Nói tiếng Anh với trẻ

Để trợ giúp phụ huynh trong việc giúp con mình học tiếng Anh ngoài giờ học trên lớp, Hội đồng Anh xuất bản một sê-ri sách tham khảo dành cho phụ huynh. “Nói tiếng Anh với trẻ” là một trong các sách tham khảo thú vị này.

Kết quả khảo sát tại Anh cho thấy khi cha mẹ giúp trẻ học ngoài giờ trên lớp, kết quả học tập của trẻ được cải thiện rõ rệt. Hơn nữa, nếu thầy cô và cha mẹ cùng phối hợp trong việc dạy trẻ thì cơ hội thành công của trẻ là rất cao.

Nói tiếng Anh để giúp trẻ học tiếng Anh

Hầu như các bậc cha mẹ chính là những người dạy trẻ nói tiếng mẹ đẻ. Trong suốt hai năm đầu đời, thường thì trẻ học ngôn ngữ và học nói qua giọng nói và cách nói đặc biệt mà người mẹ sử dụng.

Dù chỉ biết một chút tiếng Anh cơ bản, cha mẹ cũng có thể giúp trẻ học ngôn ngữ này một cách thành công nhờ sử dụng lại hay điều chỉnh những kỹ thuật của “ngôn ngữ đơn giản” (điều chỉnh theo cách nói của trẻ) dùng trong dạy tiếng mẹ đẻ.

Có thể cha mẹ sẽ lo lắng đôi chút về chất giọng tiếng Anh của mình. Thực ra điều này không đáng ngại bởi trẻ có khả năng tuyệt vời trong việc thay đổi giọng cho phù hợp với tiếng Anh các em nghe được ở xung quanh. Trẻ nhỏ cần cảm thấy "Mình có thể nói được tiếng Anh” và "Mình thích tiếng Anh”. Và cha mẹ có thể giúp các em cảm nhận được điều này ngay từ những bài học tiếng Anh đầu tiên.

Tại sao cha mẹ giúp trẻ là tốt nhất?
 
- Cha mẹ có thể toàn tâm toàn ý dành thời gian chơi với con mình.
 
- Cha mẹ có thể tranh thủ bất cứ thời gian nào trong ngày phù hợp với con mình và bản thân mình để dạy tiếng Anh cho các em.
 
- Cha mẹ có thể điều chỉnh thời lượng các bài học và lựa chọn hoạt động cho phù hợp với nhu cầu, sở thích và khả năng tập trung của trẻ.
 
- Cha mẹ gần gũi với trẻ nên có khả năng cảm nhận cách nói tiếng Anh nào là thích hợp nhất với cách tiếp thụ ngôn ngữ của con mình.
 
- Cha mẹ có khả năng hiểu được những trạng thái tâm lý của con mình nhất và phản ứng lại chúng. Sẽ có những ngày các em hào hứng tiếp nhận ngôn ngữ và những ngày các em cảm thấy khó tập trung.
 
- Cha mẹ có thể đưa ra nhiều hoạt động hứng thú cho trẻ khi học vì họ đang dạy cho một cá nhân chứ không phải là cả một lớp học.
 
- Cha mẹ có thể đưa văn hóa Anh vào đời sống gia đình, giúp trẻ mở rộng tầm nhìn và hiểu biết về văn hóa của nước mình cũng như văn hóa Anh.

Ngôn ngữ đơn giản” là gì?

“Ngôn ngữ đơn giản” là một hình thức trò chuyện được điều chỉnh cho phù hợp với ngôn ngữ của trẻ, đem lại cho trẻ cơ hội giao tiếp và giúp trẻ đạt được trình độ cao hơn về năng lực ngôn ngữ.

Có vẻ phụ nữ sử dụng thứ ngôn ngữ này thường xuyên hơn nam giới. Đối với một vài nam giới, việc sử dụng ngôn ngữ này quả thực là điều khó khăn trừ khi họ có thể nói chuyện xoay quanh những đề tài cụ thể như một cuốn truyện tranh hay một trò chơi. Tuy nhiên, trẻ nhỏ - đặc biệt là các bé trai - lại thích trò chuyện với nam giới hơn vì nam giới có cách sử dụng ngôn ngữ khác với nữ giới. Nam giới có xu hướng sử dụng ngôn ngữ một cách có kỹ thuật hơn và bớt “huyên thuyên” hơn.

Bằng giọng nói nhẹ nhàng, âu yếm và ngôn ngữ đơn giản, cha mẹ sẽ cuốn hút trẻ vào hoạt động học một cách vô thức thông qua việc:
 
- tường thuật tại chỗ (nói to) những gì đang diễn ra: ‘Chúng ta hãy đặt nó ở đây nhé”. "Ở đó. "Con nhìn này. Bố (mẹ) vừa đặt nó lên bàn đấy. "Thế con thích cái nào? [Ngừng lại một lúc] "À, bố (mẹ) thích cái này. "Cái đỏ ý.
 
- lặp lại những từ ngữ hữu dụng thường xuyên hơn so với khi nói chuyện với người lớn: lặp lại giúp trẻ củng cố thêm những gì các em đang học - điều này với trẻ không hề nhàm chán kể cả khi bố mẹ các em đã cảm thấy vậy.
 
- nhắc lại những gì trẻ vừa nói đồng thời mở rộng thêm:
 
Trẻ: "Màu vàng; Bố (mẹ): "Con thích cái màu vàng. "Của con đây. "Đây là cái màu vàng. "Chúng ta cùng xem nào. Màu vàng, màu đỏ và đây là cái màu nâu. "Con thích cái màu nâu phải không? [Ngừng lại một lúc]
 
- nói chậm hơn và nhấn vào những từ mới một cách thật tự nhiên để không làm thay đổi ngữ điệu của ngôn ngữ "Hôm nay chúng ta sẽ đọc bài thơ nào nhỉ? "Con chọn đi. [Ngừng lại một lúc để trẻ chọn]
 
- sử dụng những cụm từ nhất định mỗi khi cho trẻ học cũng như tham gia vào các hoạt động hay trò chơi. Khi trẻ đã hiểu hết những cụm từ cơ bản này thì hãy mở rộng thêm: "Chúng ta hãy chơi trò Simon nói nhé. "Con đứng đó đi. "Trước mặt bố (mẹ) này. "Đúng rồi. "Con sẵn sàng chưa?
 
- dùng biểu hiện trên khuôn mặt và cử chỉ để giúp trẻ hiểu tốt hơn
 
- luôn nhìn trẻ để đảm bảo chắc chắn rằng trẻ hiểu những gì mình nói cũng như khuyến khích trẻ nói
 
- ngừng lại lâu hơn một chút khi thấy trẻ cần thời gian suy nghĩ về những gì các em nghe được trước khi trẻ cảm thấy sẵn sàng đáp lại. Khi khả năng nói của trẻ còn bị hạn chế, những lúc ngừng nghỉ lâu như vậy có thể khiến trẻ hứng thú hơn vào trò chơi.

Một vài cặp cha mẹ cảm thấy ngượng ngùng khi phải đóng kịch và sử dụng “ngôn ngữ đơn giản” với trẻ. Tuy vậy, với trẻ điều này giúp các em học tiếng Anh dễ dàng hơn vì các em đã quen với những ‘bài tập nhỏ’ tự nhiên này khi học tiếng mẹ đẻ. Khi trẻ bắt đầu nói được rồi thì cha mẹ sẽ cảm thấy không nhất thiết phải sử dụng “ngôn ngữ đơn giản” nhiều như trước nữa, trừ khi họ muốn dạy cho trẻ những từ ngữ hay tham gia vào những hoạt động mới.

(Tiếp tục kỳ sau)
Bài được viết bởi chuyên gia Tư Vấn Giáo Dục của Hội đồng Anh.
© Hội đồng Anh 2010.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm