Nhóm tuổi 35 - 55 thiếu trầm trọng kỹ năng lao động

Mất chênh lệch kỹ năng trong độ tuổi lao động được coi là nguyên nhân chính làm năng suất lao động Việt Nam đạt thấp.

Năng suất lao động thấp do mất cân đối kỹ năng lao động. Ảnh minh họa
Năng suất lao động thấp do mất cân đối kỹ năng lao động. Ảnh minh họa

Phân tích về tình trạng năng suất lao động Việt Nam đạt thấp thời gian qua, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chỉ có người dân cảm thấy bức xúc, còn các chuyên gia kinh tế không lạ về tình trạng đó.

Không phải đến nay, khi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam công bố báo cáo về năng suất lao động Việt Nam thấp hơn nhiều nước khu vực và chỉ ngang bằng với Lào hoặc nhỉnh hơn Campuchia, cơ quan chức năng, chuyên gia kinh tế ở nước ta mới biết.

Thực tế, các cơ quan của Việt Nam năm nào cũng có những báo cáo lao động nhưng được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau và khi đưa báo cáo người dân lại chưa tin.

Theo PGS. TS Nguyễn Bá Ngọc – Viện Khoa học Lao động và Xã hội, vấn đề đặt ra hiện nay là đào tạo nhân lực ở Việt Nam lại chưa gắn với nhu cầu của thị trường cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh học sinh, sinh viên ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Cụ thể, vào năm 2012, Ngân hàng thế giới công bố kết quả khảo sát về mức độ đáp ứng các kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học so với yêu cầu của nhà tuyển dụng tại 7 quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy, thái độ làm việc được đánh giá ở mức thiếu hụt nghiêm trọng đối với lực lượng lao động Việt Nam. Các kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng công nghệ thông tin, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết vấn đề thiếu hụt lớn.

Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2014 cũng cho thấy, phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp hay còn hiểu là thiếu kỹ năng hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề - thiếu hụt người lao động có tay nghề.

Khảo sát của ILSSA – Manpower năm 2013 cũng cho thấy, tình hình tương tự. 30% doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong tuyển dụng laon động trực tiếp và nhân viên văn phòng. Ý thức về chất lượng và đúng giờ/đáng tin cậy là những kỹ năng thiếu hụt lớn nhất, với khoảng 30% trong nhóm lao động trực tiếp và quản lý phân xưởng.

Những kỹ năng thiếu hụt tiếp theo là khả năng thích nghi với những thay đổi, khả năng làm việc nhóm, khả năng nhận biết tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng máy tính cơ bản. Điều này phản ánh một thực tế là chất lượng đào tọa ở nước ta thấp, lao động ở Việt Nam đang làm việc tại những vị trí đòi hỏi trình độ đào tạo cao hoặc thậm chí thấp hơn so với những kỹ năng đang có – thừa hoặc thiếu hụt kỹ năng.

Sử dụng phương pháp đánh giá mức độ phù hợp kỹ năng dựa trên phân loại các nhóm nghề chính ISCO - 88 và phân loại trình độ học vấn phù hợp với các tiêu chuẩn phân loại giáo dục quốc tế (ISCED) đối với lao động đang làm việc ở Việt Nam cho thấy, năm 2007 có 28,6% lao động làm những công việc không phù hợp với trình độ đào tạo, trong đó 4,7% lao động đang làm những công việc thấp hơn trình độ đào tạo (thừa kỹ năng), 23,9% đang làm những việc cao hơn trình độ dào tạo (thiếu kỹ năng).

PGS. TS Nguyễn Bá Ngọc cho rằng, con số này đã tăng lên rất nhiều vào năm 2013 với các chỉ số lần lượt là 49,8%, 5,9%, 43,9%. Đặc biệt, đối với lao động thiếu kỹ năng, tỷ lệ đã tăng lên gần gấp 2 lần.

Một nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cũng cho thấy, lao động thường kỹ năng có tỷ lệ cao tại các nhóm lao động có trình độ trung cấp và cao đẳng (63% và 40%). Tỷ lệ lao động thiếu kỹ năng của nhóm lao động không có chuyên môn kỹ thuật đã tăng vọt từ 28% năm 2007 lên 25% năm 2013.

Có đến 40% lao động đang làm việc trong các nghề nhân viên sơ cấp là lao động thừa kỹ năng. Trong khi đó, tỷ lệ lao động thiếu kỹ năng đặc biệt cao trong các nghề lao động có kỹ năng trong nông nghiệp, nhân viên bán hàng, dịch vụ, bảo vệ, thợ thủ công (96%, 88%, 86%).

Nghiên cứu cũng chỉ ra, đó chính là những nhóm nghề đang sử dụng rất nhiều lao động không qua đào tạo, không có chuyên môn kỹ thuật. Việc sử dụng lao động không qua đào tạo và những công việc đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật là một nguyên nhân chính làm năng suất lao động thấp.

 Hiện lao động là nam giới có tỷ lệ làm việc không phù hợp với trình độ đào tạo cao hơn nữ giới. Nếu giai đoạn trước, lao động thừa kỹ năng có tỷ lệ cao hơn ở nhóm tuổi cao (45 trở lên) và lao động thiếu kỹ năng rơi vào nhóm lao động trẻ nhiều hơn (dưới 35), trong giai đoạn sau đó, lao động trẻ dưới 25 tuổi lại là nhóm có tỷ lệ lao động thừa kỹ năng cao nhất và nhóm tuổi có tỷ lệ lao động thiếu kỹ năng cao nhất là 35 - 55 tuổi.


Theo Báo Năng suất Việt Nam