Nỗi buồn của giáo viên tại ngôi trường vắng học sinh

(Dân trí) - Học kỳ 1 của năm học mới sắp kết thúc, nhưng tại các ngôi trường trên địa bàn xã Hương Bình (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn vắng bóng học sinh. Đó cũng là năm học buồn nhất của những thầy cô giáo đang công tác tại những ngôi trường này.

Đang học kỳ đầu của năm học, nhưng bước vào Trường mầm non và trường tiểu học tại xã Hương Bình (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) chẳng khác gì những ngôi trường đang trong thời gian nghỉ hè. Gần 70% học sinh (HS) tại đây đã không đến trường trong năm học này.

Nguyên nhân chính là việc phụ huynh đã không cho con em đến trường để phản đối việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình.

Trường Tiểu học Hương Bình.
Trường Tiểu học Hương Bình.

Từ năm học 2014-2015, 247 HS Trường THCS Hương Bình (xã Hương Bình, huyện Hương Khê) sáp nhập vào một trong hai trường THCS Hòa Hải và THCS Phúc Đồng (cũng thuộc huyện Hương Khê). Tuy nhiên, chủ trương này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân.

Cho rằng con em mình phải đi học tại địa điểm mới quá xa, nhiều phụ huynh đã không cho HS tới lớp. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây không chỉ dừng lại việc không cho HS cấp 2 đến trường, nhiều người dân trong xã cũng chặn luôn con đường đến trường của nhiều HS mầm non và tiểu học.

Các phòng học như đang trong thời gian nghỉ hè.
 
Các phòng học như đang trong thời gian nghỉ hè.
Nhiều phòng học như đang trong thời gian nghỉ hè.

Theo báo cáo mới nhất từ UBND xã Hương Bình cho biết: đến thời điểm hiện nay, ngoài số HS cấp 2 chưa đến trường thì chỉ mới có 30/253 HS tiểu học đến trường và 35/220 cháu mầm non tới trường.

Tại Trường tiểu học Hương Bình, đây là năm học buồn nhất đối với toàn thể giáo viên (GV) của trường từ trước đến nay. Toàn trường có 10 lớp học với 19 GV, trong đó 10 GV văn hóa. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay mỗi khối chỉ có 1 lớp học với số HS ít ỏi.
 
“Hiện nay, do số HS đi học quá ít nên chúng tôi gộp lại thành từng lớp với nhau. Như khối 1 có 12 em, khối 2 có 7 em; khối 4 có 7 em và khối 5 có 3 em. Riêng khối 3 không có HS đi học”, cô giáo Phan Thị Anh - hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Những lớp học với số học sinh ít ỏi.
Những lớp học với số học sinh ít ỏi.

Những cánh cửa lớp vẫn đóng im lìm kể từ khi tiếng trống khai giảng vang lên. “Chúng tôi phải phân công, cắt cử các thầy cô giáo trong từng giờ lên lớp. Một phần đảm bảo giờ lên lớp của thầy cô nhưng cũng để các thầy cô đỡ nhớ lớp”, cô Anh cho hay.

Hơn 5 năm về dạy tại trường, đây là lần đầu tiên cô giáo Trần Thị Nga phải đứng lớp với số HS ít ỏi như vậy. Năm học này, cô được phân công chủ nhiệm khối 5 với vẻn vẹn chỉ có 3 HS gồm 2 HS thuộc lớp 5B và 1 em thuộc lớp 5A.

Các thầy cô vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường dù chỉ 1 học sinh đi học.
Các thầy cô vẫn quyết tâm bám lớp, bám trường dù chỉ 1 học sinh đi học.

Đã gần 3 tháng, số HS này vẫn không hề thay đổi dù nhà trường và GV đã nhiều lần xuống tận nhà phụ huynh để động viên.

“Buồn chứ, vì mấy năm dạy học chưa bao giờ trải qua thời gian như thế này. Thời gian đầu, cứ mỗi lần dạy nhìn xuống lớp vắng teo chán lắm, nhưng giờ bọn mình cũng xác định tâm lý luôn cống hiện hết mình dù chỉ là 1 HS. Chỉ mong sao đây sẽ là năm học duy nhất có tình trạng này….”, cô giáo Nga cười buồn.

Lớp học đông nhất với... 12 học sinh.
Lớp học đông nhất với... 12 học sinh.

Không chỉ lớp cô Nga mà nhiều lớp học tại các khối học khác của trường cũng vậy. Điều đặc biệt và đáng quý của thầy cô giáo tại đây vẫn tự động viên nhau, cố gắng vượt qua khó khăn, miệt mài với công tác giảng dạy.

Năm học mới này, ngoài đứng trên trên bục giảng, các thầy cô tại đây cũng kiêm luôn làm "tuyên truyền viên"  cùng chính quyền địa phương, đến từng gia đình vận động HS, phụ huynh cho con em đi học. 

Các giáo viên chuẩn bị giấy mời họp phụ huynh và đưa đến tận tay cho phụ huynh.
Các giáo viên chuẩn bị giấy mời họp phụ huynh và đưa đến tận tay cho phụ huynh.

Dù số học sinh ít ỏi, nhưng thầy và trò vẫn hăng say học tập.
Dù số học sinh ít ỏi, nhưng thầy và trò vẫn hăng say học tập.

“Chúng tôi đã xác định dù có 1 HS, chúng tôi cũng dạy, nhưng điều chúng tôi thực sự lo lắng đó là việc nếu không đi học thì các em không thể tiếp thu và làm chậm mất của các em một năm học rất uổng phí. Bởi đến thời điểm hiện nay, nếu có vào học thì rất khó để sắp xếp thời gian dạy học bổ trợ kiến thức để các em đuổi kịp chương trình”, cô Anh lo lắng. Đó cũng là nỗi niềm của hàng chục GVđang giảng dạy tại đây.

Phượng Vũ