Nhu cầu học MBA tăng vọt

Nhà báo Della Bradshaw trên tờ Financial Times có đoạn phân tích: Với tình hình lương tối thiểu cho MBA tăng vọt như hiện nay, đặc biệt là dân số trẻ tuổi từ 25-29 tăng mạnh sẽ kéo theo nhu cầu học MBA lên cao.

Trong bối cảnh đó, các trường đào tạo quản trị kinh doanh phải nỗ lực vươn mình ra thế giới để "thâu tóm" những học viên ưu tú nhất, đồng thời, bố trí chương trình đào tạo linh hoạt hơn.

 

Nhiều học viện quản trị kinh doanh tại Mỹ đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi số lượng học viên đăng ký theo học các khoá MBA tăng trở lại sau 4 năm giảm liên tục.

 

Có hai yếu tố để chứng minh cho sự tăng trưởng trở lại này của các học viện quản trị kinh doanh: một là số lượng nhà tuyển dụng muốn thuê những nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp các khoá MBA; hai là lượng người đăng ký tham gia các khoá MBA của trường.

 

Lương tối thiểu cho MBA tăng vọt

 

Đối với yếu tố đầu tiên thì trong năm 2005, cả số lượng các nhà tuyển dụng đến các học viện quản trị kinh doanh tại Mỹ cũng như mức lương trả cho các nghiên cứu sinh đã tốt nghiệp đều tăng. Jacqueline Wilbur - Giám đốc trung tâm việc làm của Học viện kỹ thuật Massachusetts (MIT) cho biết giới tài chính ngân hàng đã tăng mức lương tối thiểu từ 10.000 lên 95.000 đô la Mỹ. Cô cũng cho biết thêm: “Đây là lần tăng mức lương tối thiểu đầu tiên kể từ năm 1996”. Các công ty tư vấn lớn cũng nâng mức lương tối thiểu lên 5.000 đô la"…

 

Thật không có gì đáng ngạc nhiên khi mà địa điểm của trường ĐH Columbia gần phố Wall thì các cơ hội làm việc lại là trong lĩnh vực ngân hàng và tài chính. Giáo sư Hubbard cho rằng các công ty ở Phố Wall làm như vậy là vì họ đang săn tìm những người có năng khiếu trong lĩnh vực này.

 

Theo các số liệu trong bảng xếp hạng các chương trình MBA trên toàn thế giới của tờ Thời báo tài chính (Financial Times) thì cơ hội có việc làm cho các nghiên cứu sinh sau khi đã tốt nghiệp đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực. Ví dụ trong năm 2002 có 12% nghiên cứu sinh của 10 học viện hàng đầu tại Mỹ không có việc làm trong vòng 3 tháng đầu sau khi tốt nghiệp. Các số liệu thống kê trong năm nay cho thấy tỉ lệ này đã giảm xuống còn 8%.

 

Đối với những học viện đứng càng về phía đầu của bảng xếp hạng thì sự thay đổi đó lại càng lớn. Trong năm 2002,  tại học viện Cornell, chỉ có 74% số học viên tốt nghiệp có việc làm ngay trong vòng 3 tháng đầu. Tại học viện Anderson thuộc trường ĐH UCLA, con số này là 73%. Năm 2005, con số này lần lượt là 88% và 94%.

 

Dân số tuổi từ 25 -29 tăng mạnh: Nhu cầu học MBA tăng theo

 

Sự tăng trưởng trở lại này còn thể hiện ở lượng người tìm đến với các chương trình MBA. Trong năm 2005, số lượng học viên nhập học trên toàn  thế giới còn ở mức rất thấp, ước tính số học viên nhập học của năm 2005 giảm 30% so với năm 2004. Ví dụ tại Anh ngoại trừ học viện quản trị kinh doanh Said thuộc trường ĐH Oxford có số lượng học viên nhập học không giảm, còn lại con số này ở những học viện khác đều giảm mạnh.  Tuy nhiên tình hình đã trở nên khả quan hơn khi mà lượng người đăng ký theo học các khoá MBA đã tăng trở lại trong năm nay. “Chúng ta có thể hi vọng vào một thời kỳ tăng trưởng mới và tại Mỹ sự tăng trưởng nhanh chóng này sẽ còn tiếp tục đến năm 2010”, bà Beth Flye, trợ lý hiệu trưởng học viện Kellogg thuộc trường ĐH Northwestern cho biết.

 

Các số liệu thống kê từ Uỷ ban điều tra dân số của Mỹ cho thấy lượng người trong độ tuổi từ 25 đến 29 trên toàn thế giới sẽ tăng mạnh từ 510 triệu trong năm 2005 lên 600 triệu vào năm 2015. Đây là nhóm người có nhu cầu tham gia các khoá MBA lớn nhất. 

 

Tại Bắc Mỹ, số người trong độ tuổi trên cũng sẽ tăng từ 22 triệu lên 24,5 triệu trong giai đoạn 2005 – 2015. Tại Châu Âu (cả Đông Âu và Tây Âu) thì ngược lại, theo các số liệu thống kê thì số người trong độ tuổi từ 25 đến 29 sẽ giảm. Tuy nhiên, sự tăng trưởng lớn nhất vẫn thuộc về Châu Á khi mà số lượng người có khả năng sẽ tham gia các khoá MBA tăng từ 290 triệu trong năm 2005 lên 350 triệu vào năm 2015. Tại Châu Mỹ Latinh, số người trong độ tuổi trên cũng sẽ tăng rất nhanh.

 

Trường quản trị kinh doanh: Nỗ lực vươn ra thế giới!

 

Điều này cũng có nghĩa là các học viên tham gia các khoá MBA sẽ phần lớn là từ những nước có rất ít các chương trình đào tạo MBA, Dezso Horváth - hiệu trưởng học viện Schulich thuộc ĐH York ở Toronto, đã chỉ ra như vậy. Ông cũng cho biết: điều nãy cũng đồng thời có nghĩa là các học viện quản trị kinh doanh sẽ cần vươn ra với thế giới nhiều hơn nếu họ muốn thu hút được những học viên ưu tú nhất.

 

Giáo sư Horváth cho rằng: “Các chương trình MBA sẽ ngày càng trở thành các chương trình xuyên quốc gia – cũng giống như các tập đoàn trên thế giới hiện nay”.

 

Rất nhiều học viện tại Mỹ cũng đã nhận ra điều này. Học viện Smith thuộc trường ĐH Maryland là một ví dụ. Cụ thể là trường đã bắt đầu chương trình đào tạo tại nước ngoài đầu tiên của mình tại Trung Quốc vào năm 2001. Hiện nay trường đã mở rộng việc đào tạo ra cả 4 châu lục: Bắc Mỹ (tại Washington), Châu Âu (tại Zurich), Châu Á (tại Bắc Kinh và Thượng Hải) và Châu Phi (tại Tunis).

 

Cũng đã có một vài tín hiệu cho thấy đã có một sự biến chuyển trong cách nghĩ của các học viên Mỹ tuy rằng hãy còn rất chậm. Theo các số liệu thống kê của GMAC (Hội đồng quản lý tuyển sinh bậc sau ĐH), mặc dù hơn 98% học viên Mỹ vẫn chọn theo học tại các học viện tại nước mình nhưng con số những người chọn Tây Âu là nơi để họ dành thời gian theo học các khoá MBA vẫn liên tục tăng lên. 

 

Trong năm 2000, các công dân Mỹ đã gửi 2.305 bản kết quả kiểm tra GMAC đến các học viện ở các nước Tấy Âu. Năm 2005 con số này là 3.701, con số này đánh dấu sự tăng trưởng 62%.

 

Nghiên cứu sinh Mỹ thường chon những trường danh tiếng ví dụ như Insead và Học viện quản trị kinh doanh London. Nhưng năm nay thì khác, học viện HEC Pari thông báo rằng nhóm HS đông nhất là đến từ Mỹ…

 

Trong khi các học viên Mỹ đang bắt đầu quan tâm hơn đến hệ thống đa văn hoá của châu Âu, Frank Brown, người sắp giữ cương vị hiệu trưởng của học viện Insead vào mùa hè này tin rằng vẫn còn có nhiều thứ để làm nhằm thuyết phục các công ty của Mỹ tiến hành việc tuyển dụng tại Châu Âu. Ông Brown cho rằng đây là một cơ hội vô cùng lớn.

 

Giảm thời gian học: Tăng lượng thí sinh

 

Ông Brown cũng tin rằng mô hình MBA một năm sẽ ngày càng thu hút những công ty Mỹ. Ở các nước châu Mỹ, một số học viện quản trị kinh doanh đã cắt giảm chương trình học xuống còn 12 tháng.

 

Tại học viên Ivey thuộc trường ĐH University of Western Ontario, hiệu trưởng Carol Stephenson tin rằng mô hình một năm là một hướng đi đúng.

 

“Các học viên muốn tập trung cao độ vào khoá học của mình và hoàn thành nó thật sớm” bà Stephenson cho biết. Bà cho rằng: “Cái giá phải trả để bỏ ra quãng thời gian 2 năm theo học một khoá MBA thay vì đi làm quả là rất lớn.”

 

Học viện quản trị kinh doanh hàng đầu của Argentina IAE cũng đã rút ngắn thời gian chương trình MBA của mình từ 16 xuống còn 12 tháng và tìm cách thu hút nhiều nghiên cứu sinh hơn, kể cả các nghiên cứu sinh quốc tế. Hiệu trưởng của học viện IAE, Fernando Fragueiro nhận định rằng: “sự thay đổi trong quan điểm của các doanh nghiệp đối với  loại hình MBA mới này là một trong những lý do khiến cho mô hình MBA một năm trở nên phổ biến”. Ông cho biết thêm: “chương trình MBA giờ đây được coi là lựa chọn đầu tiên (đối với các công việc trong lĩnh vực quản trị) của các công ty khi tạo điều kiện cho những nhà quản lý của mình nâng cao kỹ năng.”    .

 

Tại Mỹ, con số học viên chuyển qua học theo mô hình một năm ngày càng tăng. Robert Sullivan - hiệu trưởng học viện Rady thuộc trường ĐH UC San Diego hi vọng sẽ giảm được thời gian chương trình MBA của trường mình xuống còn 12 tháng. Ông tin rằng đây chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các học viện khác tại Mỹ ra mắt các khoá học 1 năm của mình.  Vị hiệu trưởng này cho biết: “Tôi nghĩ là sẽ không có trục trặc gì xảy ra.”

 

Rõ ràng, ông ta dự đoán rằng một số những học viện quản trị kinh doanh hàng đầu của Mỹ sẽ theo đuổi xu thế mới này. 

 

Theo Vietnamnet/Financial Times