Đà Nẵng:

Nỗi lo của chàng tân sinh viên khiếm thị nghèo

(Dân trí) -"Khoản tiền tôi dành dụm được chỉ có thể tạm lo cho những ngày đầu học đại học. Không biết rồi những tháng ngày kế tiếp sẽ ra sao?” -tâm sự của Lý Giang Huyên-học sinh giỏi Trường PT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) được tuyển thẳng vào khoa Luật, ĐH Khoa học Huế.

Được vào đại học, được tiếp tục học là niềm vui sau bao nỗ lực bền bỉ đuổi theo con chữ của Huyên. Thế nhưng, con đường đến giảng đường đại học của tân sinh viên Lý Giang Huyên vẫn chông chênh với bộn bề nỗi lo vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Video clip chia sẻ tâm sự của tân sinh viên Lý Giang Huyên:


Vừa học, vừa làm vẫn luôn đạt học lực giỏi

Trao đổi với chúng tôi về học sinh Lý Giang Huyên (SN1991), cô Đỗ Thị Đỗ Quyên - Hiệu trưởng trường PT Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) cho biết: Hoàn cảnh của em Huyên rất khó khăn. Nhà chỉ có hai mẹ con. Em Huyên nhập học tại trường từ năm 2000, khi hai mắt của em đã hoàn toàn không nhìn thấy được. Mẹ em Huyên đau nặng, mất sức lao động. Mấy năm nay, Huyên chịu khó vừa đi học, vừa tranh thủ đi làm mát xa khiếm thị. Nhưng em vẫn luôn giữ danh hiệu học sinh giỏi suốt 3 năm học cấp ba và vừa được tuyển thẳng vào ĐH Huế.

Nỗi lo của chàng tân sinh viên khiếm thị nghèo
Dù bị khiếm thị và hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, em Lý Gia Huyên vẫn luôn đạt học lực giỏi và vừa được tuyển thẳng vào đại học

Độc giá có thể động viên chia sẻ với em Lý Giang Huyên qua số điện thoại: 0905 330 038
Được biết, học sinh trường PT chuyên biệt được miễn học phí cũng như chỗ ở nội trú trong trường, chúng tôi hỏi Huyên sao phải vừa đi học vừa tranh thủ đi làm. Cậu học trò khiếm thị trải lòng tâm sự: “Năm tôi 7 tuổi, khi đang ngồi học trong lớp, đột nhiên em thấy hai mắt mình mờ dần và rồi không nhìn thấy giò nữa. Mẹ đưa tôi đi chạy chữa khắp nơi suốt 4 năm ròng vẫn không có kết quả. Tới năm 2000, được các bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Đà Nẵng giới thiệu, mẹ xin cho tôi vào học trường PT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Mấy năm đưa em đi chữa bệnh mà không được, mẹ tôi cứ khóc thương con nên cũng lòa cả mắt. Mẹ lại mang bệnh trong người. Những bệnh thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp cứ hành hạ sức khỏe của mẹ. Mỗi lúc mẹ lên cơn đau, trong nhà không có ai, mẹ lại nhờ hàng xóm đưa lên bệnh viện tiêm thuốc cắt cơn đau rồi lại về.

Mỗi tháng ở nhà, mẹ tôi nhận được hơn 500 nghìn tiền trợ cấp xã hội. Ngoài ra, mẹ đã mất sức lao động nên cả nhà ngoài khoản tiền trợ cấp đó, không biết xoay sở vào đâu. Lo cho mẹ đã vì con  mà gắng gượng nhiều, mấy năm nay, được nhà trường dạy ngoại khóa nghề mát xa khiếm thị, tôi đã tranh thủ sắp xếp thời gian học hợp lý hơn, rồi tranh thủ buổi tối, hay ngày chủ nhật để đi làm thêm. Khoản ấy, một phần tôi lo trang trải sinh hoạt phí ngoài này, một phần gửi về quê để mẹ mua thuốc uống”.

Huyên kể, cũng có những hôm Huyên đắn đo giữa việc đến lớp học hay xin phép nghỉ một buổi học để tranh thủ đi làm, Huyên đã phải chọn xin phép nghỉ học. Rồi có những lúc đang làm thêm ở ngoài, gặp bạn bè trong trường cũng thấy tủi thân. Nhưng “nếu không tranh thủ đi làm thêm thì có thể em không chỉ xin phép nghỉ học một buổi mà phải gác lại giấc mơ con chữ vì với hoàn cảnh của mình, nếu không bươn chải, em sẽ không đủ khả năng theo học tiếp”.

Suốt 3 năm học ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cậu học trò khiếm thị không vì điều kiện khó khăn của mình mà thua kém bạn bè. Huyên đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 3 năm liền.

Bộn bề nỗi lo trước cổng trường đại học

Cuối năm lớp 12, Huyên nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học. Tiếp nhận hồ sơ của Huyên, với thành tích  đạt học sinh giỏi suốt 3 năm bậc THPT, ĐH Khoa học Huế đã thông báo xét tuyển thẳng thí sinh khiếm thị Lý Giang Huyên vào khoa Luật của trường.

Cánh cổng trường đại học mở ra, Huyên càng đi gần đến giấc mơ trở thành một người am hiểu luật pháp, trở thành một chuyên viên tư vấn luật để hỗ trợ khi mọi người cần đến. Đó cũng là thực hiện ước mơ của mẹ Huyên ở quê nhà, mong con trai chẳng may bị kiếm thị có được cái chữ, cái nghề, đỡ tấm thân, mà cũng đỡ gánh nặng cho xã hội.  

Từ ngày nhận thông báo được xét tuyển thẳng vào đại học, Huyên càng tranh thủ kiếm việc làm thêm để dành dụm lo những ngày khó khăn phía trước trên con đường đến giảng đường đại học.

Cậu học trò khiếm thị không giấu nỗi âu lo bên niềm vui được vào đại học: “Mười mấy năm nay, tôi được học ở trường PT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Ở trường, tôi được miễn học phí và cả không lo về chỗ ăn ở. Việc học cũng thuận lợi hơn với các trang thiết bị học tập chuyên hỗ trợ cho học sinh khiếm thị có sẵn ở trường.

Những tháng ngày học đại học sắp tới sẽ khó khăn hơn, vì không còn sự hỗ trợ đó nữa, nhất là về trang thiết bị học tập. Để học kịp những bạn học bình thường, tôi chắc chắn phải dành nhiều thời gian cho việc học hơn. Trong khi đó, ra Huế học, tôi lại phải tự lo hoàn toàn về chỗ ở, sinh hoạt phí… Các khoản tốn kém hơn nhiều so với hồi học phổ thông. Rồi mẹ tôi đau ốm ở quê nhà sẽ sống ra sao với khoản trợ cấp xã hội chỉ khoảng hơn 500 nghìn/tháng. Trong khi khoản tiền tôi dành dụm được chỉ có thể tạm lo cho những ngày đầu ở Huế. Không biết rồi những tháng ngày kế tiếp sẽ ra sao.”

Thật khâm phục nghị lực của cậu học trò khiếm thị nghèo mà học giỏi. Và mong sao trên bước đường đến giảng đường đại học của Huyên, sẽ có nhiều tấm lòng nhân ái sẻ chia, giúp đỡ Huyên để con đường ấy bớt chông chênh.

Khánh Hiền

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn