Nỗi khổ khi ngồi bàn học không vừa cỡ

(Dân trí) - Cả bàn ghế cũ và bàn ghế thiết kế theo chuẩn mới ở nhiều trường phổ thông hiện nay đều chưa phù hợp với chiều cao học sinh các cấp. Sự bất cập này khiến học sinh phải ngồi học trong tư thế không thoải mái.

Các HS lớp 3 bậc tiểu học đã bắt đầu phải khom lưng khi viết bài trong lớp học.
Các HS lớp 3 bậc tiểu học đã bắt đầu phải khom lưng khi viết bài trong lớp học.

Khi chúng tôi đề cập đến phản ánh của phụ huynh học sinh (HS) về việc bàn học quá thấp, khiến học sinh ngồi học không thể ngồi học đúng tư thế, ông Cao Hữu Công - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP Đà Nẵng) đồng tình với thực trạng này: “Đúng là bàn ghế trang bị cho HS ở trường hiện nay không còn phù hợp. Thể trạng các em phát triển hơn hẳn so với các lớp trước. HS lớp 5 đã có chiều cao 1,5 - 1,6m bây giờ không còn là chuyện hiếm. Thế nhưng bàn học thì vẫn y một cỡ như vậy thì làm sao ngồi học thoải mái được”.

Thực tế tại một phòng học lớp 3 của trường này, thấy không ít HS phải khom lưng hẳn xuống mới vừa tầm mắt nhìn vào tập và viết bài. Ngồi thẳng, chân để dưới gầm bàn không vừa, các em phải ngồi nghiêng. Với tư thế ngồi học như vậy, về lâu dài, việc HS bị vẹo cột sống và các bệnh về mắt do điều tiết quá mức là khó tránh khỏi.

Khảo sát tại các trường tiểu học Trần Văn Ơn, Phan Thanh... tại Đà Nẵng đều có phản ánh về sự bất cập trên. Ông Nguyễn Hồng Tân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Thanh cho biết: “HS các lớp nhỏ như lớp 1, lớp 2 thì có thể ngồi vừa bàn học ở trường chứ HS lớp lớn thì bàn ghế hiện nãy rõ ràng không còn phù hợp nữa. Và để “chữa cháy, giúp HS ngồi học trong lớp thoải mái hơn, trường đã có sáng kiến là kê cao bàn học của HS lên bằng đế gỗ dính liền chân bàn học”.

Các HS lớp 3 bậc tiểu học đã bắt đầu phải khom lưng khi viết bài trong lớp học.
Nhà trường áp dụng sáng kiến kê thêm 1 đế gỗ dưới chân bàn để nâng độ cao của bàn học phù hợp với chiều cao của HS.

Không chỉ có bàn ghế cũ đã lỗi thời khiến HS phải khổ sở và các trường phải tìm cách xoay sở “chữa cháy” với thực trạng bất cập này, mà ngay cả bàn ghế được thiết kế theo chuẩn mới được cấp về các trường phổ thông hiện nay cũng chưa phù hợp với thực tế.

Do bàn ghế của nhà trường bị hư hỏng nặng sau các trận lũ lụt, Trường THPT Ông Ích Khiêm (Đà Nẵng) được cấp mới khoảng 300 bộ bàn ghế. Đây là bàn ghế thiết kế theo chuẩn của Thông tư liên tịch số 26 giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học công nghệ và Bộ Y tế ngày 16/6/2011 về tiêu chuẩn bàn ghế cho HS các cấp phổ thông. Chỉ một thời gian ngắn đưa vào sử dụng, bàn học theo chuẩn mới đã thấy rõ những bất cập.

Khảo sát thực tế cho thấy, bàn học mới dành cho HS THPT còn... thấp hơn cả bàn ghế cũ, trong khi chiều cao trung bình của HS thì ngày càng tăng. Chưa kể, diện tích mặt bàn rộng, trong khi diện tích lớp và sĩ số HS vẫn không thay đổi, buộc phải sắp xếp các bàn học sát liền nhau, thu hẹp lối đi lại giữa các dãy bàn. Thậm chí, dãy bàn ngang trên cùng kê sát ngay bục giảng.

Các HS lớp 3 bậc tiểu học đã bắt đầu phải khom lưng khi viết bài trong lớp học.
Với bàn học thiết kế theo chuẩn mới như thế này thấy rõ HS khó mà có được tư thế ngồi học thoải mái.

Một HS ngồi bàn đầu trong các lớp học sử dụng bàn ghế mới than phiền: “Hồi trước bàn thấp, phải cúi người sát bàn mới viết bài được đã khổ rồi, chừ thì ngay cả để chân dưới gầm bàn cũng khó khăn, do khoảng cách giữa đáy hộc bàn và mặt đất ngắn, nên phải ngồi nghiêng. Mà duỗi thẳng chân thì đụng ngay bục giảng của giáo viên. Chưa kể đưa mắt lên là đụng ngay bảng chứ không có khoảng cách vừa tầm như bình thường”.

Nghĩ cho học trò, nhà trường lại phải xoay xở bằng cách luân phiên thay đổi HS ngồi dãy bàn ngang trên cùng. Nhưng xem ra đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Trao đổi với PV, ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết: Bàn ghế cấp mới cho HS đều phải thiết kế đúng theo thông tư liên tịch số 26 giữa 3 Bộ GD - ĐT, Bộ KHCN và Bộ Y tế. Qua thực tế cho thấy, bàn ghế mới chưa phù hợp với thể trạng học sinh, ngành GD đã có phản ánh nhưng để có giải pháp quyết định thì cần có cả sự vào cuộc của bên Khoa học công nghệ và Y tế.

 Khánh Hiền