Những lưu ý quan trọng khi tham gia xét tuyển NV2, NV3

(Dân trí) - Lựa chọn trường để xét tuyển NV2,NV3 cũng khốc liệt hơn cuộc đua NV1. Bởi, nếu thí sinh không lựa chọn kỹ trường phù hợp với mức điểm của mình sẽ "xôi hỏng bỏng không".

Điểm xét tuyển từ cao xuống thấp

Bộ quy định, mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ ĐKXT đợt 2 không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ ĐKXT đợt 3 không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 2. Nguyên tắc xét tuyển là lấy từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu. Chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1,0 điểm và giữa các khu vực là 0,5 điểm.

Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia tuyển sinh cho biết, với thí sinh có điểm thi trên điểm sàn của Bộ muốn nộp vào các trường công lập, có mức điểm xét tuyển cũng trên điểm sàn của Bộ. Để chắc chắn đỗ vào trường, thí sinh nên lựa chọn mức điểm xét tuyển của trường thấp hơn mức điểm hiện có của thí sinh từ 1 -2 điểm, chứ không nên chọn ngành có điểm xét tuyển bằng với mức điểm của mình. Bởi các trường xét điểm từ trên cao xuống thấp.

Với thí sinh, có mức điểm bằng điểm sàn thì nên nộp hồ sơ vào các trường lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn và số lượng xét tuyển NV2, NV3 nhiều.

Cân nhắc kỹ việc rút hồ sơ

Bộ GD-ĐT quy định rõ, trong thời hạn quy định, hàng ngày các trường nhận hồ sơ ĐKXT của thí sinh và công bố công khai thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 của thí sinh trên trang web của trường.

Thời gian xét tuyển cũng được kéo dài thêm 5 ngày. Theo quy định mới, việc xét tuyển được thực hiện trong 3 đợt. Đợt 1: Các trường công bố điểm trúng tuyển NV1 chậm nhất là ngày 20/8/2011; các trường nhận hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT NV2 từ ngày 25/8/2011 đến 17.00 giờ ngày 15/9/2011; đợt 3: từ ngày 20/9/2011 đến 17.00 giờ ngày 10/10/2011.

Với thay đổi này, cả thí sinh và nhà trường đều có lợi vì khi thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 được công khai, thí sinh sẽ có cơ sở để lựa chọn ngành vừa sức, từ đó tăng cơ hội trúng tuyển; nhà trường thì có thể tuyển được những thí sinh có chất lượng. Khi thời gian xét tuyển kéo dài, thí sinh có thêm thời gian lựa chọn, còn trường cũng kéo dài thêm được thời gian để tuyển được sinh viên.

Sau khi nộp hồ sơ ĐKXT vào trường, nếu thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ để nộp vào trường khác, các trường tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT.

Tuy nhiên, thí sinh hết sức lưu ý, cân nhắc kỹ trước khi nộp – rút hồ sơ xét tuyển vào ngành học, trường học nào đó vì nếu rút – nộp nhiều lần rất ảnh hưởng tới tâm lý. Bên cạnh đó, thí sinh cần theo dõi thông tin trên trang web của các trường về việc thông báo hàng ngày nhận hồ sơ để tính toán dựa trên tổng chỉ tiêu cần tuyển và số hồ sơ nộp vào theo thang điểm, để biết mình đậu hay không.

Ngoài phiếu điểm các trường đại học đã cấp cho thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn cao đẳng trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2011 theo đề thi chung, thí sinh có thể dùng bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận kết quả thi số 1 hoặc số 2 (nếu chưa trúng tuyển vào đại học hoặc cao đẳng) để đăng kí xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp.
 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm nay có 415.282 thí sinh có điểm thi đại học trên điểm sàn, trong khi đó chỉ tiêu là 266.631. Trong số trên có 206.302 thí sinh trúng tuyển NV1; 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn nhưng trượt NV1.

Thông tin trúng tuyển về các khối cụ thể như sau:

Khối A có 195.096 thí sinh có điểm trên sàn. Trúng tuyển NV1 là 117.785 trên tổng số 157.278 chỉ tiêu. Như vậy, số dư còn 77.311 thí sinh.

Khối B, số thí sinh có điểm thi trên sàn là 114.441. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 28.567 trên tổng số 29.571 chỉ tiêu. Số dư là 85.874 thí sinh.

Khối C, số thí sinh có điểm từ sàn trở lên là 28.221. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 17.400 trên tổng số 23.538 chỉ tiêu. Số dư là 10.821 thí sinh.

Khối D, số thí sinh có điểm trên sàn là 77.524. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 42.550 trên tổng số 56.244 chỉ tiêu. Số dư là 34.974 thí sinh.

Như vậy, còn 208.980 thí sinh có điểm thi trên sàn không trúng tuyển NV1. Đây là nguồn tuyển NV2.NV3 rất lớn dành cho các trường đại học.

Hồng Hạnh