh nghiệp phía Nam thể hiện giai đoạn 2020-2023, doanh nghiệp trả lương khởi điểm cho ứng viên có trình độ đại học là từ 5-10 triệu đồng, giai đoạn đến năm 2025, mức lương khởi điểm này không thay đổi.

Mức lương trên được áp dụng ngay những trường top đầu thuộc Đại học Quốc gia như Bách khoa, Tự nhiên, Kinh tế - Luật, Xã hội Nhân văn…

Lương, đặc biệt là lương khởi điểm thấp là một thực tế hiện nay trên thị trường lao động. Phía sau đó, nhiều sinh viên mới ra trường mức lương thấp nhưng phải đối diện mức sinh hoạt đắt đỏ cùng những áp lực vô hình…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm