Những vụ giáo viên bị đuổi việc, thôi việc chấn động 2021

Hoài Nam

(Dân trí) - Nghỉ việc vì bất mãn với trưởng khoa, nghỉ việc vì "vấn nạn trong giáo dục" hay giáo viên bị sa thải có giá... hơn 1,2 tỷ đồng là những vụ việc gây chấn động trong ngành giáo dục năm 2021.

Thầy giáo xin nghỉ vì "vấn nạn dối trá" 

Đầu tháng 10/2021, đơn xin nghỉ việc của ông Lê Trần Ngọc Sơn, Trường Tiểu học An Lợi, huyện Long Thành, Đồng Nai xôn xao trên các mặt báo và khắp các diễn đàn trên mạng xã hội. 

Trong lá đơn, ông Sơn đưa ra lý do: "Công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp". 

Những vụ giáo viên bị đuổi việc, thôi việc chấn động 2021 - 1

Lá đơn xin nghỉ việc vì "vấn nạn dối trá" sốt nhất năm 2021 (Ảnh: CTV)

Đặc biệt, trong lá đơn cũng có bút phê có ký tên, đóng dấu của hiệu trưởng nhà trường chấp nhận cho ông Sơn nghỉ việc. 

Phòng GD-ĐT huyện Long Thành xác định thủ tục giải quyết đơn thôi việc của Trường tiểu học An Lợi đối với thầy Sơn là sai quy trình. 

Các cơ quan quản lý tại huyện Long Thành đã tổ chức các cuộc họp để giải quyết vụ việc. Phòng GD-ĐT mời hai bên lên làm việc, đề nghị ông Lê Trần Ngọc Sơn tiếp tục ở lại làm việc tại trường. Nếu ông Sơn vẫn quyết định xin thôi việc, quy trình xin nghỉ việc sẽ phải thực hiện lại. 

Ông Lê Trần Ngọc Sơn cho biết sẽ rút đơn và tiếp tục ở lại trường giảng dạy nếu các cấp có thẩm quyền giải quyết triệt để những sai phạm của Ban giám hiệu trường, đồng thời hiệu trưởng và hiệu phó cũ của trường mà ông từng nhiều lần tố cáo trước đó. Đồng thời, ông yêu cầu phải được xin lỗi công khai. 

Những vụ giáo viên bị đuổi việc, thôi việc chấn động 2021 - 2

Ông Lê Trần Ngọc Sơn (Ảnh: CTV).

Đến ngày 1/1/2022, Trường Tiểu học An Lợi ra quyết định giải quyết cho ông Lê Trần Ngọc Sơn nghỉ việc từ ngày 1/1/2022. Lý do thôi việc là nghỉ theo nguyện vọng. 

Lùm xùm 12 giảng viên đồng loạt nghỉ việc 

Vào đầu năm 2021, 12 giảng viên tại khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM đồng loạt nghỉ việc vì không tín nhiệm trưởng khoa. 

Những giảng viên này cũng gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ. Họ cho rằng trưởng khoa - TS Nguyễn Thị Phương Mai - được bổ nhiệm "thần tốc", xử lý công việc chuyên quyền, thiếu dân chủ, không đúng nguyên tắc, quy định, không lắng nghe ý kiến đóng góp mang tính xây dựng của giảng viên, không xem trọng công tác đảm bảo chất lượng của khoa, tuyển dụng giảng viên không đúng quy trình, thiếu tôn trọng giảng viên trong khoa…  

Những vụ giáo viên bị đuổi việc, thôi việc chấn động 2021 - 3

Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM, nơi xảy ra sự việc 11 giảng viên đồng loạt nghỉ việc vì bức xúc trưởng khoa (Ảnh: CTV).

Ngoài ra, trưởng khoa đưa ra nhiều quy định bình chọn, đánh giá giảng viên cứng nhắc như đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. 

Họ cũng không đồng tình với kết luận của nhà trường về kết quả xác minh các kiến nghị phản ánh liên quan đến TS Nguyễn Thị Phương Mai. 

Theo báo cáo của Trường ĐH KHXH&NV TPHCM gửi cho Thanh tra chính phủ, ĐH Quốc gia TPHCM và tất cả 12 giảng viên này đã chỉ ra có đến 11 vấn đề kiến nghị của các giảng viên này phản ánh không đúng.  

Căn cứ vào kết quả xác minh, Trường ĐH KHXH&NV đã ban hành văn bản phê bình Trưởng khoa vì có những hạn chế trong công tác quản lý, đề nghị rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục.  Đồng thời, phê bình 11 giảng viên (1 người rút đơn) vì thiếu sự tôn trọng tổ chức, làm ảnh hưởng uy tín của nhà trường, có những chi tiết phản ánh sai sự thật khách quan. 

11 giảng viên này cũng được nhà trường giải quyết chấm dứt hợp đồng lao động cho các giảng viên này theo nguyện vọng tự ý đơn phương nghỉ việc.  

Liên quan đến sự việc, giám  đốc ĐH Quốc gia TPHCM đã lập tổ công tác xác minh. Theo thông báo kết luận của ĐH Quốc gia TPHCM, chưa đủ cơ sở kết luận về  những phản ánh, kiến nghị về TS Nguyễn Thị Phương Mai. Tuy nhiên, cũng yêu cầu người này rút kinh nghiệm trong quản lý và điều hành. 

Cô giáo dạy Văn "uống thuốc tự vẫn" bị đuổi việc 

Ngày 2/12, tại Trường THCS Hoàng Quốc Việt, quận 7, TPHCM xảy ra sự việc cô giáo dạy Văn V.T.N.H uống thuốc tự vẫn ngay trước mặt hiệu trưởng sau cuộc họp kỷ luật mình. 

Được biết đây là cuộc họp nhà trường kỷ luật cảnh cáo cô H. vì những sai phạm. Việc tổ chức cuộc họp để yêu cầu cô tự nhận hình thức kỷ luật theo quy định, trước mặt lãnh đạo nhà trường và toàn thể viên chức nhà trường. 

Những vụ giáo viên bị đuổi việc, thôi việc chấn động 2021 - 4

Cô V.T.N.H, người nhiều lần tố cáo sai phạm của nhà trường, từng uất ức uống thuốc tự vẫn trước mặt hiệu trưởng bị kỷ luật đuổi việc (Ảnh: CTV).

Tuy nhiên, cô H. cho rằng mình không nhận được thông báo hay giấy mời về cuộc họp. Khi biết tin có cuộc họp này, cô lập tức đến trường tham dự.

Tại đây, cô đề nghị hiệu trưởng cung cấp các văn bản có đóng dấu mộc đỏ, giấy tờ của các cơ quan chức năng để chứng minh có các vi phạm dẫn đến phải ra quyết định kỷ luật. Nhưng yêu cầu này không được đáp ứng. 

Quá uất ức với quyết định kỷ luật, sau khi cuộc họp vừa kết thúc, cô H. đã uống thuốc tự tử ngay trước mặt hiệu trưởng và nhiều đồng nghiệp.  Ngay lập tức, cô H. được đưa vào bệnh viện quận 7 cấp cứu và được xuất hiện sau đó vài giờ đồng hồ. 

Sau cuộc họp hội đồng kỷ luật ngày 27/12 của trường này, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt, ông Trương Hương Hảo đã ký quyết định buộc thôi việc cô H. từ ngày 31/12/2021.

Lý do kỷ luật buộc thôi việc được nêu ra trong quyết định: Cô V.T.N.H trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật cảnh cáo với hành vi không thực hiện nhiệm vụ Hiệu trưởng phân công, tiếp tục vi phạm vắng mặt không phép liên tục từ ngày 1/11/2021 đến ngày 27/12/2021.

Hành vi này theo nhà trường vi phạm khoản 1, Điều 19 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ: "Áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với viên chức: Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm".

Ngoài ra, cô V.T.N.H  còn có hành vi xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp. Hành vi này đã vi phạm Điều 17 Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ.

Sau khi nhận quyết định này, cô N.H đang làm đơn kiện nhà trường ra tòa về sai phạm trong xử lý kỷ luật lao động.  Trước đó, cô cũng hai lần gửi đơn ra tòa kiện Trường THCS Hoàng Quốc Việt. Thứ nhất là về vấn đề liên quan đến lương, danh dự và thứ hai là liên quan đến quyết định hành chính của nhà trường. 

Cô V.T.N.H là người đã nhiều lần gửi đơn tố cáo nhiều nội dung sai phạm liên quan đến nguyên hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt, Ban giám hiệu nhà trường, viên chức, nhân viên tại trường được xác nhận là nhiều nội dung tố cáo có cơ sở. 

Cô H. cũng gửi đơn tố cáo ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7  về việc không thụ lý giải quyết tố cáo của công dân tố cáo về những sai phạm của Ban giám hiệu nhà trường. 

Về sự việc, UBND TPHCM yêu cầu UBND quận 7 kiểm tra, rà soát việc thực hiện thông báo về kết quả giải quyết tố cáo để đảm bảo kết luận tố cáo được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đồng thời, giao Chủ tịch UBND quận 7 phải báo cáo kết quả thực hiện cho UBND thành phố và Thanh tra thành phố trong tháng 1/2022.

5 giáo viên bị đuổi việc thắng kiện hơn 1,2 tỷ đồng 

Mới đây, TAND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) mở phiên sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng lao động (HĐLĐ) giữa nguyên đơn là 5 giáo viên của Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (xã Krông Búk, huyện Krông Pắk) và bị đơn là trường này. 

Theo nội dung vụ án, 5 giáo viên này được UBND huyện ký hợp đồng lao động, dạy học tại trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai với mức lương khởi điểm có hệ số 2,34. Kinh phí được chi trả do nhà trường tự cân đối từ nguồn ngân sách nhà nước giao trong chỉ tiêu biên chế. 

Những vụ giáo viên bị đuổi việc, thôi việc chấn động 2021 - 5

Các giáo viên Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Krông Pắk (Đắk Lắk) bị chấm dứt Hợp đồng lao động trái quy định thắng kiện sau nhiều năm liền đi đòi quyền lợi (Ảnh: Uy Nguyễn).

Tuy nhiên đầu tháng 7/2021, lãnh đạo trường yêu cầu 22 giáo viên dạy hợp đồng ký lại hợp đồng thời vụ (từ tháng 2 đến tháng 7/2017) mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Trừ các loại bảo hiểm, mỗi người chỉ còn nhận được khoảng 1 triệu đồng.

Nguyên nhân giảm sút lương được trường đưa ra là do dôi dư số lượng giáo viên và không đủ tiền chi trả cho giáo viên hợp đồng.

Trước yêu cầu ký lại hợp đồng và trả tiền không đúng theo quyết định của UBND huyện, 5 giáo viên đã không ký. Sau đó, trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai đã dừng phân công công tác, dừng chi trả lương và các loại bảo hiểm đối với 5 giáo viên trên kể từ ngày 1/2/2017 đến nay.

Tại tòa, Hội đồng xét xử TAND huyện Krông Pắk ra phán quyết Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cho 5 giáo viên trên nghỉ việc là trái với quy định pháp luật.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX yêu cầu trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk liên đới bồi thường cho các thầy cô giáo tổng cộng hơn 1,2 tỷ đồng.