"Nhờ lớp phụ đạo hè mà các con đọc chữ thành thạo, mẹ yên tâm lên rẫy!"
(Dân trí) - Nhiều phụ huynh đồng bào Vân Kiều tại thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), phấn khởi khi thấy con mình đọc chữ thành thạo hơn nhờ lớp học "đa năng" cho trẻ.
Mùa hè năm nay, lớp phụ đạo tiếp tục được tổ chức tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn A Rồng, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, thu hút nhiều học sinh từ lớp 1 đến lớp 4 theo học.
Sở dĩ, gọi là lớp học đa năng vì đến lớp các em không chỉ học chữ, mà còn học hát, học múa, học kỹ năng sống…
Trước khi khóa học bắt đầu tổ chức, các phụ huynh đăng ký cho con theo học. Qua đó, ưu tiên những cháu học yếu, hoặc trung bình, đọc chữ chậm. Ngoài giáo viên đứng lớp, còn có một hoặc hai tình nguyện viên, đoàn viên địa phương hỗ trợ dạy học cho các cháu. Đây là những giáo viên, tình nguyện viên sinh sống trên địa bàn.
Nhà ở thôn A Rồng, thị trấn Krông Klang nên đã 2 năm nay, cô giáo Hồ Thị Mười (SN 1993), tham gia dạy phụ đạo cho các em học sinh. Việc dạy cho học sinh trên địa bàn mình sinh sống, vừa am hiểu vốn văn hóa, phong tục, lối sống giúp cô tiếp cận nhanh để đưa lớp học đi vào ổn định.
"Lớp học có khoảng 20 em, với đủ các lứa tuổi, từ lớp 1 đến lớp 4, nhưng đa số là học sinh lớp 2-3. Lớp phụ đạo hè bắt đầu từ giữa tháng 6 đến gần dịp bước vào năm học mới. Lớp học này được tổ chức mỗi tuần 4 buổi, thời gian học từ 7h30-9h30 hàng ngày", cô Mười nói.
Chị Hồ Thị Lương - Bí thư Chi Đoàn thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông) cho biết, lớp học này ngoài việc dạy cho các cháu tập đọc, tập viết, còn dạy hát múa và hướng dẫn một số kỹ năng sống cơ bản.
Thời gian đầu tổ chức lớp phụ đạo hè, Chi Đoàn phải phối hợp với Hội Phụ nữ để vận động phụ huynh yên tâm giao con cho Đoàn thanh niên. Những gia đình nào cha mẹ bận việc, không thể đưa đón con đến lớp sẽ có tình nguyện viên giúp đỡ.
"Mới đầu các cháu còn bỡ ngỡ, nhưng sau một thời gian học thì các em dần thân thiện và hòa nhập tốt hơn. Từ những học sinh chậm đọc, viết, nay các em đọc thành thạo hơn. Điều đó cho thấy hiệu quả của lớp học mang lại giúp học sinh vùng cao tiến bộ hơn", chị Lương nói.
Ban đầu, lớp học chỉ có khoảng 20 em, nhưng càng về sau, số lượng học sinh tăng thêm.
Theo cô Hồ Thị Mười, trong quá trình học, có nhiều bạn học chậm nên cần giáo viên và tình nguyện viên kèm cặp, dạy dỗ. Ngoài ra, các bạn học khá, đọc nhanh hơn ở trong lớp sẽ hướng dẫn cho những bạn yếu hơn mình.
Trong tuần, giáo viên và tình nguyện viên sẽ phân chia thời gian hợp lý, bố trí một đến 2 buổi đọc, thời gian còn lại sẽ dạy hát, múa và các kỹ năng sống cần thiết.
"Do kỳ nghỉ hè kéo dài nên những học sinh quên chữ, quên vần, nhất là các em từ lớp 1 lên lớp 2. Giáo viên phải dạy các em cách đánh vần, tập đọc. Qua quá trình học, nhiều em hợp tác tốt, ban đầu không đọc được nhưng nay đã đọc thành thạo", cô Mười nói.
Chị Hồ Thị Liên - phụ huynh học sinh cho biết, quá trình học tại lớp nhận thấy con ngày càng thích đi học hơn. Trước đây cháu chậm đọc chữ, nhưng giờ đã đọc thành thạo. Nhờ các anh, chị đoàn viên hỗ trợ nên phụ huynh yên tâm giao con cho đoàn viên dạy dỗ để lên rẫy sản xuất.
Tham gia học tại lớp, cháu Hồ Thị Đa cũng trở nên mạnh dạn hơn trước. "Đến lớp cháu cảm thấy rất vui vì được các anh chị đoàn viên dạy học, ngoài ra còn tổ chức các trò chơi, múa hát", cháu Đa nói.