Những lưu ý quan trọng khi trúng tuyển chương trình học bổng Hiệp định 2021
(Dân trí) - Ngày 23/9, Cục Hợp tác quốc tế (HTQT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã tổ chức "Hội thảo - tập huấn cho các ứng viên được Bộ GDĐT tuyển chọn đi học nước ngoài năm 2021".
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các cựu lưu học sinh và hơn 400 ứng viên trúng tuyển các chương trình học bổng Hiệp định.
Phát biểu khai mạc Hội thảo - tập huấn, Phó Cục trưởng Cục hợp tác quốc tế (HTQT) Nguyễn Hải Thanh nhấn mạnh, mặc dù đại dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động giáo dục quốc tế nói riêng, nhưng khó khăn không thể cản trở khát vọng của học sinh, sinh viên Việt Nam trong việc học duy trì mục tiêu được chinh phục kiến thức, khám phá thế giới và cụ thể hóa bằng mong muốn được đi học tập ở nước ngoài.
Năm 2021, số lượng hồ sơ tham gia dự tuyển các chương trình học bổng đi học ở nước ngoài do Bộ GDĐT quản lý vẫn duy trì ở mức cao, kết quả đã có gần 900 ứng viên được tuyển chọn để cấp học bổng hiệp định, trong đó đông nhất là ứng viên đi học tại Liên bang Nga và Hung-ga-ri.
Tuy vậy, việc được trúng tuyển học bổng mới chỉ là bước khởi đầu cho hành trình đi học tập ở nước ngoài. Quá trình học tập ở nước ngoài đầy thử thách, đòi hỏi sự nỗ lực, bền bỉ liên tục của người học, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì gian nan và thách thức sẽ càng lớn. Do đó, tất cả các ứng viên cần có được một sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình đi học của mình.
Tại Hội thảo - tập huấn, đại diện các đơn vị phụ trách công tác quản lý lưu học sinh của Cục HTQT, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, đã có các bài trình bày, hướng dẫn cụ thể cho các ứng viên về: Thủ tục đi học, quy định về báo cáo trong quá trình học tập ở nước ngoài; quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của lưu học sinh; Hướng dẫn thủ tục tài chính, chế độ sinh hoạt phí, vé máy bay và kinh phí liên quan; Tổng quan về hệ thống giáo dục Liên Bang Nga, các lưu ý khi học tập tại Liên bang Nga.
Ngoài ra, buổi Hội thảo cũng đón nhận các bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về học tập, sinh hoạt, văn hóa, ngôn ngữ từ chính các lưu học sinh diện Hiệp định đang học tập tại các nước với góc nhìn của người thụ hưởng học bổng. Đây là những kinh nghiệm thực tế nhất giúp các bạn ứng viên tránh khỏi những bỡ ngỡ trong thời gian đầu sang nước ngoài học tập.
Trong khuôn khổ thời lượng của buổi Hội thảo - tập huấn, các vấn đề ứng viên quan tâm thảo luận, làm rõ rất đa dạng liên quan đến: visa, nhập cảnh, di chuyển trong tình hình giãn cách, thông tin chuyến bay, chế độ học bổng, thủ tục thanh toán, sử dụng các hệ thống phần mềm quản lý, tiêm vắc-xin, học dự bị tiếng,... được rất nhiều ứng viên gửi đến Ban tổ chức và đã được giải đáp thấu đáo, cặn kẽ, giúp các ứng viên yên tâm hơn khi bước vào quá trình chuẩn bị cho việc đi học tại nước ngoài.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Hội thảo - tập huấn trực tuyến đã đảm bảo truyền tải đầy đủ thông tin, chia sẻ, phổ biến những kinh nghiệm cần thiết, mở ra một buổi trao đổi sôi nổi, cởi mở, hiệu quả và an toàn để các ứng viên trúng tuyển có được sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình đi học và học tập ở nước ngoài.