“Những cô gái hư” cho những khoá học tốt

“Những cô gái không tốt trong Kinh Thánh”. “Những phụ nữ ngoan, những cô gái hư”. “Những cô gái hư: bất đồng tình dục và nền văn hoá Pop”... Giờ đây, có nhiều “cô gái hư” trong tên các khoá học hơn là trong sân trường.

Trong nỗ lực lôi kéo các sinh viên (đang lao vào các khoa kinh doanh và kỹ sư), thì các khoá học nghệ thuật ở Mỹ đang phải làm tươi mới chính cái tên, cũng như nội dung, của mình. Quảng cáo về các khoá học bây giờ nghe như một… liên hoan phim.

 

Xấu xa và Đau khổ. Cuộc sống ở những thế giới khác. Hiệu ứng Oprah. Những ngày đen tối ở phía trước. Một màn lố bịch.

 

“Chẳng có gì phải nghi ngờ cả, những cái tên đó rất thu hút sự chú ý - nhưng chúng tôi cũng phải đảm bảo cân bằng giữa những cái tên với sự thực mỗi khi quảng cáo” - theo David Docherty, trưởng khoa Nghệ thuật ở ĐH Wilfrid Laurier, nơi có khoá học Văn học gọi là “Nghệ thuật lãng mạn của việc đi bộ”.
 
“Những cô gái hư” cho những khoá học tốt - 1

 

Mồi “câu” sinh viên

 

David Docherty nói rằng tên các khoá học phải “hấp dẫn” hơn vì sinh viên giờ đây trẻ trung và được “oanh tạc” bằng hàng ngàn hình ảnh trên Internet, nên để có được sự chú ý của họ thì phải có những điều khác lạ.

 

“Tôi gọi đó là mồi câu của mình” - giảng viên Susan Knabe ở ĐH Western Ontario nói - “Một cái tên khoá học ngộ nghĩnh cũng khiến tôi hào hứng hơn, và buộc tôi phải nghĩ sáng tạo”.

 

Trong khoá học “Những cô gái hư: bất đồng tình dục và nền văn hoá Pop” của mình, Knabe nghiên cứu tại sao xã hội lại thích những phụ nữ khêu gợi trong sách và phim ảnh nhưng trong đời thực lại coi thường họ.

 

Một khoá học mới của đồng nghiệp của Knabe có tên là “Các mối quan hệ thân mật”, dự định bắt đầu vào tháng 1/2010, đã có 175 sinh viên và danh sách chờ gồm 50 sinh viên khác. Đây là một cái tên hơi “táo bạo” cho một khoá học về đạo đức của các mối quan hệ, từ tình bạn tới gia đình.

 

Những cái tên kỳ quặc có thể lôi cuốn được sinh viên - theo Siva Vijenthira, 22 tuổi, sinh viên ở McMaster. Năm ngoái, cô đã tham gia một khoá tên là “Những câu hỏi lớn”, nghiên cứu về các khái niệm triết học và vật lý, như vĩnh hằng, và du hành xuyên thời gian.

 

“Những buổi thảo luận trong lớp khiến tôi đau hết cả đầu, nhưng cũng không phải là cái tên đánh lừa để tôi tham gia vào khoá học” - Vijenthira nói. Hiện nay cô đang học chuyên ngành nhân văn và dự định tham gia khoá “Bệnh dịch và con người” vào cuối năm nay.

 

Giảng viên Cathy Grisé ở McMaster đã đặt lại tên cho khoá học “Truyền thuyết về những phụ nữ tuyệt vời của thời trung cổ” của mình vì bà cho rằng “thế hệ Internet sẽ thấy cái tên này thật đáng kinh hãi. Và cái tên đó quá dài. Các em sinh viên sẽ thích những cái tên ấn tượng hơn”.

 

Tên mới của khoá học là gì? “Những phụ nữ ngoan, những cô gái hư”. Số sinh viên đăng ký học tăng vọt.

 

Nhưng liệu việc “trang trí” cho những cái tên của các khoá học có khiến chúng bị hạ thấp không?

 

“Hoàn toàn ngược lại” - theo giảng viên Michael Egan ở McMaster. Khoá học của ông là “Lịch sử của tương lai” nghiên cứu việc xã hội đã tưởng tượng về tương lai ra sao, kiểu như trong sách truyện chẳng hạn.

 

“Tôi không quảng cáo để cho ra những tấm bằng dễ dàng hơn. Trong một khoá học thông thường, sinh viên có thể dựa vào sách giáo khoa và giấy ghi chú” - ông nói - “Còn trong một khoá học như thế này, sinh viên phải tự vận dụng suy nghĩ phân tích và tổng hợp của mình”.

 

Sinh viên đang “đói” sự sáng tạo

 

Sinh viên cũng đang hớn hở ghi danh cho “Thi pháp của Barack Obama”, một khoá học mới sẽ bắt đầu vào tháng 1/2010 ở trường Western. Sinh viên sẽ so sánh các cuốn sách của Tổng thống Obama với những cuốn hồi ký khác của người Mỹ - Phi, phân tích khía cạnh thi ca trong những bài phát biểu của Tổng thống, đồng thời nghiên cứu vấn đề chủng tộc đối với những người nổi tiếng. Sinh viên cũng sẽ được nghe một số loại nhạc ưa thích của Tổng thống Obama, từ Earth, Wind and Fire đến Jay-Z.

 

“Sinh viên đang đói những cách nghĩ sáng tạo, nhưng công việc của giáo viên là phải đảm bảo chương trình học sẽ gợi thật nhiều suy nghĩ sâu sắc” - theo giảng viên Joshua Schuster.

 

Tuy nhiên, theo trào lưu này thì một số khoá học lại có tên hơi bị dễ dãi - David Docherty cảnh báo.

 

Nhiều người cũng hỏi giảng viên Lorraine York ở McMaster là tại sao “Hiệu ứng Oprah” lại được chấp thuận làm tên một khoá học về tiếng Anh và nghiên cứu văn hoá.

 

“Nhưng rồi họ đọc phác thảo về khoá học và thấy rằng sinh viên phải đọc rất nhiều trong khoá này; và chúng tôi cũng có những bài phê bình, phân tích về người nổi tiếng trong lĩnh vực văn hoá, cũng như một nước Mỹ sau thời phân biệt chủng tộc. Và mọi người đều nhận ra đây là một khoá học thách thức ra sao” - ông York kể.

 

“Những cái tên như vậy cho giáo viên chúng tôi sự tự do để sáng tạo” - ông kết luận.

 

Theo Đặng Mỹ Dung
Sinh Viên Việt Nam