Những “bà đỡ” của giáo dục vùng cao
(Dân trí) - Tiếng Việt đối với trẻ em dân tộc thiểu số giống như ngoại ngữ. Chính vì vậy, con đường đến trường của học sinh vùng cao không chỉ vì cách núi, ngăn sông mà còn chính bởi ngôn ngữ. Giáo dục vùng cao rất cần những “bà đỡ” để học sinh đến trường.
Học sinh dân tộc ở huyện Văn Chấn - Yên Bái
Cô - trò không hiểu tiếng nói của nhau
Tiếng Việt đối với học sinh các dân tộc thiểu số của Việt Nam cũng giống như học sinh người Kinh học tiếng Anh, tiếng Đức... Trong khi đó, cô giáo chủ yếu là người Kinh không nói được tiếng Thái, tiếng Mường... Cô và trò khó giao tiếp được với nhau đó là thực tế tại nhiều tỉnh vùng cao miền núi phía Bắc.
Cô Lò Thị Én Xuân, giáo viên trường phổ thông Dân tộc nội trú Nậm Mười, Văn Chấn, Yên Bái cho biết, học sinh người dân tộc không biết tiếng Kinh, cô không biết tiếng H’Mông, trong lớp, không ai hiểu ai nói gì. Hơn nữa cô giáo lại không hiểu được phong tục tập quán của đồng bào từng dân tộc, nên việc đến lớp, giao tiếp giữa cô và trò vô cùng căng thẳng. Học sinh ngại đến lớp vì thấy không hiểu cô giáo nói gì.
Không chỉ trò vất vả mà các giáo viên cũng rất vất vả. Đối với học sinh lớp 1, ngay cả khi cô giáo có thể giao tiếp được với học trò thì sự hạn chế về ngôn ngữ cũng khiến cô không thể giải thích nhiều hơn nội dung bài giảng. Những lúc gặp phải từ hiếm hoặc khó có thể tìm từ tương đồng giữa hai ngôn ngũ thì cô và trò đành chịu. Tình trạng chung của các lớp tiểu học vùng cao đó là các em thích học và học môn Toán tốt hơn môn tiếng Việt.
Cô Giàng Thị Nu trường phổ thông dân tộc nội trú Suối Giàng cho biết, có những học sinh học đến lớp 5 rồi nhưng vẫn chưa đọc thông viết thạo. Hằng ngày trên lớp, cô nói hết hơi, trò căng hết tai để nghe nhưng đến tối về gia đình lại giao tiếp bằng bản ngữ, hôm sau đến lớp 10 từ hôm trước rơi mất chỉ còn hai ba từ. Đặc biệt là ở các lớp học ở những vùng khó khăn hiện còn rất nhiều lớp ghép với nhiều độ tuổi, nhiều lớp do thiếu giáo viên, cơ sở vật chất. Vì vậy, việc dạy và học tiếng Việt ở những lớp học này cũng là một thách thức đối với giáo viên.
Một hiệu phó trưởng trường tiểu học của huyện Văn Chấn, Yên Bái cho biết, những em học sinh lớp 1 chưa biết một từ nào tiếng Kinh nên các em rất sợ đến trường. Vì đến trường phải nói bằng tiếng phổ thông. Các thầy cô giáo giảng dạy ở vùng cao biết ít tiếng dân tộc, khả năng giao tiếp 100% bằng tiếng dân tộc là không có nên hạn chế nhiều khả năng giảng dạy của thầy cô. Các thầy cô muốn trao đổi tình hình học tập ở trường với phụ huynh cũng rất khó khăn. Rồi khi học sinh không đến lớp, để vận động được học sinh đi học, thầy cô phải kết hợp với trưởng thôn bản thì mới thuyết phục được phụ huynh. Rào cản ngôn ngữ thực sự không chỉ gây khó khăn cho học sinh khi tiếp thu bài giảng mà đối với giáo viên, nó cũng thực sự là một bức tường ngăn cách với phụ huynh và học sinh.
Giáo sinh Giàng Thị Nu
Bà mẹ trợ giảng – bà “đỡ” cho giáo dục vùng cao
Năm 2009, chương trình Bà mẹ trợ giảng (BMTC) của World Vision (WV) bắt đầu từ hai huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên với 3 BMTG.
Công việc chính của các BMTG đó là hỗ trợ cô giáo trong giảng dạy bằng cách dịch từ tiếng phổ thông sang tiếng dân tộc cho học sinh hiểu. Chính vì vậy, BMTG ngoài điều kiện là người địa phương, yêu trẻ, muốn gắn bó với giáo dục thì còn phải thông thạo tiếng Việt.
BMTG Lý Thị Dinh đã làm việc tại trường mầm non xã Xá Nhè, Tủa Chùa, Điện Biên được 5 năm nay. Dinh kể, buổi đầu tiên đến trường, trong trang phục của người H’Mông, trẻ ở trường ùa ra, thích thú vì có “cô giáo” mặc giống mình”.
Mới lớp 3 tuổi, lớp 4 tuổi hay lớp 5 tuổi nhưng trẻ đến líu lo hỏi chuyện bằng ngôn ngữ của dân tộc các em. Dần dần, hình ảnh của “cô giáo Dinh” trở nên quen thuộc đối với trẻ ở trường mầm non Xá Nhè. Buổi sáng, Dinh đón trẻ cùng các cô. Sau đó sẽ có một tiết trò chuyện cùng trẻ, hỗ trợ giáo viên khi cần. Với hoạt động góc, Dinh nhập vai chơi cùng trẻ. Buổi chiều sau ngủ dạy chơi cùng trẻ, nếu có trò chơi mới thì hướng dẫn trò chơi mới cho trẻ rồi dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Kết thúc ngày học là trả trẻ cùng cô. Hàng tuần, Dinh lên lớp 5 ngày/tuần giống như lịch của cô giáo.
Cô giáo Lý Thị Dinh
Giáo sinh Giàng Thị Nu, 20 tuổi, giáo viên trợ giảng trường dân tộc bán trú tiểu học Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái cho hay, trường có tới 98% học sinh là người dân tộc H’Mông, các em đều rất khó khăn tiếp cận tiếng Việt. Nu không chỉ trợ giảng một lớp mà trợ giảng rất nhiều lớp trong trường. Kể về một tiết học của mình, Nu cho biết: khi bước chân vào lớp, đầu tiên là hướng dẫn học sinh chơi một trò chơi hướng đến bài học hôm đó. Khi vào bài học, Nu sẽ giải thích, giải nghĩa các từ khó để học sinh hiểu rồi mới đến giáo viên chính.
Với những học sinh bắt đầu vào lớp 1, khả năng tiếng Việt của các em rất hạn chế vì ở nhà bố mẹ không nói tiếng Việt. Thậm chí có những gia đình bố mẹ học đến lớp 5 nhưng vẫn không nói được tiếng Việt Nhiều, còn những gia đình khó khăn thì không biết tiếng phổ thông. Trường của Nu có 423 học sinh. Trường Suối Giàng có 2 cô trợ giảng. Sau một năm hỗ trợ cũng giáo viên, điều Nu thấy là học sinh đã tiến bộ rất nhiều.
Hiện nay, mô hình BMTG đã được nhân rộng ra 8 trường mầm non của Điện Biên. 698/3159 trẻ người dân tộc được hưởng lợi trực tiếp từ mô hình, chiếm 22%, với 26 bà mẹ trợ giảng.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình này tại Điện Biên sau 5 năm triển khai, cô Nguyễn Thị Huân, trưởng phòng giáo dục huyện Tủa Chùa khẳng định: “Sự có mặt của BMTG đã làm thay đổi rất đáng kể trong việc dạy và học tiếng Việt ở các trường mầm non, tiểu học vùng cao. Trẻ đã thích đến lớp hơn và tỷ lệ đến trường đã cao hơn trước kia”.
BMTG là một giảng pháp để trẻ dân tộc thiểu số vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đáp ứng được yêu cầu học tập. Bên cạnh đó, theo các nghiên cứu của ngành giáo dục, những khó khăn về ngôn ngữ của trẻ chủ yếu tập trung ở lứa tuổi mầm non. Vượt qua được ngưỡng cửa này, trẻ sẽ nhanh chóng và dễ dàng hòa nhập với các trẻ người Kinh.
Lam Yên