Những lớp học đặc biệt của thầy Tiến biên phòng
(Dân trí) - Là chiến sỹ biên phòng, Thiếu úy Nguyễn Sỹ Tiến được bà con dân bản vùng biên xứ Thanh quý trọng dành cho tên gọi trìu mến "thầy Tiến biên phòng". Nhiều năm qua, người chiến sỹ mang quân hàm xanh đã lặn lội đến các bản làng xa xôi nơi vùng biên để mang ánh sáng tri thức đến với bà con.
Mang ánh sáng tri thức đến với bà con
Thiếu úy Nguyễn Sỹ Tiến là nhân viên vận động quần chúng, Đồn biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa).
Thiếu úy Tiến sinh ra và lớn lên ở miền quê biển xã Hoằng Xuân, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2002, anh nhập ngũ vào Bộ đội biên phòng và anh đã có gần 7 năm làm “Người thầy thuốc mang quân hàm xanh” trên vùng biên giới xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát. Năm 2009, theo lệnh điều động của cấp trên, anh vào công tác tại Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận, sau đó được cử đi học lớp Trung cấp Biên phòng 2. Năm 2012, anh được điều động về lại quê hương và công tác tại Đồn biên phòng Tén Tằn, huyện Mường Lát.
Đồn biên phòng Tén Tằn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 20 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Địa bàn gồm có 7 bản, có 889 hộ dân với 4.115 khẩu. Đây là địa bàn sinh sống của bà con các dân tộc Thái, Kinh và Khơ Mú, trong đó dân tộc Thái chiếm 94%.
Nhiều năm “lăn lộn” với bà con dân bản, anh luôn trăn trở về thực trạng mù chữ và tái mù chữ của bà con nơi đây. Sau một thời gian suy nghĩ, anh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, Chỉ huy Đồn xây dựng kế hoạch mở lớp để giải quyết tình trạng mù chữ và tái mù chữ cho bà con.
Tháng 9 năm 2015, anh Nguyễn Sỹ Tiến là một trong 5 gương mặt điển hình của toàn quân và là đại biểu duy nhất của lực lượng Bộ đội biên phòng được chọn đi dự Đại hội thi đua yêu nước ngành giáo dục tại thủ đô Hà Nội.
Những bất đồng về ngôn ngữ cũng như phong tục tập quán của bà con; tình trạng mù chữ thuộc nhiều lứa tuổi, trình độ, hoàn cảnh gia đình khác nhau; bên cạnh đó là cơ sở vật chất thiếu thốn, một số bản chưa có điện lưới… - đó là những khó khăn bước đầu mà Thiếu úy Tiến gặp phải. Trong khi đó với bản thân anh thì nghiệp vụ sư phạm còn hạn chế.
Không quản ngại những khó khăn, để chuẩn bị cho kế hoạch mang ánh sáng tri thức đến với bà con, Thiếu úy Tiến đã chủ động chuẩn bị sách vở, dụng cụ giảng dạy, tự nghiên cứu phương pháp, kỹ năng dạy xóa mù chữ; học hỏi các thầy cô giáo trên địa bàn về kiến thức sư phạm. Đồng thời, anh Tiến cũng đã tham mưu cho cấp ủy, Chỉ huy đơn vị phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn về công tác chống tái mù chữ và xóa mũ chữ của Bộ đội biên phòng và Ngành giáo dục huyện Mường Lát đang triển khai.
Khi những điều kiện cần thiết được chuẩn bị sẵn sàng, Thiếu úy Tiến đã lặn lội đến các bản làng xa xôi, trực tiếp gặp các già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các gia đình gương mẫu và có truyền thống hiếu học để tổ chức tuyên truyền, vận động chị em xóa bỏ những mặc cảm, e ngại để ra lớp. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, thuyết phục người thân trong gia đình xóa bỏ những định kiến, suy nghĩ lạc hậu, tạo điều kiện cho chị em được tham gia học tập xóa mù chữ.
Mỗi lớp học xóa mù chữ và chống tái mù chữ được tổ chức trong thời gian từ 6 đến 8 tháng. Do điều kiện của chị em vừa học, vừa phải chăm lo gia đình, làm kinh tế nên các lớp học xóa mù chữ được tổ chức từ 19 - 22h, các ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.
“Được đi học với thầy giáo vui lắm"
Với tinh thần và nhiệt huyết của mình, Thiếu úy Tiến đã miệt mài ngày bám bản, đêm bám lớp đem con chữ đến với đồng bào nơi vùng biên xứ Thanh. Nhờ phương pháp giáo dục và lòng nhiệt tình của thầy Tiến, tỷ lệ học viên tham gia học tập các lớp xóa mù chữ luôn đạt trên 90%.
Từ năm 2012 đến nay, Thiếu úy Tiến đã trực tiếp giảng dạy xóa mù chữ cho 176 học viên và mở 6 lớp chống tái mù chữ. Qua kiểm tra, đánh giá sau các khóa học 100% học viên đã đọc thông, viết thạo và biết làm những phép tính cơ bản.
Chị Hà Thị Tươi (ở bản Chiên Pục, xã Tén Tằn, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) chia sẻ: “Được đi học với thầy giáo vui lắm, giờ biết đọc, biết viết rồi. Thầy giáo Tiến nhiệt tình lắm, giờ đi đâu cũng không ngại nữa vì mình biết chữ rồi, cảm ơn thầy giáo nhiều lắm”.
“Để hoàn thành được tốt nhiệm vụ xóa mù chữ và chống tái mù chữ là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, Chỉ huy đơn vị; sự thương yêu, đùm bọc của đồng bào ở các bản làng đã đem đến cho tôi động lực và trách nhiệm của mình là phải hoàn thành nhiệm vụ”, Thiếu úy Tiến chia sẻ.
Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiều năm qua, Thiếu úy Nguyễn Sỹ Tiến luôn đạt danh hiệu Chiến sỹ tiên tiến, Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; được các cấp các ngành trung ương và địa phương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Với những tình cảm, đóng góp của Thiếu úy Tiến, đồng bào nơi đây đã dành cho anh tên gọi trìu mến thầy Tiến biên phòng. Không chỉ đem ánh sáng tri thức, anh còn góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần không nhỏ vào việc thay đổi diện mạo nông thôn mới trên biên giới Tén Tằn...
Duy Tuyên - Gia Huy