Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh tiếp xúc cử tri ngành Giáo dục:

Nóng chuyện chỉ tiêu biên chế, hợp đồng

(Dân trí) - Hơn 300 cử tri là cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) đã có cuộc tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh vào sáng nay 14/6 tại TP. Hạ Long.

Tại cuộc tiếp xúc, nhiều cử tri thẳng thắn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình xoay quanh các vấn đề về chỉ tiêu biên chế, hợp đồng biên chế, chế độ chính sách, hỗ trợ học phí...

Theo cử tri Nguyễn Thị Bắc (TP. Cẩm Phả), hiện tại ngành GD-ĐT thành phố đang thiếu giáo viên hợp đồng nên tỉnh cần bổ sung để ổn định công tác giảng dạy. Cũng theo cử tri này, việc đi lại của các giáo viên được phân công về miền núi công tác khá khó khăn, đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ thêm.


Cử tri ngành giáo dục bày tỏ tâm tư, nguyện vọng...

Cử tri ngành giáo dục bày tỏ tâm tư, nguyện vọng...

Cử tri Đỗ Văn Quang, Phó Phòng Giáo dục huyện đảo Cô Tô thì cho rằng, địa phương hiện công tác giảng dạy còn khó khăn do vẫn chưa tuyển được giáo viên theo biên chế nên gây khó khăn cho việc giảng dạy. Tỉnh cần có chính sách đưa địa phương này vào diện đặc biệt khó khăn để giáo viên được hưởng chế độ ưu tiên.

Tại cuộc tiếp xúc đã có 19 ý kiến được các cử tri trình bày, trong đó vấn đề được quan tâm nhất vẫn là chỉ tiêu biên chế, hợp đồng…


Ông Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh, tỉnh vẫn luôn chú trọng quan tâm tới ngành giáo dục. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ông Nguyễn Văn Đọc nhấn mạnh, tỉnh vẫn luôn chú trọng quan tâm tới ngành giáo dục. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Tại cuộc tiếp xúc, ông Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kiến nghị, nguyện vọng rất chính đáng của cử tri. Ông Đọc cũng cho biết, đối với một số chính sách còn thiếu, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung. Việc phân cấp, bổ nhiệm, quản lý, giao chỉ tiêu biên chế, UBND tỉnh cũng phải nghiên cứu đảm bảo hài hòa, hợp lý.

Ông Đọc nhấn mạnh, nhiều năm qua tỉnh đặc biệt quan tâm, dành nguồn lực đầu tư cho ngành Giáo dục từ cơ sở vật chất đến con người. Chiếm 70% đội ngũ công chức, viên chức toàn tỉnh là cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; khoảng 35% nguồn chi thường xuyên của tỉnh cũng được dành cho ngành Giáo dục. Tỉnh cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho đội ngũ giáo viên chất lượng cao, giáo viên vùng sâu, vùng xa…

“Thời gian tới, tỉnh vẫn đặt mục tiêu đầu tư, phát triển giáo dục là việc xuyên suốt, thường xuyên, trong đó, đặc biệt chú trọng đến nguồn lực phổ thông để tạo hành trang tốt nhất cho học sinh. Tỉnh cũng sẽ thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy, trong đó có ngành giáo dục với mục tiêu không phải để giảm biên chế mà làm cho bộ máy trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn. Quan điểm của tỉnh là cho tiền chứ không cho người”, ông Đọc nói.

An Nhiên