Những sinh viên xứ sở Triệu voi trên đất Thanh
(Dân trí) - Nói ngoại ngữ - tiếng Việt khá trôi chảy, hòa nhập tốt với những sinh viên Việt Nam và xem Việt Nam như là quê hương thứ hai là cảm nhận chung về những lưu học sinh xứ sở Triệu voi trên đất xứ Thanh.
Từ năm 1997, trường ĐH Hồng Đức chính thức đón lưu học sinh Lào. Trước đó, những năm 1993 - 1994, khi còn là trường Cao đẳng, đã có lưu học sinh Lào theo học các ngành Toán - Lý, kinh tế, kỹ thuật, tiếng Anh… chủ yếu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. 20 năm qua, đã có hàng trăm lưu học sinh Lào tốt nghiệp ra trường trở về địa phương để cống hiến. Hiện có gần 60 sinh viên (SV) đang theo học tại Trường ĐH Hồng Đức. Trong tương lai gần, giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn còn hợp tác xây dựng Trung tâm đào tạo Tiếng Việt tại thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn.
Bước đầu khi sang Việt Nam, khó khăn chung lớn nhất đối với các lưu học sinh Lào là khả năng nói, đọc tiếng Việt, trước khi hòa nhập các em chỉ có một năm học ngoại ngữ - tiếng Việt nên khi đi vào học chuyên ngành gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với niềm đam mê học hỏi, chỉ sau thời gian được tiếp xúc, học hỏi, hầu hết các bạn đều tích lũy cho mình vốn kiến thức ngoại ngữ - tiếng Việt khá tốt.
Gặp chúng tôi tại văn phòng Phòng Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Hồng Đức, cô bạn Pin Khăm - SV năm cuối Khoa kinh tế - quản trị Kinh doanh K12 với khả năng nói tiếng Việt khá trôi chảy cùng với dáng vẻ xinh xắn, nụ cười hiền dịu rất ấn tượng. Sinh ra và lớn lên ở thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào, Pin Khăm chọn Việt Nam là đất nước để học tập, bố cô vốn cũng là một lưu học sinh từng theo học tại Thanh Hóa.
Vốn tiếng Việt khá sành, ngoại hình chẳng khác nào một cô gái Việt, nên đi ra đường không ai biết Pin Khăm là một cô gái đến từ xứ sở Triệu voi. Tính cách cởi mở, cô bạn chào tôi bằng tiếng Việt khá điêu luyện. Trong cuộc trò chuyện, đôi khi Pin Khăm còn khiến mọi người ngạc nhiên khi cô nói tiếng Việt bằng giọng Thanh Hóa đặc sệt chẳng khác nào một người dân địa phương.
Pin Khăm chia sẻ: “Em đến Việt Nam từ năm 2007, mới đấy mà em đã ở đây được 5 năm rồi đấy. Trước khi sang Việt Nam em đã tìm hiểu về đất nước Việt Nam, em thấy Việt Nam rộng rãi, nhiều phong cảnh đẹp. Em yêu đất nước, con người Việt Nam. Ước mong sau khi trở về nước, em muốn trở thành một công chức hay làm kinh doanh cửa hàng”.
Sau những năm gắn bó với mảnh đất xứ Thanh, với cuộc sống và con người, giờ đây, Pin Khăm và những người bạn đã dần hiểu và quen với văn hóa, sinh hoạt nơi đây. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn SV Việt Nam và các thầy cô, các lưu học sinh Lào đã tích lũy cho mình vốn hiểu biết về văn hóa, tình cảm người dân xứ Thanh nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Những ngày đầu khi mới đến Việt Nam, không chỉ khó khăn về vốn ngôn ngữ mà cả trong sinh hoạt ăn uống cũng khiến nhiều lưu học sinh Lào khá vất vả “Ở bên Lào, hàng ngày ăn cơm nếp, sang Việt Nam toàn ăn cơm tẻ, nên lúc đầu bọn em cũng không quen lắm. Thầy cô giáo và các bạn SV Việt Nam ở đây rất tốt, rất ưu tiên các bạn Lào. Sang Việt Nam, em còn được thưởng thức món hải sản. Người Việt Nam rất hiền và mến khách”, Pin Khăm chia sẻ.
Cũng như Pin Khăm, Xu Pha Con - Phó trưởng đoàn lưu học sinh Lào tại Thanh Hóa, được học tập và sinh sống tại Việt Nam là một niềm vinh dự lớn. Ấn tượng lớn nhất với Pha Con những ngày học tập tại Thanh Hóa là được tham gia nhiều hoạt động mà các bạn, thầy cô tổ chức cho các SV Lào. Với Xu Pha Con, môi trường giáo dục ở Việt Nam rất tốt, có đầy đủ các phương tiện, máy móc để các bạn học tập. Bên cạnh đó, ấn tượng lớn nhất của các bạn là được thầy cô và các bạn SV Việt Nam giúp đỡ nhiệt tình.
Pha Con chia sẻ: “Bọn em đi học ở đây không phải đóng học phí, mỗi tháng lại được hỗ trợ gần 1,9 triệu đồng tiền sinh hoạt phí nên cũng đỡ vất vả hơn. Hàng ngày, bọn em đi ăn cơm bụi ở căng tin và những ngày nghỉ được các bạn Việt Nam dẫn đi chơi một số điểm du lịch rất đẹp”.
Ước mơ sau này của Pha Con là thành lập một công ty máy tính, Pha Con tâm sự: “Ở bên nước em máy tính và mạng internet chưa phát triển bằng ở Việt Nam nên sau này học về, em muốn mở một công ty máy tính để phục vụ người dân”.
Khác với Pin Khăm, Pha con và nhiều lưu học sinh Lào khác sang học tập tại Thanh Hóa đều được miễn học phí và hỗ trợ kinh phí học tập, bạn Phin Na Loan đã chọn Việt Nam để du học nhưng theo diện tự túc. Mỗi tháng, tiền học và sinh hoạt của Phin Na Loan cũng hết khoảng 2,5 triệu đồng. Tuy còn khó khăn hơn nhiều so với các lưu học sinh khác, nhưng được sự giúp đỡ của bạn bè, thầy cô, Na Loan đã vượt qua những năm tháng khó khăn.
Ký túc xá dành cho lưu học sinh Lào là một khu nhà 4 tầng khang trang, sạch sẽ, tiện nghi. Mỗi phòng có bốn SV ở, điều kiện sinh hoạt của các bạn rất thoải mái. Hiện có gần 60 lưu học sinh Lào đang theo học tại Trường ĐH Hồng Đức, hầu hết các bạn đều đến từ tỉnh Hủa Phăn.
Thầy Phạm Văn Chủ - Phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Hồng Đức cho biết: “Trong quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh Hủa Phăn và Thanh Hóa thì vấn đề hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề quan tâm chiến lược. Nhà trường luôn tạo điều kiện để hỗ trợ các lưu học sinh Lào trong quá trình học tập cũng như sinh hoạt. Các lưu học sinh Lào rất chăm ngoan, chịu khó học hỏi. Khó khăn lớn nhất với các bạn là khả năng tiếng Việt. Các phong trào và các hoạt động văn hóa, giao lưu được các bạn hưởng ứng rất nhiệt tình”.
Duy Tuyên - Nguyễn Thùy