Những điều đặc biệt tại lễ tôn vinh tân giáo sư, phó giáo sư năm 2014
(Dân trí) - Điều thú vị nhất trong lễ trao quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2014 là GS trẻ tuổi nhất và lớn tuổi nhất trong lịch sử 38 năm qua, có 2 tân GS là thứ trưởng, có 2 vợ chồng cùng được công nhận PGS và có 4 tân PGS là người dân tộc Tày, trong đó có 1 nữ.
GS trẻ nhất trong lịch sử 38 năm qua
GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký HĐCDGSNN cho biết: Năm 2014, có 822 ứng viên nộp hồ sơ đăng ký xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS tại 89 HĐCDGSNN cơ sở, trong đó có 92 ứng viên GS và 730 ứng viên PGS. Qua 3 vòng sàng lọc, bỏ phiếu, HĐCDGSNN đã xét, công nhận 59 GS và 585 PGS mới của đợt năm 2014.
Điều đặc biệt nhất, thú vị nhất trong đợt công nhận GS, PGS năm 2014, về tuổi đời là GS trẻ nhất và GS cao tuổi nhất đợt này cũng là GS trẻ nhất và cao tuổi nhất trong lịch sử 38 năm qua (1974 - 2014). Đó là GS Phan Thanh Sơn Nam, 37 tuổi, chuyên ngành Hóa học, giảng viên trường ĐH Bách khoa – ĐHQGH TP.HCM và GS Lê Ngọc Canh, 81 tuổi, chuyên ngành Nghệ thuật, nguyên giảng viên trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ – HN.
Trước đó có hai nhà khoa học khác cũng đã được phong GS khi mới 37 tuổi, chỉ hơn GS Phan Thanh Sơn Nam ít tháng đó là GS Toán học Nguyễn Quang Diệu, đợt năm 2011 và GS về Khoa học trái đất Hoàng Ngọc Hà, đợt năm 1996. Cho đến nay trong cả nước có khoảng 30 – 40 gia đình và cả bố và con đều là GS.
Chức danh PGS trẻ nhất năm nay (33 tuổi) được trao cho 2 người cùng sinh năm 1981 là TS Từ Trung Kiên chuyên ngành chăn nuôi, trường ĐH Nông Lâm – ĐH Thái Nguyên và TS Hoàng Quý Tỉnh, chuyên ngành Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội. PGS cao tuổi nhất là nhà giáo Vũ Tự Lân (81 tuổi) chuyên ngành Nghệ thuật, nguyên là giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Có 2 người hiện đang năm giữ kỷ lục PGS trẻ nhất 29 tuổi đó là TS Toán học Phạm Hoàng Hiệp trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đợt năm 2011 và nữ TS Hóa học Nguyễn Khánh Diệu Hồng, đợt năm 2012, (NCS ở Anh Quốc theo học bổng 322, con gái của GS.TS Hóa học Đinh Thị Ngọ) cả hai mẹ con đều ở ĐH Bách khoa Hà Nội.
Theo GS Nhung, nhìn chung các tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn nhưng vẫn chưa trẻ được như ở các nước phát triển. Ví dụ: năm 22 tuổi, Terence Tao nhận bằng TS và năm 24 tuổi đã trở thành GS của UCLA (Mỹ) và là GS trẻ nhất trong lịch sử của trường này cho đến nay. GS Ngô Bảo Châu được phong GS ở Pháp khi mới 32 tuổi và ở Việt Nam năm 33 tuổi. Hai thầy giáo lão thành được công nhận GS,PGS ở độ tuổi 81 có thể xem là những hiện tượng quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Một điều đặc sắc của năm nay là có 2 tân GS là thứ trưởng: Bác sỹ Nguyễn Viết Tiến (Anh hùng lao động, NGƯT) và NGƯT Bùi Cách Tuyến nguyên hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Có 4 tân PGS là dân tộc Tày, trong đó có 1 nữ.
Có một cặp vợ chồng cùng sinh năm 1962, được đi du học cùng một năm 1983 tại CHLB Nga, cùng ngành Tâm lý học, cùng công tác tại Viện Tâm lý học, Viện KHXHVN và cùng được công nhận đạt chuẩn chức danh PGS ngành tâm lý đợt này đó là chị Đỗ Ngọc Khanh (học Postdoc ở Úc) và anh Lê Văn Hải (học thạc sĩ tại Úc).
Tân PGS Đỗ Chí Nghĩa- Học viện Báo chí và Tuyên truyền cùng người thân
Nhận định chung về đợt xét công nhận chức danh GS,PGS năm 2014, GS Trần Văn Nhung cho biết: số ứng viên có công bố khoa học quốc tế tăng lên, nhất là ở những ngành về KHTN, CN và y học. Trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của ứng viên khá hơn trước. Đã có 55 PGS mới năm 2014 được nhận học bổng 322 và 356 để làm TS hoặc thạc sĩ ở nước ngoài…Không ít tân GS, PGS trẻ tuổi nhưng đã có công bố rất nhiều bài báo khoa học xuất sắc ở trong và ngoài nước, được trao những giải thưởng quốc gia và quốc tế cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN, có trình độ ngoại ngữ/tiếng Anh và CNTT rất cao.
Chỉ có 1,2 giáo sư hoặc phó giáo sư trên vạn dân
Theo thống kê của HĐCDGSNN, từ năm 1976 đến hết năm 2014, sau 38 năm, tổng số GS, PGS được công nhận ở nước ta là 11.097, gồm 1.628 GS và 9.469 PGS, trong số đó nhiều người đã mất và về hưu.
GS Nhung cho hay, hiện dân số nước ta có khoảng 90 triệu người. Theo thống kê năm 2013 của Bộ GD-ĐT, tổng số SV đại học là 1.730.000, số giảng viên đại học là gần 74.630, trong đó có 4.155 GS,PGS. Như vậy, chỉ có xấp xỉ 1,2 GS hoặc PGS trên vạn dân (kể cả số GS,PGS đã mất hoặc đã nghỉ hưu), không quá 5,6% giảng viên đại học là GS hoặc PGS và 416 sinh viên/1 GS hoặc PGS. Như vậy, đội ngũ GS,PGS ở nước ta, đỉnh cao nhất của nhà giáo, khá “mỏng” về số lượng và cả chất lượng, chức không phải đến mức “lạm phát” như ai đã nói.
Theo GS Nhung, từ khi Nghị định số 141/2013/NĐ-CP có hiệu lực và Chính phủ giao Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành thì con số các TS,PGS,GS trong các trường đại học được tăng lên đáng kể. Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời của Đảng và Chính phủ để sử dụng tối đa lực lượng “nguyên khí quốc gia”, hoàn toàn phù hợp với nhu cầu giảng viên đại học và thông lệ quốc tế, để góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Hồng Hạnh