Những góc khuất trong nền giáo dục Mỹ

(Dân trí) - “Xưởng sản xuất học sinh bỏ học” là biệt danh của những trường trung học có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp chưa đầy 60%. Cứ 10 trường ở Mỹ thì có không dưới 1 trường bị xếp vào loại này.

Bob Balfanz, chuyên viên nghiên cứu tại Trường ĐH Johns Hopkins nhận xét: “Nếu bạn sinh ra tại một nơi mà việc tốt nghiệp trường trung học được coi là một hiện tượng không bình thường, thì cuộc sống ở đó sẽ như thế nào?”

Theo kết quả phân tích dữ liệu của Bộ giáo dục do trường ĐH Johns Hopkins tiến hành, thì có khoảng 1.700 trường trung học trên toàn nước Mỹ “đạt” tiêu chuẩn này.

Trong số các học sinh nghỉ học, có một số là chuyển trường khác, còn đa số là bỏ học luôn.

Tỉ lệ bỏ học cao nhất rơi vào những học sinh thuộc những thành phố lớn và vùng nông thôn nghèo. Thay đổi tình trạng này không phải là vấn đề có thể thực hiện một sớm một chiều bởi vì học sinh ở đây đang phải đối mặt với những thách thức vượt xa những vấn đề trong khuôn khổ nhà trường. Đó là nhu cầu đi làm tồn tại bên cạnh nhu cầu tới trường, hay nhu cầu về các dịch vụ xã hội.

Người phát ngôn của phòng giáo dục bang Nam Carolina cho biết: “Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do nơi chúng ta đang sống chính là nơi văn hóa và truyền thống không đề cao việc đi học cho hết bậc trung học”. Ông cho biết thêm rằng ở Nam Carolina, trước đây một người có thể tìm được một công việc tốt trong các nhà máy dệt mà không cần bằng trung học phổ thông, nhưng giờ đây, kiếm được những công việc như vậy đang ngày càng trở lên khó khăn hơn.

Các nhà làm luật pháp của liên bang lại không dành nhiều mối quan tâm cho vấn đề này mà chủ yếu chỉ tập trung vào những vấn đề như làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy, khuyến khích giáo viên tham gia giảng dạy, đưa học sinh tới trường sớm hơn, vấn đề điểm số bài kiểm tra thấp…

Có khoảng 70% học sinh trung học trên toàn nước Mỹ tốt nghiệp đúng hạn, nhưng với học sinh da màu và gốc Mỹ La tinh, tỉ lệ này chỉ bằng một nửa, 35%.

Luật giáo dục hiện tại chủ yếu tập trung vào vấn đề kết quả bài kiểm tra, làm sao để nâng cao hơn nữa kết quả bài kiểm tra của học sinh. Tuy vậy, để một trường trung học đạt chất lượng giáo dục cao, cần phải đồng thời xem xét cả vấn đề kết quả bài kiểm tra và tỉ lệ học sinh tốt nghiệp một cách công bằng.

Một số ít người cho rằng học sinh bỏ học bởi vì chúng được khuyến khích tham gia các chương trình học tập chuẩn bị cho kỳ thi GED (General education development - kỳ thi dành cho những người bỏ học giữa chừng ở Mỹ). Những học sinh nào dành chứng chỉ GED sẽ được coi là tương có trình độ tương đương với bằng tú tài.

Tuy vậy, các nghiên cứu vẫn cho thấy rằng chứng chỉ GED không thể trang bị cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc hay học tiếp lên đại học như bằng tú tài thông thường được.

Loretta Singletary, 17 tuổi, đã theo học chương trình GED sau khi bỏ học tại trường trung học Washington cho biết rằng ở trường trung học, giáo viên kỳ vọng quá ít vào học sinh, làm cho lớp học trở nên tẻ nhạt, giáo viên ở đây dạy cô những thứ cô đã biết: Những danh từ cơ bản, những tính từ đơn giản.

Singletary cho biết rằng cô yêu thích các môn khoa học nhưng trong chương trình giảng dạy không hề có, cô đã có khiếu nại lên ban giám hiệu nhà trường nhưng không nhận được bất kỳ phản hồi nào. “Tôi rất thích được thực hành, thí nghiệm. Từ lớp 9 hay lớp 10 tôi đã không được học bất kỳ môn khoa học nào”.

Một người bạn cùng lớp Singletary, Dontike Miller, 23 tuổi cũng bỏ học giữa chừng, gia đình với người mẹ nghiện ngập không hề  quan tâm tới việc học của con và chính các thầy cô cũng không quan tâm tới việc học của học sinh, cho biết rằng cậu chỉ ước ao có ai đó nói với cậu rằng: “Bạn thực sự cần phải tới lớp. Chúng tôi sẽ giúp đỡ bạn”. Nhưng không có ai nói với cậu như vậy cả.

Giáo viên và ban giám hiệu trường trung học Phát triển năng lực Baltimore, nơi có tới 90% học sinh tốt nghiệp đúng thời hạn, đang làm việc cật lực để đảm bảo rằng không một học sinh nào vấp phải câu chuyện buồn như Miller.

Trường Baltimore được thành lập cách đây bốn năm với vai trò là một nơi thí nghiệm sản sinh ra những học sinh tốt nghiệp đúng thời hạn và sẵn sàng theo học tiếp ĐH. Giáo viên, học sinh, và ban giám hiệu tại ngôi trường này biết rất rõ về nhau. Một học sinh lớp 12 của trường tâm sự rằng: “Tôi biết những người giáo viên đang gõ cửa các học sinh. Họ muốn chúng tôi thành công”.

Một cựu học sinh của trường nói rằng cô rất thích cách thức tổ chức giáo viên của trường. Mỗi đội bao gồm bốn giáo viên, quản lý một nhóm 75 học sinh. Giáo viên cùng giảng dạy nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau; ví dụ như giáo viên toán và tiếng Anh cộng tác với nhau trong các bài học va thảo luận về nhu cầu cá nhân của học sinh.

“Tất cả đều tập trung vào những gì tốt nhất cho học sinh. Đó là một trường học rất “gia đình”. Chúng tôi cảm thấy thực sự gần gũi với giáo viên”.

Nhiệm vụ của các giáo viên tại trường Baltimore còn nặng nề hơn vì phần lớn học sinh lớp 9 của trường chỉ đạt trình độ đọc ở mức của lớp 5 hoặc lớp 6.

Để cải thiện tình trạng này, các học sinh có tiết học đọc và toán kéo dài 80 phút thay vì chỉ 45 phút như thường lệ. Ngoài ra học sinh cũng có thêm thời gian để học với các chuyên gia nếu cần thiết.

Tỉ lệ học sinh theo học trung học có kỹ năng đọc kém đang đặt ra vấn đề về kế hoạch và chương trình giảng dạy như thế nào để học sinh nhanh chóng bắt kịp với trình độ thực. Đây cũng là một bài toán khó dành cho các vị hiệu trưởng trường trung học.

Mai Hương

Theo AP