Kon Tum:

Niềm mong mỏi của cậu bé khiếm thị 9 tuổi tự học chơi đàn Organ

(Dân trí) - Không thấy ánh sáng nhưng cậu bé 9 tuổi Phan Khương Nghị (phường Thắng Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) rất đam mê âm nhạc và chơi thành thạo đàn Organ từ nhiều năm nay.

Căn phòng hẹp, chỉ cần kéo ra chiếc bàn nhựa nhỏ và hai chiếc ghế đã choán cả lối đi. Cậu bé dáng nhỏ có gương mặt thanh tú, nhanh nhẹn len qua mớ đồ đạc, đến bên chiếc đàn Ogan cũ kê ở sát tường. Em cắm dây điện, ngồi vào chiếc ghế thấp, bấm nút, lướt những ngón tay trên bàn phím... Tiếng Organ nhè nhẹ ngân lên.

Đầu tiên là giai điệu vui vui về Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, rồi liền mạch với những khúc nhạc trữ tình quen thuộc... Không biết trước, không thể hình dung tiếng đàn nhuần nhuyễn này được ngân lên từ một “nghệ sĩ nhí” khiếm thị.

“Cháu sinh ngày 23/2/2011. Mới 7 tháng đã ra đời nên yếu lắm, nuôi trong lồng kính mấy tháng mới được ra ngoài. Mừng vì con đã qua khỏi ngặt nghèo, nhưng lại buồn vì căn bệnh võng mạc thường gặp ở trẻ sinh non đã cướp đi đôi mắt, cũng không thể can thiệp gì...”, chị Vũ Thị Tố Lan, mẹ bé Phan Khương Nghị kể.

Niềm mong mỏi của cậu bé khiếm thị 9 tuổi tự học chơi đàn Organ - 1
Cậu bé khiếm thị Phan Khương Nghị tự học đàn Organ.

Sinh ra đã thiệt thòi, yếu ớt, song càng lớn, Khương Nghị càng tỏ ra là đứa trẻ tinh anh, ham tìm hiểu, học hỏi. Gia đình khó khăn, nhà thuê để ở cách trường 7 cây số, nhưng ba mẹ vẫn ráng cho em đến học ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Kon Tum. Lớp chuyên biệt của cậu bé do các cô giáo dạy chữ nổi Braille.

Trải qua thời gian khá dài làm quen với chữ nổi và nề nếp sinh hoạt của trẻ em khiếm thị, Khương Nghị đã được lên lớp, hiện học gần xong chương trình lớp 2.

Lớp chuyên biệt nhiều độ tuổi, nhiều trình độ, nhiều hoàn cảnh học sinh khác nhau nhưng gắn kết với nhau bằng tình anh em, bạn bè thân thiết và luôn được sự chỉ dạy, chăm sóc ân cần của các cô giáo. Nơi đây được cậu bé xem là mái ấm thứ hai của mình.

Dần dà, “tiếng thơm” về cậu bé có “con mắt” bằng “đôi tay”, đánh đàn Organ hay lắm cũng được các bác, các cô và bạn bè mồ côi, khuyết tật  biết đến.

Luôn khát khao được “nhìn” cuộc sống cho dù thiếu đi đôi mắt, Phan Khương Nghị đã may mắn được học chữ nổi Braille từ các cô ở Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Tuy vậy, việc bé làm quen với đàn Organ thì lại rất tự nhiên và bất ngờ.

Niềm mong mỏi của cậu bé khiếm thị 9 tuổi tự học chơi đàn Organ - 2

Cậu bé Phan Khương Nghị đã chơi đàn thuần thục từ nhiều năm nay.

Theo chị Lan - mẹ bé Nghị, ngày nhỏ, cậu bé lém lỉnh hay hát nghêu ngao, nhưng cha mẹ chưa để ý. Cho đến một lần, vào dịp đón Noel năm 2017, nhận được món quà động viên của cha mẹ là một chiếc đàn đồ chơi nhỏ, Nghị tỏ ra vô cùng thích thú.

Không chỉ say sưa nghe những khúc nhạc ngắn được cài sẵn trong đó, bé còn mày mò gõ lên phím đàn nhựa thành từng nốt nhạc cơ bản, sau đó, thành những giai điệu hẳn hoi.

Thấy Nghị đặc biệt yêu thích, ba mẹ đã cố công xin chiếc đàn cũ về cho con tập. Không người chỉ dạy, cách làm quen duy nhất của cậu bé với đàn chỉ đơn giản là nghe qua điện thoại di động, ghi nhớ, đánh thử từng nốt trên phím đàn, rồi dần dà kết nối chuỗi âm thanh thành giai điệu. Bằng cách này, từng bài nhạc hoàn chỉnh đã lần lượt ra đời.

Từ những ngày bỡ ngỡ ban đầu với từng ngón tay đau, đến nay, Khương Nghị đã “trình diễn” thành thạo hàng chục bản nhạc, đa dạng về thể loại. Gần gũi nhất là những giai điệu dành cho thiếu nhi.

Thuần thục nhất là các khúc nhạc phim trên tivi mà em được nhập tâm khi cùng “xem” với mẹ và được mẹ làm “phiên dịch” về bối cảnh, diện mạo nhân vật.

Yêu thích nhất là những khúc nhạc trữ tình, gửi gắm tình cảm với mẹ cha, bạn bè, mọi người. Tuy còn thô mộc, song tiếng đàn của cậu bé luôn tràn đầy cảm xúc nhẹ nhàng, chân chất được gửi gắm.

Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 năm nay, Khương Nghị rất vui vì được tham dự tại hội nghị biểu dương những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn năm 2020 của tỉnh Kon Tum.  

Niềm mong mỏi của cậu bé khiếm thị 9 tuổi tự học chơi đàn Organ - 3

Khương Nghị luôn khát khao được “nhìn” cuộc sống cho dù thiếu đôi mắt.

“Con mong sẽ thành một nghệ sĩ Organ suốt đời chơi đàn, có nghề nghiệp ổn định để ba mẹ không còn phải vất vả, lo lắng vì con, để con còn có thể đỡ đần ba mẹ lúc già…”, Khương Nghị nói một cách quả quyết khi được hỏi về ước muốn của mình. 

“Mối duyên” với những giai điệu Organ như sợi dây diệu kỳ gắn kết cậu bé khiếm thị với cuộc sống. Mặc dù đã tự mình làm quen với đàn, song càng yêu đàn, càng muốn được thể hiện chính bản thân qua tiếng đàn, cậu bé 9 tuổi Phan Khương Nghị càng khát khao được học hỏi, trau dồi thêm.

Kon Tum là tỉnh miền núi vùng sâu vùng xa. Nghị là trường hợp đặc biệt nên không thể trông cậy vào sự giúp đỡ của những người thầy về Organ ở đây dành cho bé.

Vì vậy, “bản thân cháu và vợ chồng tôi đều mong muốn được các thầy cô, các anh chị cùng cảnh ngộ cảm thông, rộng lòng đón nhận.

Mong sao, có một phép màu để cháu có thể vào học nhạc ở một mái ấm dành riêng cho trẻ khiếm thị ở thành phố Hồ Chí Minh, vì chính tương lai của cháu”, mẹ cậu bé Khương Nghị gửi gắm.

Nghĩa Hà