Quảng Nam:

Nỗi khổ của hàng trăm giáo viên mang tên “hợp đồng”

(Dân trí) - Không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, lương mỗi tháng chỉ từ hơn 2 triệu đồng…, cuộc sống của hàng trăm giáo viên ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) vô cùng khó khăn. Không biết bao giờ các giáo viên này mới mơ đến hai chữ “biên chế”.

Ngày 11/10, hàng chục giáo viên các cấp học ở huyện Thăng Bình đại diện cho hàng trăm giáo viên ở huyện này cùng kí đơn kiến nghị gởi đến các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam, để được bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình khi các giáo viên này đi dạy trong nhiều năm mà không có bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT).

Nỗi khổ của giáo viên mang tên "hợp đồng"
Nỗi khổ của giáo viên mang tên "hợp đồng"
Nỗi khổ của giáo viên mang tên "hợp đồng"

Đơn kiến nghị của các giáo viên “hợp đồng” huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam).

Cô L.T.T.T. (giáo viên hợp đồng môn Tin học tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, cô cùng rất nhiều anh chị em đang là giáo viên hợp đồng theo chế độ thỉnh giảng, nhân viên hợp đồng ở các trường tại huyện Thăng Bình trong rất nhiều năm, có cô làm từ năm 2011-2012 và những năm sau 2013.

Mặc dù được đi dạy, được làm việc nhưng những giáo viên này chưa một lần được đóng BHXH. Có trường cho kí hợp đồng trong hợp đồng ghi rõ là: Dạy theo chế độ thỉnh giảng, hưởng lương theo quy định, không đóng BHXH. Cũng có trường không làm hợp đồng trong nhiều năm, năm học 2018-2019 có trường cho kí hợp đồng theo từng tháng.

Cô T. tâm sự, với mong muốn được làm việc, có một công việc làm sau khi ra trường, được sống với niềm đam mê là dạy học nên dù thấy hợp đồng không thỏa đáng nhưng các cô vẫn kí, nếu không kí sẽ không được tiếp tục dạy.

Nỗi khổ của giáo viên mang tên "hợp đồng"

Các giáo viên “hợp đồng” hiện rất khó khăn với cuộc sống vì thu nhập chỉ từ 2 triệu đồng trở lên

Vì chỉ được dạy “thỉnh giảng” nên trong rất nhiều năm, nhiều giáo viên có ý kiến lên Ban giám hiệu nhà trường với mong muốn được đóng BHXH nhưng được Ban giám hiệu trả lời là Phòng Giáo dục không đóng nên trường không đóng được.

Khi các cô hỏi lãnh đạo Phòng Giáo dục thì được trả lời do công văn số 555 của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ngày 30/11/2015, quy định từ ngày 1/1/2016 không kí hợp đồng lao động và không đóng bảo hiểm nên Phòng không đóng được.

Còn UBND huyện Thăng Bình thì cho phép các trường được 3 tháng kí hợp đồng 1 lần để không phải đóng BHXH, không phải sai luật bảo hiểm.

“Vậy những lao động lâu năm từ trước ngày 1/1/2016 như tôi và rất nhiều giáo viên khác vì sao vẫn không được đóng BHXH? Vì sao những vị trí việc làm mà chúng tôi đang làm trước đó vẫn thiếu nhưng vẫn cứ đưa vào chế độ thỉnh giảng để không phải đóng BHXH?”, cô T. bức xúc.

Còn cô N.T.T.V. (hiện đang công tác tại trường mẫu giáo Bình Quế, xã Bình Quế) đã dạy được hơn 8 năm nhưng cũng không có BHXH. Hiện mức lương của cô là 2,34, chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Các chế độ khác cô cũng không có. Cô cho biết, huyện Thăng Bình kí hợp đồng 3 tháng 1 lần nên không được hưởng chế độ bình thường như các giáo viên khác.

Cô cho biết, đã nhiều lần gửi kiến nghị đến Phòng Giáo dục, UBND huyện nhưng quyền lợi không được đảm bảo. Chuyện sinh nở, đau ốm của cô cũng chịu thiệt thòi khi không có BHYT, BHXH như các giá viên khác. “Nói chung cuộc sống rất khó khăn khi đồng lương ít lại không có BHXH, BHYT”, cô V. nói.

Rất nhiều giáo viên “hợp đồng” cho rằng với mức lương chỉ hơn 3 triệu đồng mỗi tháng và không có thu nhập khác thì tiền ăn sáng và đổ xăng đi dạy cũng không đủ nói gì đến chuyện chăm lo cho gia đình, hiếu hỉ… Hiện trên địa bàn huyện Thăng Bình có khoảng 400 giáo viên “hợp đồng”.

Nhiều giáo viên cho hay, khi đến Phòng Giáo dục và UBND huyện để hỏi về chuyện biên chế thì các cô được trả lời là không đủ điều kiện. Tuy không đủ điều kiện như cô V. nhưng cô đã được “kí hợp đồng đứng lớp” trong hơn 8 năm qua. Đây là điều mà rất nhiều giáo viên thắc mắc.

Trao đổi với PV Dân trí về những thắc mắc của giáo viên trên địa bàn, ông Phan Văn Tuyển - Trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện Thăng Bình cho biết, Phòng đã nhận đơn kiến nghị của giáo viên. Ông Tuyển cho biết, trong điều kiện chuẩn bị xét viên chức giáo dục và thiếu giáo viên nên các trường tự thỏa thuận với giáo viên hợp đồng một số tiết.

“Tỉnh đã chỉ đạo sắp tới sẽ xét tuyển giáo viên, xét xong rồi thi, thi xong sẽ chấm dứt giáo viên hợp đồng. Việc xét viên chức tỉnh đã chỉ đạo rồi”, thầy Tuyển cho biết.

Công Bính