Nỗi niềm cô tân sinh viên nghèo lo phải bỏ học giữa chừng

(Dân trí) - Bố bị bệnh tâm thần, một mình mẹ Phượng quần quật lao động nuôi bốn chị em ở tuổi ăn học. Bằng sự nỗ lực hết mình, Phượng đã thi đỗ ngành Bác sĩ đa khoa ĐH Y khoa Vinh nhưng em lo lắng sẽ phải gác lại giấc mơ giữa chừng vì phận nghèo.



Con đường học đẫm nước mắt của cô học trò nghèo
 
Lâu nay, nhiều người ở xóm 11 (xã Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An) đem lòng cảm phục nghị lực cô học trò nghèo Nguyễn Thị Phượng có làn da đen ngăm, nụ cười nhân hậu chăm làm chăm học. Sau giờ học, Phượng làm tất cả mọi việc từ ruộng vườn, nhà cửa rồi mò cua, bắt ốc, lên đồi chặt củi về bán lấy tiền mua sách vở.

Với bạn bè cùng trang lứa ở quê, Phượng thua thiệt nhiều thứ cả vật chất cho đến tinh thần. Khi lên lớp hai, bố em đổ bệnh nặng, vì không có điều kiện chữa trị nên bệnh ngày càng nặng hơn, đập phá hết mọi đồ đạc trong nhà. Một mình mẹ làm quần quật nuôi bốn chị em Phượng ăn học. Hàng ngày, ai thuê gì mẹ làm nấy. Người mẹ gầy gò ấy làm tất cả mọi việc từ phụ hồ, cày cấy thuê nhưng gia cảnh không khá hơn vì chồng không có khả năng lao động, bốn con đang trong tuổi ăn tuổi lớn. Bà nội Phượng thì đã 85 tuổi.
 Em Nguyễn Thị Phượng bên góc học tập đơn sơ, ba chị em dùng chung một đèn học, một chiếc bàn.
 Em Nguyễn Thị Phượng bên góc học tập đơn sơ, ba chị em dùng chung một đèn học, một chiếc bàn.

Cô con gái thứ ba học lên lớp 3, mẹ Phượng không nuôi nổi đành gửi lên nhà cô em gái của chồng ở huyện Qùy Hợp để nhờ chăm sóc. Bữa ăn có khi là chan nước mắm thế nhưng mấy chị em Phượng lớn lên khỏe mạnh. Hoàn cảnh éo le, ngặt nghèo nhưng các em luôn đạt thành tích cao trong học tập.
 

Sau khi đọc bài viết trên báo điện tử Dân trí, nhiều bạn đọc ngỏ ý muốn liên hệ để động viên, chia sẻ với cô tân sinh viên nghèo Nguyễn Thị Phượng. Đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi xin đăng tải số điện thoại của em Phượng: 01665 371 388 (địa chỉ: xóm 11, xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An)


Phượng là học sinh giỏi toàn diện trong suốt 12 năm liên tiếp. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua em đạt loại Giỏi, tiếp đó Phượng thi đậu ĐH Y khoa Vinh với 23 điểm (trong đó Toán 6.5, Hóa 7, Sinh 8.25 và 1 điểm vùng).

Phượng kể, ngày em làm hồ sơ thi ĐH mẹ một mực không cho. Mẹ kiên quyết bảo em đừng làm, nếu thi đậu cũng không có tiền mà học, em phải nghỉ học đi làm thuê nuôi 3 em sau ăn học hết lớp 12. Nếu Phượng đi học thì các em phải nghỉ học.

Nhưng rồi em thuyết phục mẹ cho thi thử để không uổng phí 12 năm miệt mài bên đèn sách. Khi ấy Phượng đăng ký hai trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng và ĐH Y khoa Vinh. Hàng ngày em miệt mài ôn thi khối A, với dự định sẽ thi khối A. Gần đến ngày thi ĐH khối A, em đành từ bỏ dự định vì mẹ không xoay xở ra tiền cho em vào ứng thí.
Phượng bên bố mẹ và bà đã già yếu.
Phượng bên bố mẹ và bà đã già yếu.

Ngày thi khối B sắp đến, em khóc lên khóc xuống, nài nỉ xin mẹ cho thi khối B Trường ĐH Y khoa Vinh. Không có tiền đi ôn thi hay mua tài liệu, Phượng tự ôn tập vào buổi đêm. Ngày đi thi, hành trang của Phượng chỉ là những kiến thức được bồi đắp bằng những ngày ôn luyện, sự động viên của thầy cô, bạn bè và ước mơ thay đổi số phận.

Khi nhận được giấy báo trúng tuyển đại học là ngày em khóc cạn nước mắt vì biết mẹ không có tiền cho em nhập học. Em đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ giảng đường.
Giấy khen được dán trên xà nhà.

Giấy khen được dán trên xà nhà.

Thành tích học tập là 12 năm liền đều là học sinh giỏi toàn diện.
Thành tích học tập là 12 năm liền đều là học sinh giỏi toàn diện.

Chị Nguyễn Thị Hiền, mẹ em trăn trở: “Thấy con chăm ngoan học giỏi, làm mẹ ai mà không muốn cho con được học đến nơi đến chốn. Nhưng cô thấy đó, mẹ già ốm yếu, chồng bệnh tâm thần, bốn đứa con nheo nhóc, một mình tôi làm sao mà nuôi cháu Phượng 6 năm ăn học đại học ở TP Vinh được. Hàng tháng tiền điện 50.000 - 60.000 đồng thôi cũng khó kiếm rồi…”, nói đến đây, chị gục đầu bất lực xuống bàn, khóc lóc như để thỏa tình thương con mà chẳng biết kêu ai.

Tia sáng len lỏi vào cô học trò nghèo

Ngày 23/8/2014 - là ngày nhập học, Phượng đành ngậm ngùi tiếc nuối không được đến trường làm thủ tục nhập học đúng lịch cùng bạn bè. Mà Phượng đành chấp nhận từ bỏ ước mơ được làm bác sĩ. Những ngày đau khổ tận cùng, em đi lên đồi kiếm củi về bán lấy tiền cho ba đứa em nhỏ mua đồ dùng học tập đầu năm học mới vừa qua.

Thương cháu gái của mình khóc sưng mắt, cậu ruột em đã thuyết phục, động viên chị gái (mẹ Phượng) cho cháu đi học rồi hứa vay tạm tiền, chở cháu xuống Vinh nhập học. Anh em, hàng xóm biết chuyện, người ít, người nhiều ủng hộ, động viên Phượng tới trường. Và Phượng cũng được nhập học muộn hơn một tuần, số tiền đóng đầu năm hơn 6 triệu, Phượng được thầy cô thông cảm làm thủ tục cho em kịp thời.
Thành tích học tập là 12 năm liền đều là học sinh giỏi toàn diện.
Bà nội ốm yếu, bố bị tâm thần, Phượng dành thời gian quán xuyến mọi việc nhà nhưng luôn là học sinh giỏi.

Hành trang xuống Vinh ngoài sách vở, quần áo, Phượng đem theo gạo, thức ăn là hũ nhút, hũ dưa muối, lạc làm thức ăn. Hơn nửa tháng nhập học, bữa ăn sinh viên của Phượng là thức ăn đưa từ nhà, chưa một bữa Phượng dám bỏ tiền túi đi chợ. Còn một ít tiền, Phượng dành dụm để cuối tháng trả tiền nhà với hai bạn ở cùng phòng.

Tâm sự về những khó khăn hiện tại, Phượng nói: “Em biết học ngành Y sẽ rất tốn kém. Em chỉ mong kiếm được việc làm thêm để có tiền sinh hoạt hàng tháng, tiền nhà trọ hàng năm. Còn tiền học phí cho 6 năm học em chưa biết lấy đâu ra? Ăn khổ bao nhiêu em cũng chịu được hết. Mẹ đang làm thủ tục cho em được vay vốn sinh viên, vì làm muộn nên năm này em chưa được mượn chị ạ!”.
Với Phượng, giá sách vở là tài sản lớn nhất của cuộc đời học sinh.

Với Phượng, giá sách vở là tài sản lớn nhất của cuộc đời học sinh.

 Điểm tổng các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của Phượng tổng trên 8.5 điểm.
 Điểm tổng các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của Phượng tổng trên 8.5 điểm.

Nói về ước mơ của mình, Phượng chia sẻ, từ nhỏ chứng kiến người bố của mình đổ bệnh không có tiền chữa trị và những người hàng xóm ra đi vì bệnh tật khiến em đau đáu. Điều đó thôi thúc em đăng ký thi ngành bác sĩ đa khoa để trở thành một bác sĩ giỏi. Sau này em có thể khám và chữa bệnh cho bố cho mọi người thôi bệnh.

Phận nghèo, nhưng vì ước mơ trở thành bác sĩ sau này có thể giúp đỡ được nhiều người có hoàn cảnh cảnh như mình. Cô bé 18 tuổi chấp nhận những khổ cực, thiếu thốn ban đầu để được đến với giảng đường. Em biết có thể phải nghỉ học giữa chừng nhưng em vẫn đến trường với bao hy vọng gặp may mắn giữa cuộc sống đời thường.
 Điểm tổng các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh của Phượng tổng trên 8.5 điểm.

Đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn và mong muốn được giúp đỡ để Phượng được tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.

Tâm Nhi - Nguyễn Duy