Những “con số vàng” trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế của học sinh VN

(Dân trí) - Nếu năm 2007, kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế của học sinh Việt Nam chỉ đạt tổng số 26 huy chương, đến năm 2014 đỉnh cao nhất đạt 42 huy chương, từ đó đến nay giữ ổn định con số từ 37 - 38 huy chương.

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong những năm gần đây, kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế của các đoàn học sinh giỏi Việt Nam nhìn chung đều đạt cao. Một số đội tuyển có thành tích ổn định, đoạt nhiều giải cao, xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi (đội tuyển Toán, Hoá học, Vật lí và Tin học); trong đó, có nhiều học sinh xuất sắc: đoạt 2 Huy chương Vàng trong hai năm liền dự thi hoặc đạt điểm cao nhất (thủ khoa) trong kỳ thi Olympic quốc tế.

Bộ GD&ĐT đánh giá, tình trạng số học sinh đoạt giải không ổn định, số Huy chương Vàng và Huy chương Bạc chiếm tỉ lệ thấp, nhiều môn không có Huy chương Vàng trong nhiều năm từ năm 2011 trở về trước (như Sinh học, Tin học) đã được khắc phục. Thành tích của các đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic quốc tế và khu vực liên tục có những chuyển biến, tiến bộ trong các năm từ 2013 đến 2017 theo hướng năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2018, cả 38/38 lượt học sinh thuộc 07 đội tuyển tham dự Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt Huy chương (13 Huy chương Vàng: 14 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng). Đặc biệt, em Nguyễn Phương Thảo, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đoạt Huy chương Vàng đồng thời đoạt điểm cao nhất tại Olympic Sinh học Quốc tế.

Kết quả Olympic khu vực và quốc tế từ năm 2007-2018 của học sinh Việt Nam theo thống kê của Bộ GD&ĐT như sau:

Những “con số vàng” trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế của học sinh VN - 1


Biểu đồ kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ năm 2007-2018

Biểu đồ kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ năm 2007-2018

Theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, thành tích của học sinh Việt Nam tham dự các Olympic khu vực và quốc tế được giữ ổn định là do các em được tập dượt sớm và sát sao hơn như: tăng thời gian tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế và khu vực; có kế hoạch, chương trình tập huấn cụ thể; tiếp cận dần với hình thức thi của khu vực và quốc tế; trong kỳ thi chọn đội tuyển Olympic đối với môn Tin học triển khai áp dụng thi, chấm trực tiếp như hình thức tổ chức thi của quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác coi thi, chấm thi các vòng chọn HSG đảm bảo khách quan, trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh để chọn được những học sinh giỏi nhất tham dự các đoàn HSG khu vực và quốc tế.

Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới, thời gian tới bổ sung chính sách tuyển thẳng vào ĐH,CĐ đối với các học sinh đoạt giải HSG quốc gia và ưu tiên cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với Nhà nước Việt Nam cho các học sinh đoạt giải Olympic khu vực và quốc tế, tạo động lực phấn đấu vươn lên đạt thành tích cao của học sinh và các nhà trường.

Anh Kim