Những “điểm trừ” của du học sinh Việt (Kỳ 3)
(Dân trí) - Khi xã hội càng phát triển, với mong muốn tiếp thu nền giáo dục hiện đại từ nước ngoài, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh cũng như các bạn học sinh, sinh viên định hướng cho mình con đường đi du học.
Bắt đầu một cuộc sống mới ở một đất nước với nhiều khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa, đó vừa là điều thú vị, đầy thu hút với các bạn trẻ khi được trải nghiệm những điều mới lạ trong cuộc sống,tìm hiểu về một nền văn hóa mới. Nhưng cũng từ đó, hình thành nên nhiều thói quen xấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến chính công việc học tập của các du học sinh.
Có rất nhiều du học sinh khi được hỏi đã tâm sự về “cú sốc” văn hóa - một hiện tượng tâm sinh lý mà bất cứ du học sinh nào đều phải trải qua khi lần đầu tiên đến sống ở một đất nước xa lạ. Tùy thuộc vào sự hiểu biết và sự chuẩn bị về tâm lý của từng người mà mức độ ảnh hưởng của “sốc văn hóa” đến mỗi người khác nhau.
Chia sẻ về vấn đề này, một chuyên gia tư vấn du học cho biết: “Nhiều trường hợp phụ huynh đến than phiền về việc con mình đang du học cảm thấy sốc khi không thể diễn đạt ý kiến, tình cảm bằng ngôn ngữ bản xứ. Lâu dần các em sẽ cảm thấy bực tức, mất tự tin trong giao tiếp và dần trở nên cô độc. Một số trường hợp do các em chưa tìm được chỗ cư trú ổn định nên lo lắng và chán nản”.
Nếu như ngay từ khi xác định đi du học, các bạn có sự chuẩn bị một cách đầy đủ về đất nước mình sẽ sinh sống và học tập cả về ngôn ngữ, văn hóa cũng như tìm hiểu thêm qua các hội du học sinh ở các nước để có được những thông tin cơ bản về cuộc sống nơi mình định đến thì những bở ngỡ trên đã không xảy ra.
Tuy nhiên, có rất nhiều bạn có tâm lý chủ quan, với suy nghĩ sang rồi tìm hiểu dần cũng chưa muộn. Một bộ phận không nhỏ du học sinh đi ra nước ngoài rồi mới bắt đầu học ngoại ngữ, với lý do là môi trường ở nước ngoài sẽ giúp cho các bạn tiếp thu nhanh hơn. Nhưng khi đã đặt chân lên một đất nước mới mà bạn không có khả năng giao tiếp thì bạn sẽ bắt đầu cuộc sống như thế nào? Từ không biết, rồi dần dần trở nên ngại giao tiếp và không thể hòa nhập với cuộc sống mới!
Bạn M, du học sinh tại Nhật tâm sự: “Dù sang đây với vốn tiếng Anh kha khá, nhưng ngoài người bạn cùng phòng cũng là một du học sinh, tớ hầu như chẳng chơi với bất kì ai. Hàng ngày, ngoài đến trường và thư viện đọc sách, chủ yếu tớ ở phòng hoặc thỉnh thoảng mới ra ngoài mua sắm một vài món đồ với cô bạn cùng phòng. Thật sự, tớ chỉ mong nhanh kết thúc việc học ở đây để trở về Việt Nam”.
Nhiều bạn du học sinh cũng gặp những tình trạng tương tự khi mà họ quá sống khép mình, lo lắng bị ảnh hưởng bởi những trào lưu không tốt như trên phim ảnh, có trường hợp, có bạn lại cho rằng, chỉ cần học tốt là đủ mà không nghĩ: để học tốt, thì trước hết phải sống tốt đã. Cũng lại xảy ra tình huống, nhiều chàng trai, cô gái Việt cũng cố gắng tỏ ra mình đang hòa nhập, nhưng lại “độc” chơi, nói chuyện với… người Việt mà thôi.
Điều kéo theo dễ hiểu là thầy cô, bạn bè nước ngoài, thậm chí là cả người Việt cũng không thể nào “ưa” hay sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ họ (lúc cần), trong khi chính những du học sinh này đang tự “nhóm” mình lại và cho rằng, thế là đủ, dẫu cho mình đang ở nơi xứ người!
Bảo Anh