Những trăn trở từ một buổi lễ trao học bổng
(Dân trí) - Các em học sinh giành huy chương tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế 2014 hiện đang chuẩn bị cho việc đi du học sắp tới. Tại một buổi lễ trao học bổng cho các em, đã có những câu chuyện được chia sẻ chân thành, thẳng thắn về chuyện “chảy máu chất xám”.
Niềm vui cho 3 em học sinh giành huy chương Olympic Toán quốc tế 2014
Tháng 7/2014, Việt Nam tự hào có 6 học sinh đoạt huy chương trong cuộc thi Olympic Toán quốc tế tại Nam Phi. Chia sẻ với báo chí lúc đó, các em bày tỏ mong muốn được du học ở Mỹ.
Để giúp các em có được “bàn đạp” tới gần hơn với các trường đại học hàng đầu nước Mỹ, Học viện IvyPrep đã trao tặng những suất học bổng trị giá hơn 100 triệu đồng để các em theo học hai năm tại Học viện, từng bước chuẩn bị cho quá trình xin học bổng tại các trường đại học hàng đầu của Mỹ.
Trong số 6 em giành được huy chương tại kỳ thi Olympic Toán Quốc tế, 3 em ở miền Nam đã tự nộp hồ sơ tới các trường đại học mà mình mong ước.
Đối với 3 em ở miền Bắc - gồm Trần Hồng Quân, Nguyễn Thế Hoàn và Nguyễn Huy Tùng, các em sẽ nhận sự hỗ trợ từ Học viện IvyPrep để việc xin học bổng đạt kết quả tốt nhất.
Ngày 25/11, Học viện IvyPrep đã trao học bổng cho 3 em đạt huy chương Olympic Toán quốc tế 2014, gồm Trần Hồng Quân (HC Vàng), Nguyễn Thế Hoàn (HC Vàng), Nguyễn Huy Tùng (HC Đồng).
3 em học sinh giành huy chương tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế nhận học bổng từ IvyPrep ngày 25/11/2014.
Phát biểu sau khi nhận học bổng, em Huy Tùng đã thay mặt các bạn chia sẻ: “Chúng em rất vui khi được nhận học bổng từ IvyPrep. Chúng em xin cảm ơn thầy cô dạy chúng em ở Học viên và đặc biệt cảm ơn các thầy cô đã dạy chúng em môn Toán trong suốt những năm tháng qua, để chúng em đạt được thành tích trong học tập. Tiếp theo đây, chúng em sẽ gắng học tập ở IvyPrep để có những kết quả tốt cho việc du học trong tương lai”.
Cũng tại lễ trao học bổng, trả lời câu hỏi của PV Dân trí, rằng sau khi hoàn tất việc học tập ở nước ngoài, liệu các em có trở về nước sinh sống và làm việc, 3 em đã có những chia sẻ rất chân thành.
Em Thế Hoàn cho biết: “Nếu yêu quê hương đất nước, thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ ở nơi đâu, người ta vẫn có thể làm được điều gì đó cho quê hương mình. Như Giáo sư Ngô Bảo Châu, ông đã có thời gian học tập và làm việc rất dài ở nước ngoài, nhưng vẫn có nhiều cống hiến cho đất nước, cả trong hoạt động chuyên môn lẫn hoạt động từ thiện”.
Em Hồng Quân: “Theo em, khi ra nước ngoài, ai cũng muốn về lại quê hương, vì quê hương có gia đình, có bạn bè, có tất cả… Điều kiện học tập - nghiên cứu ở Việt Nam hiện tại chưa lý tưởng như ở nước ngoài, nhưng em thật sự muốn về. Em hy vọng nếu việc du học thuận lợi, khi em học xong, Việt Nam mình cũng sẽ có đủ những điều kiện cần thiết, để chúng em có thể về mà không cần phải đắn đo, suy nghĩ”.
Em Huy Tùng: “Trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, quả thực chưa có nhiều điều kiện lý tưởng cho các nhà khoa học làm công tác nghiên cứu, em nghĩ dù học tập và làm việc ở nước ngoài cũng vẫn có những cách cống hiến, đóng góp trở lại cho quê hương, giống như cách Giáo sư Ngô Bảo Châu đang làm hiện tại”.
Những trăn trở để lại sau lễ trao học bổng…
Thầy Nguyễn Khắc Minh (ngoài cùng bên trái) - người đã đưa các em đi thi Olympic Toán quốc tế.
Sau câu trả lời của các học trò, thầy Nguyễn Khắc Minh - cán bộ Phòng Khảo thí, người đã đưa các em đi thi Olympic Toán quốc tế - đã chia sẻ rất sâu sắc và thẳng thắn trước câu hỏi PV đặt ra:
“Cá nhân tôi học hết phổ thông, cũng ra nước ngoài học, học xong, tôi hừng hực khí thế về nước phục vụ. Tất cả chúng tôi ngày đó đều hào hứng trở về, nghĩ rằng mình sẽ làm được nhiều lắm cho đất nước, không ai nghĩ mình làm được ít như thế này… Không cứ ở Olympic Toán quốc tế, mà các môn khác cũng vậy, vấn đề các bạn có quay trở lại đất nước làm việc hay không, tôi khẳng định không phải tất cả đều ở lại nước ngoài, có người ở, có người về, vấn đề ai về, ai ở, phụ thuộc vào ngành nghề mà các bạn đã chọn học”.
Thầy Minh cho rằng nếu ngành nghề các bạn học có thể phát triển khi về nước, có thể đóng góp cho quê hương, các bạn sẽ về. Nhưng nếu về nước mà ngành nghề đó không phát triển tốt như ở nước ngoài, các bạn sẽ ở nước ngoài và đóng góp cho đất nước theo kiểu hàm thụ, đó là “yêu nước hàm thụ”.
Theo thầy Minh, xu thế này không phải chỉ có ở Việt Nam, mà ở nhiều nước khác, đó cũng là xu thế rất đỗi bình thường mà chúng ta không nên “làm nặng nề”, “nếu muốn tất cả các bạn về, đóng góp tại đất nước, chứ không phải đóng góp từ xa, chính chúng ta là những người phải nghĩ, đừng nên hỏi các em học sinh”.
Thầy Minh đã chia sẻ hai câu chuyện mà thầy ấn tượng nhất về hai cậu học sinh từng giành huy chương Vàng và Bạc tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế hồi đầu thập niên 1990.
Câu chuyện thứ nhất về cậu học sinh giành huy chương Vàng, sau đó học chuyên ngành CNTT ở Úc, học xong, cậu về làm mảng Internet tại một cơ quan Nhà nước. Khi mới về, cậu đã rất hồ hởi, nhưng một năm sau, cậu đến chào thầy để… ra đi, “vì em chẳng thể làm được gì”…
Ở câu chuyện này, thầy Minh tự hỏi có phải do cơ chế, do quan niệm, hay do cách tiếp cận mà chúng ta chưa kịp cập nhật so với thế giới, đã khiến các bạn trở về với những tư tưởng tiên tiến, hiện đại nhất, lại đành thất vọng ra đi.
Câu chuyện thứ hai về một học trò giành huy chương Bạc, sau khi du học đã trở về nước mở công ty phần mềm, sau vài năm thì phá sản, nhưng khác những bạn khác, sau khi thất bại, cậu không vội trở ra nước ngoài, mà đã ngồi lại suy nghĩ vì sao mình thất bại. Với tư cách người học toán, cậu muốn suy nghĩ thật minh triết để xem mình đã thiếu cái gì mà dẫn đến thất bại.
Nhìn lại bài toán từ đầu, cậu thấy rằng mình sống trong môi trường Việt, tương tác với người Việt, nhưng thử hỏi đã hiểu về người Việt và văn hóa Việt được bao nhiêu, phải chăng đó chính là điều cậu thiếu để có thể thành công ở quê nhà.
Sau đó, cậu quyết định dành thời gian tìm hiểu sâu kỹ về văn hóa Việt và hiểu rằng văn hóa Việt tồn tại vô thức trong mỗi chúng ta, chi phối tất cả các hoạt động xã hội. Văn hóa cũng có những quy luật tác động lên hoạt động điều hành, kinh doanh.
Cậu lập công ty mới và hiện tại đang thành công trong lĩnh vực quản trị kinh doanh. Khi gặp lại thầy giáo, cậu nói rằng tất cả những gì cậu đã làm chỉ là quay trở lại với văn hóa truyền thống và diễn giải lại bằng ngôn ngữ hiện đại để ứng dụng vào công việc.
Ở ví dụ thứ hai này, thầy Minh muốn chia sẻ rộng hơn về hoạt động giáo dục của chúng ta hiện tại, rằng trước khi “vác cái nọ, cái kia, ở nước này, nước khác về”, phải chăng, trước hết, chúng ta cần hiểu… mình là ai?!
Bích Ngọc