NSƯT Xuân Bắc: "Tôi chưa bao giờ mắng con về điểm số và chỉ hỏi vì sao?"
(Dân trí) - "Tôi chưa bao giờ mắng con về điểm số. Tôi chỉ hỏi vì sao. Đôi khi những câu hỏi đó cũng đã khiến các con bật khóc".
Trên đây là chia sẻ của nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc tại diễn đàn "Điều con muốn nói", do Hội đồng đội T.Ư phối hợp Báo Tiền Phong, Sở GD- ĐT và UBND quận Ba Đình vừa tổ chức tại Hà Nội.
"Tôi không bao giờ mắng con về điểm số"
Tham gia diễn đàn, NSƯT Xuân Bắc cũng dành cho các bạn học sinh của Trường THCS Giảng Võ những câu hỏi gần gũi, tâm lý: "Bao nhiêu bạn có cảm giác nhiều lúc bố mẹ không hiểu gì mình?", "Có bao nhiêu chuyện mà các em nói với bố mẹ mà bố mẹ không quan tâm đầy đủ?"…
Em Trần Minh Tâm - học sinh lớp 9 Trường THCS Giảng Võ thừa nhận, trong thời gian đầu học trực tuyến cảm thấy thoải mái, tự do nhưng cũng vì thế mà thấy buông lỏng hơn trong quá trình học tập và điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng học và khả năng tiếp thu bài của em.
"Sau khi trở lại học trực tiếp, kết quả bài thi sẽ có thể bị ảnh hưởng. Điều này thực sự rất đáng lo, nhất là khi em sắp bước vào kỳ thi cấp 3 căng thẳng.
Khóa của em bị ảnh hưởng 3 năm bởi dịch Covid-19, em luôn mong muốn và hi vọng có thể quay trở lại trường học sớm nhất để gặp thầy cô bạn bè", học sinh Trần Minh Tâm nhớ lại.
Học sinh khác tâm sự: "Điều bất lợi khi em mới học online là không quen sử dụng các thiết bị điện tử nhưng sau vài ngày em đã quen. Có điều, do học trực tuyến trong thời gian dài em cảm thấy mệt mỏi, đau mắt. Kết quả là phải dùng kính cận".
"Lần đầu tiên học online em có cảm giác thiếu tập trung, khác hẳn với học trực tiếp trên trường. Mỗi khi có trục trặc về đường truyền, việc tiếp thu bài học sẽ bị gián đoạn. Bên cạnh đó, em cũng không thể gặp hay trò chuyện với các bạn trong lớp", một em học sinh nói.
Đặc biệt, tại diễn đàn, một học sinh đặt câu hỏi với NSƯT Xuân Bắc: "Giả sử con trai chú thi học kỳ điểm không như kỳ vọng của gia đình, chú sẽ nói gì với con?".
NSƯT Xuân Bắc cho rằng: "Trên hành trình các con trưởng thành, cha mẹ cũng trưởng thành với vai trò làm cha làm mẹ. Làm cha mà áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái thì mình không đúng.
Tôi có hai điều mong muốn các con của mình có là nhận thức và ý thức. Khi các con nhận thức được thì sẽ có kiến thức; ý thức được việc học tập thì sẽ tự giác học.
Tôi chưa bao giờ mắng con về điểm số. Tôi chỉ hỏi vì sao. Đôi khi những câu hỏi đó cũng đã khiến các con bật khóc".
Nghệ sĩ Xuân Bắc cũng cho rằng, các bạn trẻ cũng đừng cho mình quyền được sinh ra và nghĩ bố mẹ phải phụng sự. Thay vào đó, các con hãy tự cho mình quyền được yêu thương và chia sẻ với bố mẹ.
Cũng theo nghệ sĩ này, do đặc thù công việc, anh hay phải thức khuya nên không phải sáng nào anh cũng đưa các con đi học.
Chính vì vậy, NSƯT Xuân Bắc mong các bạn học sinh hiểu rằng, việc bố mẹ đưa các con đi học mỗi sáng là một sự cố gắng rất lớn của các bậc phụ huynh.
"Không phải lúc nào bố mẹ cũng đủ điều kiện để chăm lo cho các con nhưng lẽ sống của bố mẹ chính là các con và tình yêu của cha mẹ dành cho các con là vô bờ bến" - anh nói.
Áp lực từ đâu, giải quyết ở đó
Trao đổi thêm về áp lực của học sinh sau giai đoạn học trực tuyến, bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ thừa nhận, khi đón học sinh trở lại trường học trực tiếp sau một thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19, cô trò vui mừng, hạnh phúc.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều khó khăn mà nổi bật và rõ nét nhất là do các con đã quen với thiết bị điện tử nên khả năng tập trung của học sinh kém hơn khi quay trở lại trường.
Thứ hai là khả năng quản lý cảm xúc của các em học sinh cũng không được tốt như trước đây.
Cụ thể, các em hay bị nóng giận, căng thẳng và bị áp lực. Thật sự hầu hết các em học sinh cũng chưa biết cách chuyển hóa những căng thẳng, lo âu ấy.
Chỉ cần một tác động nhỏ từ ngoại cảnh, cũng dễ khiến các em nảy sinh những hành động, lời nói bột phát, thậm chí là suy nghĩ tiêu cực.
TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP Hà Nội cũng nhận định, áp lực tâm lý sau dịch Covid-19 chỉ là nhất thời, quan trọng là tuổi học đường lúc nào cũng đều gặp áp lực, vấn đề là chúng ta nhìn nhận, phát hiện, giải quyết ra sao.
Ông Sơn chỉ ra các áp lực là các em đang đối mặt, áp lực lớn nhất chính là từ gia đình, cha mẹ nào cũng mong con giỏi giang nhưng các em đừng oán thán bố mẹ bởi đó là một mong ước rất chính đáng.
Áp lực thứ hai là từ phía nhà trường. Trường nào cũng đều có quy chuẩn của mình và đòi hỏi học sinh phải đem về những đỉnh cao cho trường mình, đó cũng là điều rất bình thường. Các em phải tự mình điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu của nhà trường.
Tiếp theo, là áp lực từ cuộc sống và cả áp lực từ chính các em. Ngày xưa vượt khó vươn lên để thành công nhưng hiện tại xã hội đời sống đã rất cao, sẽ có một bộ phận phải "vượt sướng để thành công"…
"Tôi nghĩ rằng các em phải bình tĩnh, nhìn nhận vấn đề đầy đủ xem mình đang bị áp lực từ phía nào và tìm hướng giải quyết. Nếu áp lực từ phía phụ huynh thì phải mạnh dạn nói chuyện, trình bày ý muốn nguyện vọng với bố mẹ để bố mẹ căn chỉnh cho phù hợp", ông Sơn nói.
PGS-TS tâm lý Trần Thành Nam, Trường ĐH Khoa học giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhắn nhủ học sinh, hãy tìm nhiều cách thức hơn để cha mẹ thấu hiểu mình như chọn thời gian cha mẹ không bận rộn, viết email;... hoặc tìm đến người thân, người bạn, thầy cô mà các bạn có thể tin tưởng. Họ có thể mang đến cho bạn những phản hồi tích cực.