Những cao thủ trường Amsterdam "săn" học bổng Mỹ

Thành tích học tập “đỉnh”, hoạt động ngoại khóa năng nổ, ba thủ lĩnh 9X trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam được hàng chục đại học danh giá ở Mỹ cấp học bổng toàn phần. Đó là Đàm Ngọc Kim Anh, Trương Thái An và Trần Việt Linh.

Trương Thái An (
Trương Thái An (bìa trái) và Đàm Ngọc Kim Anh chia sẻ tại hội thảo du học Vietaboarder 2013.
 
Chinh phục 11 trường Đại học “khủng”
 
Xinh xắn, thông minh, Đàm Ngọc Kim Anh (SN 1995) khiến cư dân trường “Am” nể phục khi vừa chinh phục 11 trường đại học danh tiếng của Mỹ, như: Cornell University (top 15 đại học Mỹ), George Town University (top 30), Brandeis University (top 35)…
 
Cuối cùng, Kim Anh chọn University of Pennsylvania, một trong 8 trường Ivy League danh giá; đứng thứ 8 trên bảng xếp hạng ở Mỹ, thứ 15 thế giới. Kim Anh nhận học bổng toàn phần.
 
Kim Anh vốn là thủ khoa chuyên Anh đầu vào trường Amsterdam. Suốt ba năm THPT, Kim Anh là lớp phó học tập và luôn đứng trong top đầu của lớp Anh. Liên tiếp hai năm lớp 11, 12 cô giành giải Nhất quốc gia môn tiếng Anh.
 
Điểm SAT (kỳ thi chuẩn hóa cho việc đăng ký vào một số đại học tại Hoa Kỳ gồm 3 phần: Toán, đọc hiểu và viết) của Kim Anh đạt gần tối đa 2320/2400; TOEFL được 113/120 điểm.
 
Nói về bí quyết học giỏi tiếng Anh, Kim Anh chia sẻ: “Tiếng Anh là ngôn ngữ học qua việc sử dụng thì dễ dàng hơn so với học trên sách vở. Vì thế, em thích đọc các truyện ngắn, nghe nhạc, xem phim bằng tiếng Anh”. Bên cạnh đó, cô còn thành lập CLB đọc sách trong lớp, giúp các bạn cùng đọc và thảo luận về một cuốn sách nào đó.
 
Không chỉ học giỏi, Kim Anh còn năng nổ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ở trường, Kim Anh là Chủ tịch CLB Tranh luận và hùng biện; sáng lập viên tạp chí nội bộ E-times (2-3 tháng/số) kênh cung cấp thông tin về du học ở Mỹ; tạo sự kết nối để những du học sinh đang theo học tại Mỹ chia sẻ về việc học hành, cuộc sống, kỹ năng làm một hồ sơ đăng ký học bổng… Ngoài ra, cô còn tham gia tổ chức tạo diễn đàn cho các bạn trẻ tranh luận, đưa ra giải pháp trước những vấn đề mang tính toàn cầu như: Hội thảo Model United Nations, phiên họp giả lập Liên Hợp Quốc…
 
Mùa thu tới, Kim Anh sẽ nhập học University of Pennsylvania. Cô cho biết dự định sẽ học Hóa học để theo đuổi sở thích và ước mơ làm bác sĩ.
 
Lan tỏa văn hóa Việt
 
Cùng lớp với Kim Anh, Trương Thái An được nhận vào trường tiếng tăm không kém, ĐH Brown (một trong 8 trường ĐH lâu đời và nổi tiếng nhất tại Mỹ). An chia sẻ: “Đây là trường em thích nhất. Em đã chọn hình thức nộp hồ sơ sớm vào trường”.
 
Đợt đầu nộp hồ sơ, Thái An gây được sự chú ý khi từng giành được học bổng, ASSIST (học bổng danh giá chỉ trao cho 5 học sinh Việt Nam hằng năm). Suốt một năm học tại trường Albuquerque Academy (bang New Mexico), An đạt thành tích học tập top đầu của lớp; Tham gia làm kỷ yếu của trường và đoạt giải nhất môn tennis toàn bang.
 
Bên cạnh đó, Thái An gây ấn tượng với khả năng sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và chơi đàn piano. Thậm chí, trong thời gian dài, An đi dạy thêm tiếng Tây Ban Nha và đàn piano để vừa nâng cao kiến thức vừa truyền tải, chia sẻ với những người có chung sở thích.
 
Ở trường, An hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa, các CLB, cuộc thi âm nhạc, ngoại ngữ…; Đứng đầu nhóm thực hiện dự án “Eat Hanoi” xây dựng hình ảnh, clip giới thiệu các món ăn và địa điểm, không gian quán cho các bạn trẻ… trên mạng xã hội Facebook, Youtube với tên EatHanoi.
 
Trong bài luận gửi tới ĐH Brown, An còn tạo dấu ấn khi viết về việc đi xe máy khám phá nét cổ kính, hiện đại và sự thân thiện của Hà Nội.
 
Tại ĐH Brown, Thái An dự định theo học ngành Quan hệ quốc tế (International Relations) vì sở thích khám phá các đất nước, văn hóa, và con người. Mục tiêu của cậu là tích lũy càng nhiều kiến thức càng tốt, xây dựng các mối quan hệ lâu dài và đi nhiều nước để thực hiện các dự án nghiên cứu cho ngành theo học.
 
Thái An còn dự định tổ chức ngày hội văn hóa Việt Nam tại trường, giới thiệu tới bạn bè quốc tế lịch sử, văn hóa, ẩm thực, con người Việt Nam. Đặc biệt, giới thiệu ngôn ngữ Việt Nam. An lý giải: “Sự khác biệt của tiếng Việt khiến các bạn cùng lớp bên Mỹ rất thích thú, nhất là khi họ được em dạy nói tiếng Việt”.
 
Du học và kết nối
 
Suốt thời gian học tại trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Trần Việt Linh (SN 1994; chuyên Hóa) khá đình đám về thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa. Linh từng là thủ khoa chuyên Hóa (Amsterdam) đầu vào, đạt giải Nhì môn Hóa học cấp Thành phố năm lớp 12; Bí thư đoàn trường liên tục lãnh đạo các hoạt động sôi nổi như: Ngày hội anh tài, Made in 12…; Tốt nghiệp THPT, được ba trường ĐH ở Mỹ (University of Richmond, University Furman College, University Dickinson College) cấp học bổng nhưng Việt Linh quyết định ở nhà một năm và cũng không thi ĐH vì cảm thấy con đường du học vẫn còn mông lung; bản thân Linh còn dang dở nhiều dự định.
 
Trần Việt Linh nhận học bổng toàn phần 58 ngàn USD/năm.
Trần Việt Linh nhận học bổng toàn phần 58 ngàn USD/năm.
 
Cựu bí thư Đoàn trường chia sẻ, nhiều bạn nộp hồ xin du học chỉ quan tâm tới danh tiếng, thứ hạng của trường mà chưa thực sự xác định được hướng đi, mục tiêu cụ thể; mức độ phù hợp với bản thân…“Em không thi ĐH vì không muốn bị chi phối tâm lý “phương án dự phòng”. Em chỉ chọn một con đường duy nhất, sẽ quyết tâm cố gắng hơn”.
 
Trong một năm ở nhà, Linh đã trưởng thành và gặt hái thành công hơn. Việt Linh chia sẻ: “Em tiếp tục tham gia ban nội dung cho tổ chức Vietaboarder, cùng sáng lập ra Ams Connect kết nối các thế hệ học sinh của trường Amsterdam với nhau, học guitar... Điều này góp phần tạo bước đệm quan trọng cho em khi sang Mỹ du học”.
 
Đặc biệt, năm nay hơn 10 trường ĐH Mỹ cấp học bổng cho Linh, trong đó có ĐH nổi tiếng Washington and Lee với mức học bổng toàn phần, 58 ngàn USD/năm. Việt Linh cho hay dự định sẽ theo ngành học kinh tế hoặc về chính trị đúng với sở thích, ước muốn.
 
Chinh phục được học bổng của nhiều trường ĐH tại Mỹ, ba “cao thủ” 9X trường Amsterdam chia sẻ bí kíp trong khâu chuẩn bị hồ sơ. Theo Kim Anh, điểm mạnh hồ sơ của bạn khiến các trường top đầu lựa chọn là thể hiện được sự đồng nhất và nỗ lực bền bỉ trong các lĩnh vực học tập, ngoại khóa. Thái An cho biết thêm: “Cần xác định mục tiêu du học sớm để đạt kết quả cao trong học tập, đồng thời hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa hoàn thiện các kỹ năng sống”.
 
Đánh giá bài luận chiếm 40% tỉ lệ thành công được các trường chấp nhận, Việt Linh còn chia sẻ, cần tạo sự khác biệt. Trong hồ sơ, Linh trình bày như một cuốn sách về mình với cả ảnh minh họa thể hiện khả năng qua các hoạt động ngoại khoá, thành tích, vai trò của thủ lĩnh...
 

Để chuẩn bị tốt cho việc nộp hồ sơ, ba “cao thủ’ 9X Amsterdam khuyên nên bắt đầu sớm. Quá trình làm hồ sơ đòi hỏi nhiều giai đoạn: Thi các bài TOEFL và SAT, chọn trường, viết bài luận, xin thư giới thiệu của thầy cô..., tốt nhất là chuẩn bị vào khoảng lớp 11.

Trong suốt thời gian này, vừa nỗ lực đạt các thành tích, điểm số cao trong học tập; đồng thời tham gia hoạt động ngoại khóa khẳng định bản thân...

 
Theo Mai Xuân Tùng
Tiền Phong