Bến Tre:

Đỗ 2 trường, cậu học trò nghèo lo phải dừng bước đại học

(Dân trí) -Thi 2 trường và đỗ cả hai nhưng cậu học trò vượt khó học giỏi nơi xứ dừa Bến Tre đang lo không biết có theo học được không. Ba em là cựu chiến binh, nay yếu mai đau, chi tiêu của gia đình phụ thuộc vào số tiền làm thuê chật vật của mẹ em.

Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên em Lê Thành Nho (địa chỉ: 12B, ấp Phước Thạnh 2, xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, Bến Tre). Chúng tôi xin đăng số điện thoại của em Nho để độc giá có thể chia sẻ với em: 0978 691 636
Nhiều ngày nay, từ đầu làng đến cuối xóm, người dân ở ấp Phước Thạnh II (xã Thành Triệu, huyện Châu Thành, Bến Tre) ai cũng tấm tắc khen ngợi cậu học trò Lê Thành Nho vượt khó học giỏi, mang niềm vui và tự hào về cho người dân nơi vùng sâu, vùng xa này.
 
Kỳ đại học năm nay, cậu học sinh lớp 12B1 Trường THPT Diệp Minh Châu (huyện Châu Thành, Bến Tre) đã trúng tuyển cả hai trường: ĐH Sư phạm TPHCM ngành Công nghệ thông tin với tổng điểm là 26 và ĐH Cần Thơ với tổng điểm là 23 điểm (đã cộng điểm vùng).

Lê Thành Nho sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông. Nhà em có hơn 1 công đất vườn, bố mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Thấy vườn tạp không hiệu quả, ba mẹ Nho phá bỏ, trồng lại 30 cây dừa nhưng ít nhất cũng phải đến 3 năm sau mới thu hoạch.

Ba của Nho là ông Lê Văn Rum do sức khỏe yếu, nay yếu mai đau (hậu quả của chứng sốt rét rừng trong những năm đi bộ đội đóng quân ở Bắc Boong - Campuchia). Do bị bệnh nên công việc làm thuê của ông không ổn định.

Chi tiêu của gia đình phụ thuộc vào số tiền làm thuê, làm mướn của mẹ Nho là bà Nguyễn Thị Khâm không quá 70.000 đồng/ngày (mà không phải lúc nào cũng có việc) nên cuộc sống của gia đình cũng khá chật vật, thiếu trước hụt sau. Nhưng anh chị vẫn cố gắng dè sẻn, chắt chiu để cho con được đến trường.

Thương ba mẹ vất vả nên Nho rất chăm ngoan và hiếu thảo. Ba mẹ bận rộn với việc làm thuê, một mình Nho ở nhà lo cơm nước, giặt giũ. Những buổi không có giờ học ở lớp hay vào ngày chủ nhật, Nho đi nhổ cỏ vườn đỡ đần cho ba mẹ. Ngoài ra, em còn nhận vuốt lá dừa lấy cọng để bán. Mỗi kg cọng dừa được trả 8.000 đồng, em dành để mua sách vở, tài liệu để học.
 
Dù gia đình luôn rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu, nhưng suốt 12 năm học Nho luôn là học sinh giỏi

Những lúc rảnh rỗi, Nho tranh thủ róc lá dừa lấy cọng bán (làm chất đốt, nhúm lửa...) lấy tiền mua sách vở.

12 năm liền, Nho đều là học sinh giỏi toàn diện và luôn đứng nhất khối lớp. Ngoài ra, em còn giành được giải trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2009 - 2010, em đạt hạng Ba kì thi học sinh giỏi máy tính cầm tay và giải Khuyến khích học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh. Năm học 2012- 2013, em lại tiếp tục đạt giải Ba và giải Nhì trong kì thi học sinh giỏi môn Toán và máy tính cầm tay cấp tỉnh. Ngoài ra, em còn được tỉnh Đoàn Bến Tre tặng bằng khen Thanh niên Đồng Khởi mới.  

Khi hỏi về bí quyết học tập, Nho cho biết: “Trong lớp em tập trung nghe thầy cô giảng bài, có gì khó thì đánh dấu trong sách để hỏi lại; những điều gì mới mẻ ghi vào sổ tay tự học. Tối về tranh thủ giải nhiều bài tập, xem trước bài mới nếu còn thời gian đọc thêm sách khoa học, trau dồi thêm để bổ sung kiến thức”.

Gặp Nho trong căn nhà tình thương (do một tổ chức từ thiện ở Sài Gòn xây tặng), chúng tôi thấy trên vách rất nhiều giấy khen, bằng khen về thành tích học tập, minh chứng cho quá trình nỗ lực vượt khó của em.
 
Dù gia đình luôn rơi vào cảnh khó khăn, túng thiếu, nhưng suốt 12 năm học Nho luôn là học sinh giỏi

Gia cảnh khó khăn nhưng suốt 12 năm học, Nho luôn nỗ lực học tập và được trao nhiều giấy khen.

Ông Rum cho biết: “Trước ngày nộp hồ sơ dự thi, cháu nó tính thi vào Sư phạm sẽ được miễn học phí để đi học, ba mẹ cũng bớt phần lo và nhất là con có cơ hội giúp dạy bảo, giúp đỡ các em học trò nghèo ở quê nhà. Nghe con nói thế, vợ chồng tôi cũng thấy vui và đỡ lo. Tuy nhiên, bây giờ cầm hai giấy báo nhập học của con, vợ chồng tui cánh cánh mấy đêm nay không ngủ được khi nghĩ đến số tiền bạc triệu cho con đi học… Nhưng có khó khăn thế nào thì cũng phải cố gắng, không để nó nghỉ học đi làm công nhân”.

Về phần mình, Nho chia sẻ: “Em mong mình có đủ điều kiện để tiếp tục việc học. Sau khi tốt nghiệp ra trường có chỗ dạy ổn định. Em thích làm thầy giáo vì như vậy em có điều kiện quan tâm và giúp đỡ những học sinh nghèo như là một cách tri ân mọi người đã giúp đỡ em trong thời gian vừa qua”.

Nhắc đến em Lê Thành Nho, cô Mai Thị Thu Trang - giáo viên chủ nhiệm của em cho biết: “Nhà nghèo nên sau khi đậu tốt nghiệp xong, Nho không có tiền đăng kí luyện thi, em chỉ học ôn thi tại trường và mượn lại tập của các bạn cùng lớp luyện thi ở các trung tâm để photo và xem lại cách giải và phương pháp làm bài. Tuy vậy, trong kỳ tuyển sinh vừa rồi Nho đỗ hai trường ĐH nhưng với hoàn cảnh gia đình em, rất mong bạn đọc chung tay tiếp sức để ước mơ trở thành một thầy giáo của Nho sớm thành hiện thực”.
 
Diệu Hiếu - Nguyễn Hành
Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm