Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11:

Nhớ thầy Ngụy Như Kon Tum

(Dân trí) - “Thầy Tum” là tiếng gọi thân mật của nhiều thế hệ học trò đối với Giáo sư Ngụy Như Kon Tum - Hiệu trưởng đầu tiên của trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội Vật lý Việt Nam.

Thầy là trí thức Việt Nam đầu tiên chọn ngành vật lý để theo đuổi suốt đời mình, đã từng là người học trò yêu quý của nhà bác học lỗi lạc Giô-li-ô Quy-ri.

 

Năm 1990, thầy Tum 77 tuổi mà tinh thần vẫn còn minh mẫn. Vẫn nụ cười hiền từ, độ lượng; vẫn cách nói chậm rãi, từ tốn. Khi nói chuyện với các học trò của mình, đôi mắt Thầy bao giờ cũng ánh lên niềm tin yêu, thể hiện cái tâm thật sáng của người thầy.

 

Có một lần, mấy giáo sư, vốn là học trò cũ đến thăm Thầy Tum, tỏ ý băn khoăn không biết vì sao Thầy chưa được phong Nhà giáo Nhân dân, trong khi các học trò của Thầy đã được phong danh hiệu đó rồi. Thầy cười đôn hậu, thoải mái và từ tốn nói: - Chỉ sợ người ta phong cho mình những danh hiệu mà mình không có thì thật đáng băn khoăn. Còn nếu người ta đánh giá mình có thấp một chút thì có sao đâu. Lương tâm mình chẳng có điều gì phải áy náy.

 

Giáo sư Ngụy Như Kon Tum đã được Nhà nước phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân vào dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1990.  Thầy mất năm 1991.

Lại có lần Thầy nói với các học trò của mình rằng: “Cái quan trọng nhất đối với người làm khoa học là đức tính trung thực. Cái gì biết bảo là biết, còn cái gì không biết bảo là không, như thế mới là biết”. Rồi Thầy nhắc một câu châm ngôn tiếng Pháp: “Nhà bác học, đó là người biết rõ cái mà mình không biết” (Le savant, c’est celui qui sait ce qu’il ne sait pas).

 

Đừng chọn nghề quan trường

 

Nhân một lần đến thăm Thầy Tum, tôi xin phép được tò mò hỏi Thầy:

 

Trong khoá thi tú tài ở Đông Dương năm 1933, Thầy đỗ đầu cả ba bằng tú tài: tú tài bản xứ và hai “tú tài Tây” là tú tài Toán và tú tài Triết. Nếu nghĩ theo cách nghĩ thông thường ở thời đó thì trước mắt cậu tú “tam nguyên” không thiếu gì con đường danh vọng để kén chọn. Không biết vì sao cậu tú 20 tuổi lại chọn nghề sư phạm và chọn ngành vật lý?

 

Thầy lại cười, vẫn nụ cười đôn hậu và đôi mắt thông minh ánh lên niềm vui: Cha tôi là một công chức bậc trung, có ý thức giữ gìn nền nếp gia phong. Ông thường khuyên nhủ các con chỉ nên chọn một trong hai nghề: thầy giáo hoặc thầy thuốc, và đừng bao giờ chọn nghề quan trường.

 

Riêng tôi, thấy nghề thầy thuốc mà lúc bấy giờ thường gọi là “quan đốc tờ”, nhiều người hành nghề không phải vì lòng nhân đạo mà vì mục đích làm giàu. Hơn nữa, tôi còn chịu ảnh hưởng của Thầy Đặng Thai Mai. Hồi đó, Thầy vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm về tập sự ở trường Quốc học Huế, dạy tôi môn Văn học Việt Nam ở năm thứ Tư bậc thành chung. Tôi vốn là một học sinh giỏi các môn khoa học tự nhiên, còn kém môn Văn nhưng khi được Thầy Mai dạy, tôi thấy rất yêu nền văn học nước nhà; từ đấy học khá đều các môn. Thế mới biết vai trò của người Thầy quan trọng biết nhường nào. Tấm gương của Thầy Mai khuyến khích tôi có quyết tâm dứt khoát chọn nghề sư phạm.

 

Còn vì sao lại chọn ngành Vật lý ư? Hồi tôi học năm cuối trường Bưởi (trường Chu Văn An Hà Nội bây giờ) để chuẩn bị thi tú tài phần II, có một thầy giáo trẻ tuổi dạy Vật lý rất nhiệt tình, đến hôm nay tôi vẫn nhớ tên Thầy là Noel Olier. Tôi hứng thú học môn Vật lý do Thầy dạy và thấy tôi học giỏi, Thầy khuyên tôi làm đơn xin học bổng để sang Pháp du học. Sau đó, tôi được đọc một số cuốn sách viết rất hay về nguyên tử của Giáo sư Jean Perin (giải thưởng Nobel năm 1926). Từ đó tôi quyết định chọn ngành Vật lý.

 

Tôi được đọc sách của Nguyễn ái Quốc

 

Xin Thầy kể cho nghe những kỷ niệm đáng ghi nhớ trong những ngày du học ở Pháp, hồi còn là sinh viên của trường ĐH Xoóc-bon và sau đó, làm nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm của nhà bác học Giô-li-ô Quy-ri. Có những tác động nào đã giúp cho người trí thức trẻ tuổi hồi đó đi theo con đường yêu nước và tiến bộ?

 

Hồi đó, tôi thường lui tới xóm Latin vừa để chọn những món ăn rẻ tiền vừa là dịp gặp những bạn bè VN. Chúng tôi thường đến quán cơm trệt, có món mực khô xào ăn rất ngon miệng, vừa ăn vừa tâm sự đủ mọi thứ chuyện.

 

Có lần ngồi ăn với anh Lê Viết Hường, tôi khoe mới vừa đọc cuốn “Đông Dương cấp cứu” và tỏ ý băn khoăn về “thiện chí khai hoá” của người Pháp. Anh Hường bảo tôi sẽ cho mượn cuốn sách nói rõ hơn về thực chất của vấn đề mà tôi đang quan tâm, đó là cuốn “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn ái Quốc.

 

Thú thật, đọc xong tác phẩm này, tôi mới hết mơ hồ về những lời đường mật vẫn thường nghe qua miệng của một số chính khách người Pháp thường “khuyên nhủ” trí thức trẻ VN: “Các anh cứ cố gắng học giỏi đi. Nếu xứ Đông Pháp có nhiều người giỏi để tự cai quản được mình thì người Pháp chúng tôi sẵn sàng trả lại quyền tự do cho các anh”.

 

Song bên cạnh những người Pháp thực dân có nhiều thủ đoạn thâm độc, nham hiểm, chúng tôi không bao giờ quên tấm lòng tốt của các giáo sư Pháp có tư tưởng tiến bộ, dân chủ, đã tận tình truyền đạt kiến thức và hướng dẫn các sinh viên, nghiên cứu sinh VN đi theo con đường khoa học chân chính.

 

Sau khi đỗ Thạc sĩ Vật lý, tôi may mắn được nhà bác học Giô-li-ô Quy-ri giúp đỡ để xin được học bổng ở lại làm nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm của ông. Rất tiếc là mới được một năm thì đại chiến thế giới thứ II bùng nổ. Phòng thí nghiệm này bị Bộ quốc phòng Pháp trưng dụng. Giáo sư Giô-li-ô Quy-ri bảo tôi: “Nếu anh muốn tiếp tục ở lại thì phải có hai điều kiện: xin vào quốc tịch Pháp và được Bộ quốc phòng Pháp tuyển dụng. Tôi có thể giúp anh làm điều đó. Nhưng tôi nghĩ rằng đất nước anh cần anh hơn là nước Pháp!”

 

Tôi nghe theo lời khuyên chân thành đó, đành từ bỏ ý định đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu nguyên tử, từ giã người thầy giàu trí tuệ và tốt bụng để trở về nước vào cuối năm 1939. Có  một điều an ủi lớn đối với tôi là khi trở về trường Bưởi, nơi tôi đã từng học những năm trước, để giảng dạy môn Vật lý, tôi được các học sinh yêu mến đến nỗi một nữ giáo sư người Pháp có lần tỏ ra rất buồn rầu, hỏi tôi: “Không hiểu vì sao anh được học trò yêu mến làm vậy, còn tôi...?” Bà ta không nói được hết câu, nước mắt nước mũi trào ra rồi bật tiếng khóc tức tưởi.

 

Tình nghĩa thầy trò thật là vô biên

 

Nghe thầy Tum tâm sự, tôi nhớ lại những ngày còn là SV khoa Vật lý trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Lúc này thầy Tum đã gánh vác nhiệm vụ nặng nề của người Hiệu trưởng, nhưng vẫn dành một giờ giảng chuyên đề về quang phổ. Những ấn tượng tốt đẹp về thầy Hiệu trưởng, tôi vẫn giữ mãi cho đến hôm nay. Lúc nào có dịp tiếp xúc với sinh viên, Thầy cũng thể hiện thái độ hết sức hiền hoà, độ lượng, rất dễ gần, dễ mến.

 

Có lần đến thăm lớp Lý 3 (lớp Vật lý khoá 3) của chúng tôi, Thầy hỏi tình hình học tập và các mặt rèn luyện khác, rồi động viên: “Đã là lớp vật lý mà không phấn đấu trở thành một trong những lớp tiêu biểu của trường thì điều đó thật vô lý!” Nụ cười đôn hậu và đôi mắt ánh lên niềm tin yêu của Thầy đã nói với chúng tôi nhiều hơn những lời Thầy nói.

 

Một buổi sáng mùa thu năm 1990 là lần cuối cùng tôi có dịp đến thăm thầy Tum tại nhà, trong căn phòng đơn sơ, thanh bạch. Khỏi phải nói nhiều cũng biết được cuộc sống khó khăn của người trí thức sống liêm khiết lúc về hưu vào thời đó. Song bên cạnh cuộc sống nghèo nàn về vật chất, thầy Tum có cuộc sống tinh thần phong phú, luôn lạc quan và thanh thản.

 

- Hôm nay gặp anh có dịp tâm sự những chuyện xưa - Thầy Tum nói tiếp. Có một điều tôi áy náy mãi là lần đi dự Hội nghị Hoà bình Thế giới ở Xtốc-khôm năm 1958, tôi cứ đinh ninh sẽ được gặp lại Người Thầy quý mến của tôi là G.S Giô-li-ô Quy-ri. Hồi đó ông đang làm Chủ tịch Hội đồng Hoà bình Thế giới. Không ngờ ông bị bệnh không đi được. Tôi viết thư kính thăm sức khoẻ của ông, sau đó ít lâu nhận được bức điện trả lời. Ông viết: “Tôi rất vui thấy anh bây giờ đang phục vụ tốt cho đất nước mình, cho sự nghiệp khoa học và đào tạo cán bộ đang rất cần cho đất nước anh. Mừng anh!”

 

Năm 1970, tôi lại có dịp sang Pháp, gặp con gái của nhà bác học. Giáo sư Ê-len Lăng-giơ-vanh Giô-li-ô Quy-ri cho biết: “Khi bị bệnh nặng, biết không qua khỏi, ba tôi bảo tôi khi nào gặp được ông nhớ chuyển lời thăm hỏi và gửi lời chào từ biệt của ba tôi”.

Dừng lại phút chốc trầm ngâm, suy ngẫm, Thầy Tum nói tiếp những lời tâm sự: “Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua mà tôi vẫn nhớ những ngày làm việc đầy hứng thú trong phòng thí nghiệm của nhà bác học Giô-li-ô Quy-ri. Khó mà tìm được Người Thầy  tài năng, giàu tâm huyết và đầy tinh thần trách nhiệm như vậy.”

Thì ra tình nghĩa thầy - trò không có giới hạn thời gian và cũng không có ranh giới quốc gia!

 

Thao Lâm