Những sinh viên Tây lần đầu đón Tết truyền thống Việt Nam

Mỹ Hà

(Dân trí) - Họ là những sinh viên đến từ Mỹ, Đức, Pháp, rất háo hức vì lần đầu tiên trải nghiệm đón Tết truyền thống của người Việt.

Louis Wald, đến từ Đức: "Lần đầu tiên gói bánh chưng thật lạ lùng, thú vị"

3 tuần trước, sau khi đón năm mới ở Đức, Louis Wald đặt chân đến Việt Nam. Nam sinh háo hức khi biết mình được đón năm mới 2025 lần nữa.

Những ngày mới đến Việt Nam, thấy phố phường rộn ràng, đông đúc, người người, nhà nhà lỉnh kỉnh đồ đạc, chậu hoa, cây cảnh để đón Tết, em vô cùng thích thú.

Lần đầu tiên khoác chiếc áo dài, Louis Wald dí dỏm nói "em cảm thấy mình như một vị vua".

Những sinh viên Tây lần đầu đón Tết truyền thống Việt Nam - 1

Louis Wald cho biết, lần đầu tiên gói bánh chưng thật lạ lùng, thú vị (Ảnh: M. Hà).

Lần đầu tiên được hướng dẫn gói bánh chưng, tay chân nam sinh 20 tuổi cứ lóng ngóng. Em cũng xếp lá, rải nếp và xếp thịt nhưng gói dù cố gắng thế nào, chiếc bánh vẫn không vuông như những người xung quanh.

Mặc dù vậy, em vẫn rất thích chiếc bánh chưng mình vừa gói: "Lần đầu tiên được gói bánh chưng, cảm giác thật lạ lùng và thú vị", Louis Wald chia sẻ.

Em cho biết, Việt Nam có nhiều tỉnh thành là địa điểm du lịch, dự định dịp Tết này, em sẽ cùng bạn học đến một số tỉnh thành để thăm thú và du xuân.

Theo Louis Wald, em chọn đến Việt Nam và theo học tại ĐH Ngoại thương vì đây là quốc gia đang phát triển, nhiều thay đổi nhanh chóng. Do vậy, em muốn đến đây để trải nghiệm thực tế trong vòng khoảng nửa năm theo diện sinh viên trao đổi.

"Rất khó để đưa ra quyết định nhưng nếu có cơ hội ở lại Việt Nam, em nghĩ nhất định mình sẽ thử", Louis Wald nói.

Những sinh viên Tây lần đầu đón Tết truyền thống Việt Nam - 2

Nam sinh người Mỹ lần đầu tiên biết mâm ngũ quả ngày Tết (Ảnh: M. Hà).

Nathan Daniel Figueroa (20 tuổi), đến từ Mỹ: Lần đầu tiên biết mâm ngũ quả

Không tự tay gói bánh chưng nhưng Nathan Daniel Figueroa lần đầu tiên biết đến mâm ngũ quả. Em cũng đại diện cho các sinh viên quốc tế của khoa thuyết trình về mâm ngũ quả.

Chỉ với 2 phút ngắn ngủi, Figueroa chia sẻ cảm xúc lần đầu tiên đến nhà tù Hỏa Lò. Đấy là nơi truyền cảm hứng cho Figueroa trong việc sắp xếp mâm ngũ quả. Ngoài ra, nam sinh cũng tìm hiểu trên mạng, cùng các sinh viên khác hoàn thành mâm ngũ quả Tết Việt.

Trong mâm ngũ quả của nhóm Figueroa có dưa hấu, táo, chuối, bưởi, phật thủ, hoa hồng, hoa cúc…, thể hiện sự giàu sang, tài lộc, may mắn, sung túc, đủ đầy...

"Mâm ngũ quả có những loại quả truyền thống (phật thủ), kết hợp với những loại hoa quả hiện đại (táo, hoa hồng), thể hiện sự kết nối giữa truyền thống Việt Nam và các quốc gia hiện đại trên thế giới", Figueroa nói.

Cũng theo nam sinh này, mặc dù mới đến Việt Nam nhưng em rất thích món bún chả, nem.

Tết này, Figueroa dự định sẽ ăn Tết cùng một số sinh viên người Việt. Sau đó, khi bố mẹ sang thăm, nam sinh sẽ cùng cả gia đình đến TPHCM để du lịch.

Những sinh viên Tây lần đầu đón Tết truyền thống Việt Nam - 3

Hortense (áo xanh bên phải) thích áo dài của người Việt (Ảnh: M. Hà).

Hortense (Pháp): Hy vọng có thêm dịp mặc áo dài người Việt

Được biết mình sẽ tham gia Tết Việt, Hortense- đến từ Pháp rất háo hức. Nữ sinh chia sẻ, đây là lần đầu tiên em ăn Tết cổ truyền của Việt Nam và lần thứ hai khoác lên mình chiếc áo dài của người Việt.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nữ sinh cho hay, em cảm giác mặc áo dài rất đẹp và thoải mái, em rất thích. Hortense hy vọng có nhiều dịp khác để được mặc thêm những kiểu dáng áo dài khác nhau.

Dự định tết này, Hortense sẽ khám phá phố phường Hà Nội, xem cách mọi người sắm Tết, ngắm hoa và tìm hiểu phong tục tập quán ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.

Mặc dù vậy, nữ sinh không quên dành thời gian ôn bài trong những ngày còn lại bởi ngay sau Tết, em có kỳ thi quan trọng tại Pháp.

Vũ Thái Đan, người Mỹ gốc Việt: Háo hức chờ Tết Việt

Những sinh viên Tây lần đầu đón Tết truyền thống Việt Nam - 4

Thái Đan đến từ Mỹ, háo hức chờ đón Tết Việt (Ảnh: M. Hà).

Thái Đan sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Đối với nam sinh, Việt Nam vừa gần gũi (bởi cha mẹ là người gốc Việt) nhưng cũng thật lạ lẫm bởi em chưa từng được ăn Tết tại Việt Nam nên vô cùng háo hức, chờ đợi.

Đan đến Việt Nam vì muốn tham gia khóa học tiếng Việt. 4 tháng trước, nam sinh chỉ bập bõm vài ba từ tiếng Việt. Em muốn về Việt Nam vừa học tiếng, vừa tìm hiểu văn hóa dân tộc.

Theo Đan, Tết ở Việt Nam hoàn toàn khác Mỹ. Nếu ở Mỹ, đón năm mới đơn giản chỉ gặp nhau tụ tập ăn uống, ở Việt Nam, mọi người cùng nhau mua sắm, trang hoàng nhà cửa, gói bánh chưng, chuẩn bị đào, quất"…, Đan nói.

"Ngày Tết, em thích nhất là bún chả, nem và đặc biệt thích món bánh chưng rán. Dự định Tết này em sẽ đi Vũng Tàu thăm họ hàng và đón Tết cùng người thân tại Việt Nam.

Khoảng mùng 5 Tết, em sẽ cùng bạn bè khám phá mùa xuân tại một số tỉnh miền núi phía Bắc như Mộc Châu hoặc Cao Bằng", Thái Đan cho biết.