Những sự kiện nóng giáo dục tuần qua

(Dân trí) - Tuần qua, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Xuân Giao (Lào Cai) bị cách chức do nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm trong vụ dọa dốc trẻ vào máy vặt lông gà. Về vụ bé 4 tuổi bị “để quên” trong nhà vệ sinh đến đêm, theo cơ quan công an, không có căn cứ kết luận hai cô giáo đã nhốt cháu trong nhà vệ sinh.

TPHCM: 20.000 học sinh sẽ rớt lớp 10 công lập

Năm nay TPHCM có khoảng 81.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập 2017-2018, tăng thêm khoảng 13.000 em so với năm vừa rồi. Sẽ có khoảng 20.000 học sinh không thể vào học tại các trường THPT công lập.

Số lượng học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập năm nay từ các quận huyện báo về Sở GD-ĐT TPHCM là 81.000 thí sinh, số lượng năm 2016 là 68.000 thí sinh. Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó GĐ Sở, số lượng thí sinh tăng là do tăng dân số cơ học ở TPHCM, ngoài ra còn do quan niệm của nhiều gia đình chọn vào năm tốt sinh con nên có một số năm số lượng học sinh sẽ rất cao.

Tuy số lượng thí sinh dự thi tăng mạnh nhưng TPHCM có thêm trường THPT nào mới, chỉ tiêu vào lớp 10 chỉ khoảng 76-77%, số học sinh còn lại phân luồng và các hệ khác TTGDTX, dân lập tư thục, Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp... Như vậy sẽ có khoảng 20.000 học sinh không thể vào học tại các trường THPT công lập.


TPHCM sẽ có khoảng 20.000 học sinh không thể vào học tại các trường THPT công lập.

TPHCM sẽ có khoảng 20.000 học sinh không thể vào học tại các trường THPT công lập.

Thí sinh không được xét tốt nghiệp nếu bỏ không thi bài thi tổ hợp đã đăng ký dự thi

Đó là lưu ý của ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo trước thắc mắc của một số thí sinh trong quá trình đăng ký dự thi THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.

Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định: để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn 1 trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội; Thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp; điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Theo Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Trần Văn Nghĩa, việc cho phép thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp chính là khuyến khích các em học toàn diện hơn, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Khi thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp các hội đồng thi phải chuẩn bị đầy đủ đề thi, phòng thi, cán bộ coi thi.

Ông Nghĩa khẳng định, thí sinh đã đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó; nếu không dự thi sẽ được coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp và vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.

Cách chức Hiệu trưởng dọa dốc trẻ mầm non vào máy vặt lông gà

Trao đổi với PV Dân trí chiều 5/4, ông Phùng Minh Thái, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết, với sai phạm trong vụ dọa dốc trẻ mầm non vào máy vặt lông gà, cô Hiệu trưởng Trường mầm non xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) bị giáng một chức. Tuy nhiên, khi thanh tra có thêm nhiều sai phạm nên Thường trực huyện ủy quyết định cách chức cô này.

Liên quan đến vụ việc cháu Nguyễn Gia Huy, học sinh lớp mẫu giáo 4 tuổi A3, Trường Mầm non xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, Lào Cai bị giáo viên và cô Hiệu trưởng dọa dốc đầu vào máy vặt lông gà, Thường trực huyện ủy Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai vừa họp, kết luận về vụ việc.

Theo ông Thái, ngày 29/3, Thường trực huyện ủy Bảo Thắng đã họp và xác định có chuyện cô giáo cùng Hiệu trưởng Trường mầm non xã Xuân Giao dọa dốc đầu cháu Huy vào máy vặt lông gà.

Với sai phạm của sự việc này, cô Hiệu trưởng Vũ Thị Hằng chỉ bị giáng một chức. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, đã phát hiện ra một số sai phạm khác liên quan đến thu chi tài chính. Do đó, cô Hằng bị cách chức và điều động sang giảng dạy tại trường khác.

Hai cô giáo còn lại có liên quan đến sự việc là cô Vũ Thị Thu Hiền, Lê Thị Phượng bị kỷ luật cảnh cáo và điều động chuyển sang trường khác, tạm thời làm nhân viên trường học không trực tiếp giảng dạy.

Cháu bé bị cô giáo dọa thả vào máy vặt lông gà (ảnh từ clip)
Cháu bé bị cô giáo dọa thả vào máy vặt lông gà (ảnh từ clip)

Công an kết luận vụ cô giáo để quên trẻ trong nhà vệ sinh đến đêm

UBND huyện Mỹ Đức vừa có báo cáo gửi đến UBND thành phố Hà Nội và Sở GD&ĐT Hà Nội kết luận vụ việc cô giáo Trường mầm non Hương sơn, xã Hương Sơn bỏ quên trẻ đến tối muộn trong nhà vệ sinh.

Tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, đơn vị này đã nhận được báo cáo từ UBND huyện Mỹ Đức, Hà Nội về vụ việc cô giáo Trường mầm non Hương Sơn bị phụ huynh tố để quên học sinh trong nhà vệ sinh đến tối muộn.

Theo báo cáo này, thời gian qua, huyện Mỹ Đức, công an huyện, Phòng GD&ĐT huyện và Trường mầm non Hương Sơn điều tra làm rõ sự việc xảy ra tại trường mầm non này ngày 21/3, sau khi phụ huynh cháu Mai Thị Yến, 4 tuổi cho rằng con của mình bị cô giáo nhốt trong nhà vệ sinh và bỏ quên ở trường đến tối muộn.

Cơ quan công an kết luận, không có căn cứ kết luận hai cô giáo phụ trách lớp là Vương Thị Hương và Vương Thị Loan nhốt cháu Yến trong nhà vệ sinh vì nhà vệ sinh ở trong lớp học, cửa nhà vệ sinh là cửa nhựa, không có cửa khoá. Tuy nhiên, đại diện cơ quan công an cho hay, có thực tế là các cô đã bỏ quên cháu Yến ở lớp học và ra về.

Về hình thức kỉ luật với hai cô giáo này, UBND huyện Mỹ Đức cho biết, đã giao cho Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND huyện hình thức kỉ luật hai cô giáo Vương Thị Hương và Vương Thị Loan cùng những người liên quan về các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Bản tường trình của cô giáo sau khi sự việc xảy ra.
Bản tường trình của cô giáo sau khi sự việc xảy ra.

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, ông Đặng Văn Viện, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức cho hay, Phòng Nội vụ đang tham mưu hướng dẫn các bước tiến hành xử lý kỷ luật theo đúng quy định. Hai cô giáo trên đang được nhà trường bố trí tạm thời làm công việc khác.

Về phía nhà trường, ông Viện cho hay, ngoài hai cô giáo, Hiệu trưởng cũng phải chịu trách nhiệm về mặt quản lý chung bởi mặc dù là người đứng đầu nhưng để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Nguyên Phó Hiệu trưởng Nam Trung Yên làm công tác thư viện

Theo Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Hương - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên đã đi làm trở lại sau vụ việc cháu Trần Chí Kiên gãy chân. Cô Hương làm công tác thư viện, không được bố trí giảng dạy trong 1 năm.

Trao đổi qua điện thoại với PV Dân trí vào chiều 7/4, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, cô Nguyễn Thị Hương đã đi làm trở lại tại Trường tiểu học Nam Trung Yên từ đầu tuần. Tuy nhiên, không xếp cô Hương đứng lớp mà chỉ làm giáo viên dự trữ bên ngoài do đang trong thời hạn kỉ luật.

“Theo quy định, thời hạn kỉ luật này sẽ kéo dài trong vòng khoảng 1 năm. Trong thời gian đó, có việc gì cô Hương sẽ giúp, chẳng hạn như công tác thư viện hoặc có thể phụ giúp thực hiện các chuyên đề về đồ dùng dạy học”, ông Ngọc Anh cho biết.

Được biết, sau khi UBND quận Cầu Giấy ra quyết định kỷ luật hiệu trưởng và hiệu phó Trường tiểu học Nam Trung Yên do những sai phạm nghiêm trọng mắc phải, bà Nguyễn Thanh Tịnh – Phó Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy được bố trí phụ trách về kiêm nhiệm quản lý chung nhà trường. Phòng yêu cầu BGH thực hiện tốt công tác giữ ổn định tư tưởng, tâm lý cho cả thầy và trò để không làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy, học tập.

Cháu Kiên những ngày điều trị tại bệnh viện cùng với phiếu khảo sát của nhà trường về sự việc (ảnh: Mỹ Hà)
Cháu Kiên những ngày điều trị tại bệnh viện cùng với phiếu khảo sát của nhà trường về sự việc (ảnh: Mỹ Hà)

Chia sẻ với PV Dân trí chiều 7/4 về tình hình sức khỏe cháu Trần Chí Kiên, nạn nhân bị gãy chân do ô tô đâm phải trong sân trường, anh Trần Chí Dũng - bố cháu Kiên cho hay, tình hình sức khỏe cháu bé đã ổn định trở lại.

Nguyên Chi

(Tổng hợp)