Những giáo sư, nhà khoa học Việt đoạt giải thưởng quốc tế danh giá năm 2020
(Dân trí) - Giáo sư Vũ Ngọc Tâm, Giáo sư Dương Quang Trung, Giáo sư Phan Thành Nam và PGS Trần Xuân Bách là những "người Việt đầu tiên" đạt các giải thưởng quốc tế danh giá này.
Giáo sư Việt duy nhất đoạt giải thưởng Sloan Research Fellowships 2020
Ngày 12/2/2020, Giáo sư Vũ Ngọc Tâm, làm việc tại khoa Khoa học Máy tính, trường ĐH Colorado Boulder (Mỹ) kiêm CEO công ty Earable vinh dự là người Việt duy nhất được trao giải thưởng Sloan Research Fellowships danh giá năm 2020 nhờ những nghiên cứu độc lập đột phá.
Được trao tặng hàng năm kể từ năm 1955, giải thưởng Sloan Research Fellowships vinh danh các học giả tại Mỹ và Canada sở hữu tính sáng tạo, khả năng lãnh đạo và các thành tựu nghiên cứu độc lập nổi bật, khiến họ trở thành một trong những nhà nghiên cứu triển vọng nhất đang cống hiến hiện nay.
Giải thưởng Sloan Research Fellowships 2020 được trao tặng cho Giáo sư Vũ Ngọc Tâm là một sự ghi nhận cho các nghiên cứu khoa học của anh trong lĩnh vực công nghệ không dây và đeo được, tập trung vào việc phát minh ra các thiết bị mới giúp chăm sóc và nâng cao chất lượng sức khỏe và cuộc sống của con người.
Giáo sư Vũ Ngọc Tâm đã phát minh và đang phát triển một loại thiết bị đeo tai không dây sử dụng công nghệ Earable, có chức năng thu thập, theo dõi và phân tích các tín hiệu sóng não, chuyển động của mắt, cơ mặt và một loạt các tín hiệu sinh học khác.
Trong tương lai rất gần, thiết bị này có thể giúp cho các bác sỹ theo dõi và phân tích chất lượng giấc ngủ của bệnh nhân, qua đó đưa ra các phác đồ điều trị cần thiết cho một số bệnh về rối loạn giấc ngủ, tăng động giảm tập trung.
Trước đó, Giáo sư Tâm từng nhận hai giải thưởng "Google Faculty Research Awards" dành cho người có tiềm năng thay đổi thế giới bằng công nghệ trong tương lai gần năm 2014 và 2018; một giải thưởng NSF Career năm 2019 - giải thưởng uy tín nhất từ Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ tài trợ cho các công trình nghiên cứu xuất sắc cùng hàng loạt giải thưởng và đề cử bài báo khoa học xuất sắc nhất - "Best Paper" trong các hội thảo về khoa học công nghệ hàng đầu thế giới như ACM Mobicom, ACM Sigmobile, ACM Research Highlight, Sensys…
Đặc biệt, vị giáo sư trẻ còn sở hữu "kho" bằng sáng chế gồm hàng chục bằng ở nhiều lĩnh vực. Hiện, anh là Giáo sư tại ĐH Oxford, Anh Quốc.
Trao đổi với PV Dân trí, Giáo sư Tâm nói: "Giải thưởng Sloan Research Fellowships là một sự ghi nhận quý báu từ cộng đồng khoa học uy tín, tạo cho tôi một động lực lớn để tiếp tục trên con đường nghiên cứu khoa học, đồng thời nỗ lực phát triển Earable với mong muốn cải thiện khả năng trí lực và sức khỏe của mọi người".
Các ứng viên của giải thưởng Sloan Research Fellowships là những nhà khoa học ưu tú nhất của khoa hay viện mà họ đang công tác. Họ được đề cử bởi trưởng khoa hoặc viện trưởng và phải được những nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực của họ viết thư gới thiệu và ủng hộ.
Từ hơn 1.000 ứng viên xuất sắc nhất được lựa chọn đề cử, 126 nhà khoa học trẻ đến từ 60 tổ chức nghiên cứu hàng đầu tại Mỹ và Canada đã được vinh danh.
Giáo sư Việt nhận giải thưởng Toán học danh giá nhất châu Âu
Giáo sư Phan Thành Nam (quê Phú Yên) vinh dự là 1 trong 10 nhà toán học có tên trong danh sách nhận Giải thưởng EMS danh giá của Hội Toán học Châu Âu năm 2020.
Giải thưởng Hội Toán học châu Âu - EMS được đánh giá uy tín bậc nhất thế giới, chỉ xếp sau giải thưởng Fields của Hội Toán học thế giới.
Cứ 4 năm 1 lần, giải thưởng được xét và trao tặng tại Đại hội Toán học châu Âu cho các nhà toán học dưới 35 tuổi có đóng góp xuất sắc cho toán học. Mỗi lần xét thưởng sẽ vinh danh 10 nhà toán học được trao giải.
Góp mặt trong giải thưởng năm nay có tên một nhà Toán học trẻ, Giáo sư Phan Thành Nam, hiện là giáo sư Đại học Ludwig-Maximlians, Đức.
Giáo sư Phan Thành Nam (sinh năm 1985), quê gốc ở tỉnh Phú Yên hiện là giáo sư Khoa Toán học - Đại học Ludwig Maximilian (LMU) tại Munich, Đức.
Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu của Giáo sư là giải tích và vật lý toán học, đặc biệt về cơ học lượng tử nhiều hạt, lý thuyết quang phổ, phép tính biến phân và phương trình đạo hàm riêng, giải tích số.
Trước khi được vinh danh với giải thưởng EMS, Giáo sư Nam cũng từng nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý toán được trao tặng bởi Hội quốc tế về vật lý ứng dụng và lý thuyết (viết tắt IUPAP) vào năm 2018 vì đã đạt các kết quả tiên phong với chất lượng khoa học xuất sắc trong vật lý toán.
Giáo sư Phan Thành Nam là cựu sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2007, anh lấy bằng thạc sĩ toán học tại Đại học Orleans, Pháp. 3 năm sau, Phan Thành Nam nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch.
Mỗi lần xét thưởng, giải EMS vinh danh 10 nhà toán học xuất sắc dưới 35 tuổi có quốc tịch châu Âu hoặc đang làm việc tại châu Âu, có những đóng góp xuất sắc trong toán học.
Năm 2017, Phan Thành Nam trở thành giáo sư tại Đại học Ludwig-Maximlians, thành phố Munchen, Đức và hiện anh đang công tác tại đây.
Trước khi được vinh danh với giải thưởng EMS, Giáo sư Nam cũng từng nhận giải thưởng Nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực vật lý toán được trao tặng bởi Hội quốc tế về vật lý ứng dụng và lý thuyết (IUPAP) vào năm 2018 vì đã đạt các kết quả tiên phong với chất lượng khoa học xuất sắc trong vật lý toán.
Phan Thanh Nam nhiều lần được mời báo cáo các hội nghị quốc tế về Vật lý Toán học.
Theo số liệu trên trang MathScinet của Hội toán học Mỹ, Giáo sư Phan Thành Nam đã công bố 39 công trình khoa học trên nhiều tạp chí danh tiếng thế giới: Comm. Math. Phys., Jour. Eur. Math. Soc., Comm. Pure Appl. Math. Jour. Funct. Anal., Arch. Rational Mech. Anal., Amer. Jour. Math… Các công bố của anh và đồng nghiệp đã được trích dẫn 346 lần.
Giáo sư người Việt được Hội Kỹ thuật Hoàng Gia Anh vinh danh
Giáo sư Dương Quang Trung - một học giả người Việt đã được bổ nhiệm Giám đốc nghiên cứu (Research Chair), đây là giải thưởng danh giá từ Hội Kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc để nghiên cứu về công nghệ 6G.
Hội Kỹ thuật Hoàng gia Anh Quốc vừa bổ nhiệm 4 giám đốc nghiên cứu (Research Chair) và 2 nghiên cứu viên cao cấp (Senior Research Fellows) tại các trường đại học trên khắp Vương Quốc Anh.
Đây là những nhà khoa học sẽ dành 5 năm tới làm việc cùng một số công ty lớn nhất thế giới để giải quyết những vấn đề thách thức toàn cầu như đề kháng kháng sinh, giảm việc sử dụng năng lượng và khí thải, nâng cao độ tin cậy của thiết bị di động và phát triển hệ thống giao tiếp do AI hỗ trợ.
GS Dương Quang Trung - nhà khoa học người Việt vừa được phong giáo sư thực thụ tại ĐH Queen's Belfast - được bổ nhiệm vào vị trí Research Chair để nghiên cứu về các vấn đề của mạng viễn thông 6G.
GS. Dương Quang Trung là người Hội An, Quảng Nam. Ông tốt nghiệp Trường THPT Trần Quý Cáp, Hội An, sau đó trở thành sinh viên của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành Viễn thông, sau đó nhận bằng Thạc sĩ tại Hàn Quốc và Tiến Sĩ tại Thụy Điển theo các học bổng toàn phần.
Đầu năm 2013, GS. Dương Quang Trung được nhận vào ngạch Giáo sư của Trường ĐH Queen's Belfast, không phải trải qua giai đoạn hậu Tiến sĩ. Vừa mới đây, vào tháng 8 năm 2020, GS Trung được phong Giáo sư thực thụ tại ĐH Queen's Belfast.
GS Trung cũng đã từng là người đoạt giải thưởng danh giá Nghiên cứu viên của Hội Khoa học Hoàng Gia Anh Quốc cách đây 5 năm cho các nhà nghiên cứu trẻ 2015-2020 (cả nước Anh năm đó chỉ có 8 người được trao giải cho tất cả các ngành khoa học kỹ thuật), và được nhận giải thưởng danh giá Newton Prize 2017 của Chính phủ Anh Quốc.
Phát biểu về giải thưởng, Giáo sư Trung cho biết: "Truyền thông không dây và các công nghệ kỹ thuật số liên quan đã và đang định hình cuộc sống của chúng ta theo một cách chưa từng có - đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại Covid-19 hiện nay.
"Thế giới đang thay đổi nhanh chóng của chúng ta hiện đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện đang được thúc đẩy bởi hệ thống truyền thông và vật lý mạng 5G".
"Những nghiên cứu về mạng 6G sẽ tạo ra một tương lai mới và mang lại lợi ích cho tất cả xã hội - ví dụ: chẩn đoán và phẫu thuật y tế từ xa, xe tự lái, thực tế ảo và tăng cường cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giải trí và tất cả trong các thành phố thông minh, an toàn và quản lý thảm họa", GS Trung cho hay.
Nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải Noam Chomsky
Phó giáo sư Trần Xuân Bách (sinh năm 1984), trường Đại học Y Hà Nội là một trong hai người được trao Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020.
Đây cũng là lần đầu tiên một nhà khoa học của Việt Nam nhận được giải thưởng Noam Chomsky.
Buổi lễ trao giải Noam Chomsky năm 2020 được tổ chức tại trụ sở của Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (STAR) tại Hoa Kỳ vào ngày 8/12/2020.
Giải thưởng Noam Chomsky năm 2020 trao một Huân chương Sao Bắc Đẩu cho Thành tựu trọn đời, 2 giải thưởng Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu và 2 chứng nhận học giả Ngôi sao mới nổi.
Giải thưởng Ngôi sao tỏa sáng về thành tựu trong nghiên cứu công nhận những người có đóng góp xuyên quốc gia, có sức ảnh hưởng ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đóng góp này có thể là bài báo được công bố trên tạp chí quốc tế, sách, chương sách hoặc các dạng thức cộng tác học thuật khác.
Phó giáo sư Trần Xuân Bách, Phó trưởng Bộ môn Kinh tế Y tế, Trường ĐH Y Hà Nội vinh dự là một trong hai học giả được trao Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020.
PGS.TS Trần Xuân Bách sinh năm 1984. Anh từng tốt nghiệp tiến sĩ xuất sắc tại Đại học Alberta, Canada vào năm 2011. Với thành tích đạt được, anh cũng đã được Đại học Alberta trao Giải thưởng Khởi đầu Sự nghiệp năm 2017.
Năm 2018, PGS.TS Trần Xuân Bách đã được bầu vào Hội đồng điều hành Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, thuộc Viện hàn lâm quốc gia Đức (Leopoldina).
Năm 2019, PGS.TS Trần Xuân Bách được Đại học Johns Hopkins bổ nhiệm chức danh Giáo sư (kiêm nhiệm). Anh là một trong những Giáo sư trẻ tuổi nhất của trường đại học danh tiếng này.
Tháng 9/2019, tạp chí PLoS Biology mới công bố một danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu trên thế giới được xếp vào nhóm được trích dẫn nhiều nhất. Trong danh sách này có 3 nhà khoa học Việt Nam, trong đó có PGS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội) - chuyên gia nghiên cứu về y tế cộng đồng.
PGS.TS Trần Xuân Bách có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về các vấn đề phát triển và y tế toàn cầu. Các nghiên cứu của PGS.TS Bách tập trung vào việc xác định các can thiệp có tính chi phí - hiệu quả, đánh giá các dịch vụ và đổi mới y tế và củng cố các hệ thống y tế.
Trước đó, PGS.TS Trần Xuân Bách cũng là một trong những PGS trẻ tuổi nhất tại Việt Nam. Anh đã giành được nhiều giải thưởng nghiên cứu trong nước và quốc tế, bao gồm Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Nghiên cứu AIDS của ĐH Johns Hopkins, Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.